Sau đợt giãn cách từ tháng 4/2021, cô buộc phải chọn công việc mới - công nhân trong một nhà máy ở quê. Công việc mới lương ngang giáo viên nhưng có thể tăng ca, thêm thu nhập, không mất tiền thuê trọ và được ở gần bố mẹ.
Các bé ba tuổi ca hát, phụ huynh chúc cô hạnh phúc trong công việc mới, đồng nghiệp người mừng người tủi cho cô.
Thật may trẻ thơ chưa biết chuyện. Nếu con thắc mắc, tôi không biết phải trả lời ra sao.
Trên taxi về nhà, ứng dụng podcast của tôi tự động phát buổi phỏng vấn một ca sĩ, cô nói gì đó về một thế hệ trẻ không biết làm gì trong một thế giới quá đầy đủ.
Tiếng radio của tài xế, trong lúc đó, đang phát buổi phỏng vấn một chuyên gia kinh tế về tình trạng hậu Covid, nhấn mạnh đến bất bình đẳng thu nhập gia tăng, theo một thống kê của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF).
Báo cáo của NCIF khẳng định so với thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan trong bối cảnh Covid. Nhưng tốc độ tăng thu nhập của nhóm nghèo luôn thấp hơn nhóm giàu, do vậy, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng lên. Báo cáo công bố hôm 22/5 của tổ chức phi chính phủ Oxfam cũng cho thấy, bất chấp đại dịch, thế giới mỗi ngày vẫn có thêm một tỷ phú mới trong khi hàng trăm triệu người khác nghèo đi.
Theo NCIF, Covid còn tạo ra một câu chuyện bi hài hơn: Nếu đứng ở vị trí của 60% dân cư giàu nhất, dường như mức độ bất bình đẳng về thu nhập đã giảm bởi thu nhập của lao động ở mức cận cao tăng lên, thu hẹp khoảng cách với lao động thu nhập cao. Nhưng đứng ở vị trí của 40% người nghèo nhất còn lại, bất bình đẳng lại rõ ràng hơn, bởi người có thu nhập thấp và rất thấp đang bị nhóm trên bỏ xa.
Báo cáo không nhấn mạnh đến cô Tâm, người đang đứng yên ở nhóm thu nhập trung bình. Nhưng sự thay đổi công việc, tôi nghĩ, đem đến cho cô nhiều bất trắc hơn là phát triển. Theo số liệu của World Bank, người có thu nhập thấp thiếu kỹ năng và tài chính để trang bị công nghệ thích hợp sẽ có nguy cơ bị loại khỏi các hoạt động kinh tế có thu nhập tốt và ổn định hậu Covid, tức là sẽ gia tăng bất bình đẳng về cơ hội.
Điều làm tôi suy nghĩ hơn hết không phải là thế giới đã "đầy đủ" (về mặt vật chất hay tinh thần đi chăng nữa) như cô ca sĩ tuyên bố hay chưa, mà là sự giống nhau giữa cô ca sĩ và cô giáo Tâm. Cả hai đều trẻ, đều trải qua đợt dịch Covid, đều hoang mang trong tinh thần, và quan trọng nhất là đều có ảnh hưởng đến nhận thức của thế hệ tương lai qua lời nói và tiếng hát.
Nếu chúng ta không đối thoại trực tiếp với thế hệ tương lai về những bất bình đẳng mà Covid đem tới, thậm chí cả căn nguyên của sự bất bình đẳng, chúng ta chỉ lảng tránh câu hỏi của trẻ thơ hay chỉ chăm chú truyền thông một chiều vào sự bơ vơ tinh thần của cá nhân, thì đó là cơ hội cho sự bất bình đẳng gia tăng trầm trọng hơn.
TS. Kelly Kirkland, Đại học Melbourne (Australia) đã thiết kế nghiên cứu để chỉ ra vai trò của việc giáo dục sớm về bất bình đẳng thu nhập đối với trẻ em. Trẻ 4-6 tuổi (chưa có ý thức và chưa được giáo dục về bất bình đẳng thu nhập) có xu hướng chia đều đồng xu cho tất cả các con rối; trong khi trẻ 7-9 tuổi (bắt đầu có ý thức về bất bình đẳng) có xu hướng chia đồng xu nhiều hơn cho những con rối (được gắn nhãn) kém may mắn.
Cùng một số phép thử khác, Kelly Kirkland chỉ ra rằng cách giải thích của trẻ em về bất bình đẳng, chứ không phải bản thân bất bình đẳng, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự quan tâm và chăm sóc của trẻ đối với người nghèo khi chúng trưởng thành.
"Hiện, hàng trăm triệu người sống nhờ số tiền chưa đến 1,9 USD mỗi ngày. Hầu hết những người này ở vị trí đó đơn giản vì họ sinh ra trong một đất nước có nền giáo dục, cơ hội và mức sống thấp. Thế hệ tiếp theo sẽ kế thừa thế giới này.
Đã đến lúc chúng ta cần biết trẻ thơ nghĩ gì về điều đó. Bởi, những gì trẻ nghĩ sẽ quyết định những gì chúng sẽ làm để giúp đỡ xã hội trong những năm tới", bà Kirkland chia sẻ.
Cụm từ "bình đẳng" trong chương trình giáo dục phổ thông mới, theo Thông tư 32/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gần như gắn chặt với "bình đẳng giới" và "bình đẳng về quyền". Tức là vẫn còn một khoảng trắng về bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng về cơ hội trong giáo dục tổng thể.
Tôi không muốn con mình lớn lên trong một thế giới đầy hoang mang nội tâm, nhưng tôi cũng không muốn con lớn lên mà ngó lơ sự bất bình đẳng về cơ hội đang giáng xuống đầu những người xung quanh con và ngày càng tạo những hố sâu trong nhận thức giữa các nhóm (xét theo thu nhập) trong cộng đồng. Tôi hy vọng con lớn lên trong một thế giới mà những người có ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ cất tiếng nói rõ rệt về bất bình đẳng thu nhập và cơ hội, thay vì chỉ nhìn thấy thế giới đầy đủ nho nhỏ quanh mình.
Joseph E. Stiglitz, kinh tế gia đoạt giải Nobel 2001, trong cuốn sách "Cái giá của sự bất bình đẳng" đã khẳng định tình trạng bất bình đẳng càng trầm trọng thì ý thức cộng đồng càng bị xói mòn, làm cho các thành viên càng xa lánh nhau. Càng xa lánh nhau, những tổn thương về sự bất bình đẳng càng hằn sâu vào lòng xã hội.
Sự xa lánh nhau đó, biết đâu lại chính là nguyên nhân làm cho người trẻ cảm thấy "không biết làm gì trong một thế giới quá đầy đủ".
Về phần mình, tôi chỉ biết cầu chúc cho cô Tâm sớm ca hát cùng trẻ thơ ở một trường mầm non như cô từng hát cho con tôi.
Lang Minh