Ngôn ngữ là gì? Nhìn chung, ngôn ngữ là hệ thống để con người, thuộc một nhóm cộng đồng hay quốc gia, sử dụng để giao tiếp, liên lạc với nhau. Ngôn ngữ có vai trò gì? Việc sử dụng ngôn ngữ có thể giúp ta truyền đạt ý kiến, ý tưởng, tâm tư tình cảm với một người thuộc cộng đồng hay quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó.
Vừa qua, cộng đồng mạng đang bàn tán về một cô gái trong một chương trình hẹn hò. Trong đó, cô gái sử dụng rất nhiều từ tiếng Anh xen lẫn với tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Có ý kiến cho rằng đây là hành động thiếu tôn trọng, phá vỡ sự trong sáng của tiếng Việt (the purity of tiếng Việt). Nhiều người lại cho rằng không sao cả, vì ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp mà thôi.
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc nói/viết nửa Tây nửa Ta như vậy có giúp ích cho việc truyền đạt ngôn ngữ không? Câu trả lời là có và không.
Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Chúng ta phải biết "viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?", việc xác định đúng đối tượng mình đang truyền đạt là rất quan trọng.
Trong chương trình, hoàn toàn hai nhân vật không biết nhau, điểm chung duy nhất là hai bên đều là người Việt Nam. Vậy có sai khi cô gái nghĩ ngay rằng đối phương có vốn tiếng Anh khá để hiểu cách nói chuyện trên hay không?
Có người bình luận rằng đến thầy giáo người Pháp cũng chêm tiếng Anh lẫn tiếng Pháp khi nói. Nhưng trường hợp này lại chấp nhận được do đối tượng là học sinh biết tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chấp nhận các trường hợp dùng các từ chuyên ngành mà tiếng Việt chưa có để dễ dàng trong công việc. Không một ai khi nói chuyện với người lạ ngoại quốc lại sử dụng thứ ngôn ngữ nửa tiếng Anh, nửa tiếng mẹ đẻ. Điều này không giúp ích cho giao tiếp giữa hai người.
Tương tự vậy, nếu hai người Việt Nam mới gặp nhau thì nên hiểu là đối phương chưa chắc đã thành thục tiếng Anh để có thể tiếp thu cách nói chuyện Anh và Việt như cô gái. Sự thiếu tôn trọng sinh ra ở đó. Ngôn ngữ nào cũng rất hay, rất đẹp, ngay cả tiếng Việt.
Việc chúng ta bóp méo sự trong sáng của tiếng Việt không khiến chúng ta sang "mồm" hơn mà chỉ khiến cản trở giao tiếp, thiếu tôn trọng đối phương và thể hiện trình độ ngôn ngữ kém.
Thậm chí, những người có thể vận dụng tinh hoa của ngôn ngữ mẹ đẻ (các biện pháp tu từ) mới là những người đáng được coi trọng. Trên thực tế, chúng ta dùng rất nhiều biện pháp tu từ, nhất là "nói quá", ví dụ như "đến Tết mới làm xong", "nghe nó thì bán nhà", "đói rã họng".
Với vai trò là dịch giả, tôi không khỏi buồn thay một thế hệ trẻ bây giờ không chỉ không biết "nói cho ai", "nói như thế nào" mà còn không biết "nói dùng từ gì", thậm chí buồn hơn khi có nhiều người còn cho rằng sử dụng thứ ngôn ngữ chắp vá, tạm bợ như thế mới "giỏi".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.