Gần đây nổi lên chuyện một cô gái tham gia gameshow đã nói một thứ ngôn ngữ có thể gọi là nửa Việt nửa Anh. Trong mỗi câu nói bằng tiếng Việt đều chèn thêm một vài từ tiếng Anh như là "Em là một người rất sentimental nên luôn muốn partner phải ở bên cạnh mình... Nếu như phải đi đến long distance relationship thì đó phải là mối quan hệ rất serious đối với em...". Công việc hàng ngày của cô ấy là phải sử dụng nhiều tiếng Anh.
Lập tức, câu chuyện nhận được nhiều ý kiến trái chiều, người thì kịch liệt phản đối, người thì lại ủng hộ.
Thực ra vấn đề này không mới, nó đã tồn tại từ khá lâu. Khi tiếng Anh ngày càng phố biến ở Việt Nam ta thì vấn đề này cũng càng trở nên phố biến, nhất là trong giới trẻ.
Vì sao nhiều người lại có cách nói tiếng Việt pha tiếng Anh như vậy? Có người vì sống lâu ở nước ngoài nên khi nói tiếng Việt cũng ít nhiều quên một số từ ngữ. Có người làm việc thường xuyên trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài nên hình thành thói quen "loạn ngữ" và thường là họ cũng chẳng cần sửa chữa vì cho rằng đây là thói quen hay. Có người lại cố tập cách nói kiểu này để tỏ ra có cá tính...
>> Nói tiếng Việt xen tiếng Anh: 'Thích thể hiện' hay luyện tập ngoại ngữ?
Theo tôi - một người không phải thuộc hàng trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) xuất sắc nhưng cũng ở mức kha khá, thì những người nói tiếng Việt pha tiếng Anh đang thiếu đi sự tôn trọng. Họ thiếu sự tôn trọng với người nghe và thiếu sự tôn trọng đối với ngôn ngữ dù là tiếng Việt hay tiếng Anh, một sự thiếu tôn trọng văn hóa nói chung.
Có những người sống lâu ở nước ngoài, khi về nước nói tiếng Việt đôi khi bị quên và buột miệng những từ tiếng Anh. Nhưng họ sẽ lập tức dừng tại đó, cố gắng lục lọi trí nhớ về từ tiếng Việt và sửa lại câu nói. Nếu không thể họ sẽ cố gắng giải thích bằng nhiều cách... Đó là những người biết tôn trọng.
Có những người làm việc trong môi trường phải dùng nhiều tiếng Anh nhưng khi tiếp chuyện một người Việt họ luôn ý thức phải nói tiếng Việt 100%. Ngay cả với những từ chuyên ngành dịch ra tiếng Việt nghe rất tối nghĩa họ cũng cố gắng giải thích, để làm sao người nghe hiểu được bằng tiếng Việt một cách sát nghĩa nhất... Đó là những người biết tôn trọng.
Còn những bạn cố tình nói tiếng Việt pha Anh để ra vẻ cá tính, thì tôi có một lời khuyên rằng đó không phải là cá tính. Tôi quen một số người có cá tính thực sự, họ không bao giờ cố gắng thể hiện cái cá tính đó của họ. Đơn giản vì cái sự cá tính nó ăn vào tận xương tủy của họ mà đôi khi nó bộc phát ra ngoài mà họ không kiềm chế được. Họ thậm chí còn cảm thấy xấu hổ cho cái sự cá tính của họ vì cá tính đôi khi là sự kỳ quặc, lạ đời...
Vậy nên đừng cố cá tính nếu bạn không phải là người có cá tính, vì càng cố thì chỉ càng làm trò hề mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Tung Nguyen