"Cách đây hơn một tuần, trên mạng xã hội có video cảnh một tài xế taxi sửng cồ với một người nước ngoài vì bị góp ý hành vi xả rác. Còn định lấy "đồ" trong cốp ra xử người ta nữa dù ông người nước ngoài trông không hề dễ bắt nạt.
Thử hình dung nếu người góp ý là một phụ nữ nhỏ bé, có gì đảm bảo gã taxi kia không đánh cô ấy? Khi cả xã hội không bàng quan, cùng tấn công cái xấu thì cái xấu sẽ không dám lộng hành.
Còn những cái tốt lẻ loi, đơn độc thì không đủ để trấn áp được cái xấu. Thứ nữa, chúng ta sẽ dám lên tiếng hơn nếu biết chắc chắn rằng những vụ hành hung trên phố sẽ có cơ quan chức năng can thiệp ngay lập tức khi gọi đường dây nóng
Tôi đề xuất nên thêm nhiệm vụ cho Cảnh sát giao thông xử phạt trực tiếp các hành vi xả rác, gây ồn và phạt nguội qua hình ảnh ghi lại hoặc bị người khác ghi hình tố cáo. Cần phạt thật nặng đồng thời bắt dọn dẹp chỗ rác đó. Chỉ cần được trang bị camera và máy đo cường độ âm thanh.
Cửa hàng nào loa đài ầm ĩ là phạt nóng ngay. Chúng ta nhắc nhở mãi, nhưng không hiệu quả, chỉ có mức phạt mới giải quyết vấn đề. Chắc chắn tiền phạt từ rác, từ tiếng ồn còn lớn hơn tiền phạt vi phạm giao thông nữa. Vừa tăng thu ngân sách, vừa tăng ý thức trách nhiệm xã hội, vừa có đường phố sạch đẹp, văn minh".
Bạn đọc có nickname Maisie dẫn chứng một trường hợp thực tế: Tài xế taxi xả rác bừa bãi, sau đó có thái độ "lồi lõm" với người nhắc nhở là một vị khách nước ngoài để cho thấy rằng việc nhắc nhở người có hành vi không văn minh là rất khó khăn.
Bình luận trên được viết sau trăn trở "nhiều người mong mỏi xã hội tốt hơn nhưng chọn thỏa hiệp với những thói hư tật xấu" của tác giả bài viết Giá như ai trong chúng ta cũng có 'Cơn bệnh thần kinh'.
Độc giả nickname dinhnhatanh1812 đưa ra nhiều băn khoăn: "Tôi rất tôn trọng và ngưỡng mộ những người dám lên tiếng với những hành động xấu ngoài xã hội.
Nhưng không thể đòi hỏi ai cũng phải lên tiếng vì mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh. Ai cũng có một gia đình đang đợi mình ở nhà, ai biết được kẻ xấu kia sẽ hành động như thế nào khi bị công kích?
Khi ta nhìn thấy và lên tiếng với người xả rác bừa bãi, đi sai đường, bị họ đánh, chửi lại mình thì mình phải làm sao?
Mọi việc có chế tài của pháp luật, lòng người khó đoán, rất dễ bị kích động hành động cực đoan khi bị công kích. Vậy nên mỗi người hãy tự ý thức bản thân và gia đình mình cho tốt thì xã hội sẽ tốt hơn".
Độc giả nguyentrihanh nhận xét: "Ngày xưa ông bà dạy"Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả". Bây giờ thì "Kiến nghĩa bất vi" không phải là "vô dõng giả" nữa, mà là "vô cấp cứu".
Độc giả Sông Đông êm đềm kể một trường hợp cụ thể: "Tôi xin kể một sự việc mắt thấy tai nghe: Một người vứt rác ở chân cầu thang khu tập thể, ngay cạnh tường hộ dân bên cạnh. Chủ hộ thấy thế nên đã nhắc nhở.
Người vứt rác thay vì ngượng ngùng hay xấu hổ, họ liền quay lại 'đàm phán không thân thiện' với người kia, lấy lý do chỗ đó là nơi công cộng. Sau một hồi đàm phán không thành công, đôi bên lao vào tác động vật lý lên nhau, dẫn đến cơ quan chức năng phải đến can thiệp".
Đúc kết lại các vấn đề, độc giả có nickname MyloveisWinter nói:
"Kẻ xấu chỉ tồn tại khi người tốt không làm gì cả. Chúng ta phải chung tay xây dựng, nếu muốn con cháu chúng ta sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn thì đi làm kiếm tiền thôi là chưa đủ.
Kẻ xấu lộng hành do người tốt hiền quá, dễ bỏ qua, trong khi họ trắng trợn vô ý thức. Nếu chúng ta đều nói không, thì mọi việc sẽ khác. Kẻ vô ý thức sẽ cảm thấy yếu thế mà không dám làm bậy.
Khi ai ai cũng thấy cái sai và đều lên tiếng thì kẻ yếu thế sẽ là kẻ sai. Hãy lên tiếng nhắc nhở và trình báo những người có chức năng xử lý. Lòng người khó đoán thật, nhưng chỉ cần có người lên tiếng thì sẽ có nhiều người ủng hộ.
>> Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Mọi người nơi tôi ở đã áp dụng tinh thần này, dân phòng luôn túc trực ở đầu hẻm và khu dân cư. Ai muốn hát karaoke thì xin ý kiến trước và cho phép mỗi tuần được hát bắt đầu từ 10h sáng chủ nhật tới 3h chiều. Còn lại hạn chế, ai có nhu cầu thì đi tiệm karaoke. Ai không chấp nhận gọi dân phòng tới xử lý.
Chúng tôi gắn camera trước cửa mỗi nhà, ai cho chó mèo ị bậy, vứt rác không đúng nơi liền bị phạt 100 nghìn đồng, nộp cho quỹ dân phòng để có chi phí hoạt động. Tiền dư thì quyên góp vào nhà thờ cho các gia đình khó khăn. Làm thường xuyên và đều đặn, ở khu phố ai cũng thoải mái. Cái gì cũng phải chung sức thì làm dễ lắm".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.