Vài tháng trước khi tạ thế, Anton Chekhov - nhà văn người Nga được xem là một trong những nhà văn chuyên viết thể loại truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, tâm sự với nhà văn Ivan Bunin rằng ông nghĩ mọi người sẽ tiếp tục đọc tác phẩm của ông thêm 7 năm nữa.
"Tại sao lại là số bảy?", Bunin hỏi. Chekhov trả lời: "Ừm, bảy năm rưỡi. Không tệ đâu. Tôi còn sống thêm sáu năm nữa".
Thế nhưng đã gần 120 năm trôi qua, kể từ Chekhov tạ thế, người ta vẫn đọc những câu truyện của ông một cách say mê và phải thốt lên: Tại sao có những tác phẩm giá trị vượt thời gian và không gian đến vậy.
Khi đọc truyện ngắn Cơn bệnh thần kinh của Chekhov, tôi cho rằng nếu nhiều người trong chúng ta mang dáng dấp của anh chàng sinh viên Vaxilép.
Tóm tắt câu chuyện, anh chàng sinh viên y khoa Maierơ và Rứpnikốp, học sinh trường hội họa, điêu khắc và kiến trúc ở Maxcơva, cùng nhau đến nhà bạn mình là Vaxilép, sinh viên luật khoa, và rủ anh ta xuống ngõ X.
"Anh sinh viên Vaxilép chỉ biết đến những người đàn bà sa đọa qua lời kể, qua những trang sách đọc, và chưa một lần nào trong đời anh bước vào những ngôi nhà họ sống.
Anh đã biết rằng trên đời này có những người phụ nữ hư hỏng như thế, những người này nhiều khi do hoàn cảnh éo le không may xảy đến, do ảnh hưởng giáo dục không tốt, do túng thiếu... mà đã buộc phải đem bán danh dự của mình để ếm ít tiền nuôi thân.
Họ không biết đến tình yêu trong sạch, không có con cái, không có quyền hành; các bà mẹ và chị em họ than khóc về họ như than khóc những người đã chết, xã hội khinh rẻ họ, coi họ như một nguồn gốc tội lỗi, đàn ông suồng sã gọi họ là cô em. Mặc dầu vậy họ không mất hình hài, tính nết của con người".
Thế rồi anh chàng sinh viên Vaxilép cứ trăn trở, suy nghĩ mãi về những cô gái buôn phấn bán hương: Làm thế nào để giải thoát họ khỏi nhà thổ? Anh đề xuất các biện pháp như mua máy may để họ trở thành người thợ may kiếm sống. Rồi anh lo sợ họ không quen lao động nên rơi vào cảnh ngựa quen đường cũ.
Anh nghĩ đến việc lấy họ làm vợ nhưng phải là "bậc thánh" mới hành động được như thế. Nhưng rồi cuối cùng, anh lại tự đưa mình vào một nan đề luẩn quẩn, không có lời giải: "Một trăm nghìn cô gái bán hoa ở Luân Đôn thì đưa đi đâu", ai sẽ lấy làm vợ để giải thoát cho họ?
Thế rồi anh chìm đắm trong suy nghĩ đó một cách khổ sở. Bạn bè đưa anh đi khám bệnh, anh nói: Tôi viết ra một bản luận văn mà ba năm sau người ta sẽ bị xếp xó và quên đi nhưng người ta lại tâng bốc tôi lên mây xanh, còn thương cảm cho những cô gái lầm đường lạc lối thì người ta nghĩ tôi bị bệnh thần kinh và đem đi chữa trị! (Hết tóm tắt).
>> Bạn tâm đắc với bộ phim, cuốn sách nào nhất? Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây.
Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Ngày nay, ta có thể tìm thấy cả trăm, nghìn lý do để phải suy nghĩ, trăn trở như Vaxilép nhưng chưa thực sự "quằn quại" như anh:
- Chạy ngoài đường, ta thấy nhiều người vượt đèn đỏ, đi xe máy vào làn ôtô, ôtô và xe máy tranh nhau đường.
- Ta thấy người sửa xe rải đinh ngoài đường để có nhiều khách hàng bị xì lốp.
- Ta thấy phụ huynh chở đứa bé tan học về, đứa bé ăn quà vặt xong thản nhiên vứt rác xuống đường...
Những điều này có làm chúng ta chướng tai, gai mắt không? Dĩ nhiên là có. Nhưng tôi tự hỏi có bao nhiêu người dám lên tiếng? Có bao nhiêu người dám phê bình và góp ý một người lạ ngoài đường? Ngay cả chính bạn bè, người thân có tật xấu như vậy, nhưng nhiều người vẫn lờ đi, thỏa hiệp để ổn định cuộc sống của mình trước đã.
Mọi suy nghĩ, trăn trở nếu không thể hành động một cách quyết liệt, thì dù nghĩ tới đâu đi nữa, nó cũng như một cơn bệnh thần kinh thoáng qua, và khi nó qua, chúng ta sẽ thấy cuộc sống như cũ, và lại tiếp tục khó chịu với những thói hư tật xấu.
Phan Vĩnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.