Khi đọc tin Gần 500 người TP HCM bị chó cắn dịp Tết, bạn tôi thắc mắc tại sao dịp Tết những năm trước không có con số thống kê mà năm nay lại có. Tôi trả lời rằng "chắc do mấy năm trước hạn chế đi lại để chống dịch Covid-19 nên người ta không đi thăm hỏi, chúc Tết nhau nên năm nay nhiều người đi bù".
Tôi lại nhớ tới dịp trước Tết này, tôi dắt đứa cháu 11 tuổi sang nhà hàng xóm chơi, vừa vào tới nhà người hàng xóm là cháu tôi phóng tót lên giường vì sợ con chó của chủ nhà.
Cháu tôi thì sợ, chủ nhà thì cười bảo "nó sủa vậy thôi chứ không có gì đâu". Thế là cả buổi cháu ngồi trên giường vì sợ chó. Đến lúc về, tôi phải cõng cháu ra tận cổng. Về nhà mẹ tôi mới nói tuy ở gần nhưng bình thường mẹ không cho cháu qua nhà hàng xóm chơi vì "nhà đó có con chó khá to".
Ở đời không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất. Mẹ tôi lo lắng và đề phòng như vậy là có cơ sở. Bởi vậy, tôi rất hiểu và thông cảm cho hành động của một người cha khi cố gắng không cho chó lại gần con trai của mình tại một sảnh chung cư ở quận 7, TP HCM.
Tiến trình sự việc như sau: Người cha trong lúc chờ thang máy với con trai thì xuất hiện một con chó. Khi thấy con chó cậu bé đã chủ động lùi về phía sau nhưng con chó này vẫn lấn tới, người cha đã dùng chân gạt con chó ra. Sau đó xảy ra xô xát giữa chủ chó và người cha này.
Vụ việc đang chờ kết luận đúng sai, nhưng mâu thuẫn giữa người nuôi chó và dân cư ở xung quanh và đã xảy ra nhiều lần. Những bài học, kinh nghiệm rút ra sau mỗi vụ việc ví như một sợi dây dài không có điểm kết: dọn phân nếu chó phóng uế nơi công cộng, dắt chó đi dạo cần có xích, rọ mõm, tiêm chủng phòng dại đầy đủ cho chó...
Người nuôi có quyền yêu thú cưng của mình nhưng cũng cần tuân thủ những quy định nhằm đảm bảo an toàn cho người xung quanh.
Thanh Giang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.