Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết thông tin trên khi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế, sáng 31/1 và nói thêm người dân đến nhà nhau chúc Tết đã bị chó tấn công. Ngoài ra, hầu hết cơ sở tiêm chủng đóng cửa trong dịp này nên người bị chó cắn tập trung đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiêm vaccine phòng dại, dẫn đến con số tăng cao.
Thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, khoảng 1.900 lượt tiêm phòng dại trong dịp Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng) tại đây. Trong đó, 496 người bị chó cắn, 55 người bị mèo cào, 8 người bị chuột cắn, 29 người bị động vật có vú khác cắn, còn lại là tiêm uốn ván đơn độc hoặc tiêm vaccine kết hợp huyết tương, tiêm mũi nhắc lại.
Con số này tăng cao so với Tết các năm trước. Tết năm 2022, bệnh viện ghi nhận khoảng 800 lượt tiêm phòng dại, tức chỉ bằng một nửa so với số lượng năm nay. Tết 2021 bệnh viện tiêm khoảng 1.000 lượt phòng dại.
Số lượt tiêm phòng dại ở bệnh viện dịp Tết cũng chênh lệch nhiều so với ngày thường. Trước Tết, mỗi ngày bệnh viện ghi nhận khoảng 200-250 lượt tiêm phòng dại, còn Tết 300-400 lượt/ngày.
"Hai năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân ít có dịp gặp nhau, chúc Tết, chủ yếu ở trong nhà, còn năm nay con số tăng cao cũng là điều dễ hiểu", đại diện phòng Kế hoạch - Tổng hợp nói với VnExpress.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dại là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất ở Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. Tỷ lệ chết là 100% khi phát bệnh dại. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương bằng xà phòng, nước sạch, sau đó tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, không tự chữa tại nhà, giết mổ hay ăn thịt chó.
Liệu trình tiêm chủng dại gồm ba mũi vaccine vào ngày 0, ngày 7, ngày 28 hoặc 21 sau khi bị cắn. Tiêm nhắc lại sau một năm và cứ 5 năm tiêm nhắc lại một mũi vaccine.
Có thể tiêm dự phòng trước phơi nhiễm, nghĩa là chủ động tiêm khi chưa bị động vật cắn. Đây là cách để hạn chế rủi ro, bảo vệ an toàn tính mạng cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, có nguy cơ tiếp xúc với virus dại mà không hay biết.
Sáng nay, đoàn Bộ Y tế còn kiểm tra tình hình phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Y tế Quận 3 và sân bay Tân Sơn Nhất. Hồi trước Tết, Sở Y tế thành phố kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 13 điều trị Covid-19 và giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phụ trách. Khoa Nhiễm D của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các nơi chuyển về.
Theo bác sĩ Dũng, có 17 ca Covid-19 nặng điều trị tại Khoa Nhiễm D trong những ngày Tết. Hiện hầu hết bệnh nhân đã khỏi, xuất hiện, còn 3 ca đang điều trị. "Số lượng ca Covid-19 nặng tại đây giảm dần trong đợt Tết, là tín hiệu đáng mừng về tình hình dịch ở TP HCM", bác sĩ Dũng nhận định.
Dự báo của ngành y tế lúc trước Tết là có thể bùng phát dịch Covid-19 trong và sau Tết, do sự xuất hiện biến chủng mới Omicron là XBB và XBB.1.5 - chủng lây lan nhanh hơn tất cả chủng nCoV đã biết. Chủng XBB đã được ghi nhận tại TP HCM và Tây Ninh, chủng XBB.1.5 chưa xuất hiện ca nhiễm nào song các chuyên gia không loại trừ khả năng virus xâm nhập.
Mỹ Ý