Toạ đàm được tổ chức trong bối cảnh các vụ cáo buộc xâm hại liên tiếp diễn ra: một người mẹ ở Hà Nội phải gửi đơn kêu cứu khi chị cho rằng con gái tám tuổi bị xâm hại nhiều lần nhưng thủ phạm chưa bị xử lý; một người đàn ông 77 tuổi ở TP Vũng Tàu nghi dâm ô bảy bé gái cùng chung cư.
Người cha ngồi đó, quay lưng với hội trường, không ngẩng mặt lên nhìn sân khấu, nơi các vị khách mời đang lên tiếng. Đến lượt mình, đôi vai anh chùng xuống. Phải mất một lúc lâu anh mới trấn tĩnh để kể lại câu chuyện và hành trình hai năm đi tìm công lý cho con gái ba tuổi bị xâm hại.
Hai năm trước, anh đi làm xa, để con ở nhà với bà. Cô bé chạy sang nhà ông hàng xóm chơi và bị người này thực hiện hành vi dâm ô. Nghe con khóc kể lại, người cha đã sang chất vấn hàng xóm. Ông ta chối quanh, sau phải thú nhận và viết giấy thừa nhận hành vi đồi bại của mình. Người cha đã tố với công an. Kết quả giám định kết luận cháu bé có dấu vết bị dâm ô. Cuối năm 2016, công an khởi tố bị can, nhưng người hàng xóm cương quyết không đi. Vụ việc dần rơi vào im lặng khiến người cha bất lực.
“Em uất ức lắm. Sao kẻ xấu xa như vậy lại không bị xử lý. Nếu luật pháp bỏ qua, sẽ có nhiều bé gái nữa chịu nỗi đau giống con em”, giọng người cha uất nghẹn đầy khổ sở. Sự phẫn uất khiến cả hội trường vốn đã chật chội lại càng thêm ngột ngạt. Anh buông micro, cúi đầu khóc. Cái cúi đầu chung cho những bậc cha mẹ bất lực khi không bảo vệ, càng không đòi được công lý cho con mình.
Hơn một năm sau, vụ người đàn ông nghi dâm ô nhiều bé gái ở TP Bà Rịa - Vũng Tàu được đưa ra xét xử. Người đàn ông 78 tuổi nhận bản án 18 tháng tù cho hành vi dâm ô một cháu bé, còn lại không đủ bằng chứng. Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo là người già, lại đang bị bệnh nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ, cho hưởng án treo. Pháp luật trọng chứng hơn trọng cung, lý của cơ quan xét xử là không có đủ bằng chứng buộc tội ông ta dâm ô nhiều bé gái.
Đằng sau bản án hết sức lạnh lùng ấy của “thần công lý mù”, xã hội phải mang một sự sợ hãi: sợ cái hành vi ghê tởm với trẻ em ấy, sợ vì hành vi ấy rất khó thu thập bằng chứng và thậm chí khó phát hiện sớm, sợ vì pháp luật sẽ xử lý vô tình trước các bằng chứng.
Pháp luật đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội. Nhưng việc một ai đó có thể đã dâm ô trẻ em nhưng “không đủ bằng chứng kết tội” là một nỗi sợ khủng khiếp. Suy nghĩ rằng chính mình có thể là người cha người mẹ kia, chỉ biết khóc nấc lên vì uất ức, là một nỗi sợ khủng khiếp khác. Giây phút này, tôi tin nhiều người cũng như mình, đang cảm thấy sợ khi đặt mình vào hoàn cảnh bố mẹ các cháu. Và nỗi sợ đó chính là thứ mà xã hội đang thiếu.
Pháp luật hình sự dường như đang có những khoảng trống trong thực thi, nhiều vụ xâm hại tình dục điều tra không có kết quả hoặc kéo dài, khiến gia đình người bị hại mệt mỏi. Suốt thời gian qua tôi đã chứng kiến rất nhiều sức ép lên các cơ quan hành pháp, để họ phải thay đổi cách phản ứng trước những vụ việc này.
Chính nỗi sợ sự vô tình của tòa án đã khiến cảnh sát Mỹ phải công phu thiết lập cơ chế “giăng lưới” để có thể thu thập bằng chứng cáo buộc hành vi ấu dâm, như một vụ án gần đây mà nhiều người còn nhớ.
Trong buổi tọa đàm tôi dự hôm ấy, một thông tin được nêu ra: Việt Nam đang có khoảng 15 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Nhiều người tham dự đã ồ lên vì kinh ngạc. Tôi thậm chí đã nghe trong hội trường có tiếng nghiến răng: “Một trẻ em có 15 cơ quan bảo vệ mà khi bị xâm hại, các em và gia đình không biết tìm ai để nhờ giúp đỡ”.
Ở các quốc gia phát triển, số lượng các chương trình hành động của khối phi chính phủ, chính phủ và liên chính phủ (như Liên minh châu Âu) để chống nạn xâm hại trẻ em là không thể đếm hết. Chúng ta thậm chí chưa có một chương trình hành động quốc gia chống nạn xâm hại, cho dù Việt Nam, trung bình tám tiếng đồng hồ có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục, một năm có hơn một nghìn trẻ. Cái thiếu, phải chăng chính là người ta chưa đủ nhận thức để cảm thấy sợ?
Và trên hết, nỗi sợ hãi sẽ khiến chính các phụ huynh phải cảnh giác. Tôi ngày càng nhìn thấy nhiều gia đình tự giáo dục cho con mình về chống xâm hại, nhờ vào nỗi sợ dấy lên từ những vụ án gần đây. Bạn tôi, dù hai đứa nhỏ đều là con trai, vợ chồng anh đã tự hướng dẫn cho bọn trẻ lập cơ chế phòng vệ với xâm hại tình dục. Vợ anh dặn cậu con trai đầu, 5 tuổi rằng không được cho người khác sờ vào vùng kín. Và nếu chẳng may bị đụng chạm có chủ đích thì phải nói ngay với ba mẹ. Được học, nên đến giờ dù vẫn tắm chung hay đùa nghịch, nhưng cậu bé không bao giờ cho ai chạm vào chỗ kín.
Những cách nuôi dạy này sẽ ngăn chặn nguy cơ xâm hại xảy ra, và nếu điều không may đến, thì bằng chứng của tội ác sẽ đến sớm khi trẻ tự biết nói với cha mẹ.
Hôm qua, có thể nhiều người chưa bằng lòng với phiên tòa xử vụ ấu dâm. Nhưng đến cuối, phải cảm ơn người mẹ đã dũng cảm theo đuổi vụ kiện cho dù nhiều cay đắng, cảm ơn người cha đã đến một buổi tọa đàm chỉ để khóc trong uất ức. Họ đã giúp xã hội hình thành một nỗi sợ.
Hoàng Phương