Theo Văn phòng Biện lý Quận Cam, sau khi một cậu bé tố cáo diễn viên Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng với mình hôm 23/3, ngày hôm sau, một cảnh sát Garden Grove đã giả làm một cậu bé 14 tuổi để liên lạc với nam diễn viên. Minh Béo sau đó bị cáo buộc toan tính sắp đặt cuộc gặp gỡ với ý đồ lạm dụng tình dục và bị bắt giữ.
Minh Béo bị cáo buộc tất cả ba tội danh, gồm: quan hệ tình dục qua đường miệng với trẻ vị thành niên, toan tính thực hiện hành vi dâm ô với trẻ dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ thực hiện hành vi dâm ô. Số tiền bảo lãnh tại ngoại đối với Minh Béo được đưa ra là một triệu USD.
Xem thêm: Người phạm tội ở Mỹ được bảo lãnh như thế nào
Hoạt động của cảnh sát Mỹ làm dấy lên nghi ngờ rằng phải chăng Minh Béo bị "gài bẫy". Thực chất, theo luật pháp Mỹ, nhân viên hành pháp có thể cải trang, giả danh hay nói dối để tiếp xúc nghi phạm nhằm tìm bằng chứng, tuy nhiên, luật pháp Mỹ có quy định về giới hạn của hành vi này.
'Giăng lưới'
Trong khi điều tra, nhân viên hành pháp Mỹ được phép tổ chức các chiến dịch "giăng lưới" tội phạm (sting operation). Giới chức sẽ đóng giả làm đối tác hay đồng lõa của tội phạm, hoặc giả làm "con mồi" tiềm năng để thu thập bằng chứng.
Một số hoạt động giăng lưới điển hình có thể kể đến như cảnh sát đặt một chiếc "xe mồi" để bẫy kẻ trộm xe, giả dạng làm sát thủ để bắt những kẻ muốn thuê người ám sát, hay ngược lại, giả dạng làm khách hàng để bắt sát thủ. Giới chức cũng có thể đóng làm kẻ tìm kiếm phim khiêu dâm trẻ em để bắt kẻ cung cấp, hay đóng giả trẻ vị thành niên trong một phòng chat trên mạng để bắt kẻ ấu dâm.
Nguyên tắc trong hoạt động giăng lưới là giới chức phải đảm bảo rằng, nghi can mà họ kích thích đã có ý định thực hiện hành vi phạm tội hoặc đã lên kế hoạch từ trước. Nếu không, hành vi của giới chức có thể được cho là "gài bẫy" (entrapment), tức là xúi giục, cưỡng ép một người phải phạm tội, mà nhẽ ra họ đã không làm nếu không bị kích thích.
Chẳng hạn, nếu một cảnh sát ngầm ép buộc một nghi phạm sản xuất ma túy để bán cho họ, bị cáo có thể nói rằng họ bị gài bẫy và dùng việc này làm lý lẽ để biện hộ, nhằm được giảm án hay trắng án. Tuy nhiên, nếu nghi phạm vốn đã sản xuất ma túy và cảnh sát đóng giả làm người mua, thì đây là hoạt động giăng lưới hoàn toàn chính đáng.
Khác biệt
Sự khác biệt giữa hai khái niệm này có thể được làm rõ qua các vụ án nổi tiếng, tiêu biểu là vụ truy tố Patrick Naughton, sinh năm 1965, một trong những cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Java.
Ngày 14/9/1999, Naughton bay từ Seattle đến Los Angeles trên máy bay riêng, mong đợi gặp một cô bé 13 tuổi, tóc vàng, đeo ba lô màu xanh tại gần một khu trò chơi tàu lượn. Naughton trước đó đã chuyện trò với cô bé này qua một phòng chat trên mạng và trao đổi rất nhiều về tình yêu và tình dục. Naughton còn viết rằng "muốn được gặp cô bé trong phòng khách sạn và lột trần truồng cô". Tuy nhiên, "cô bé" này thực ra là một nhân viên FBI.
Hai ngày sau đó, Naughton bị FBI bắt giữ và buộc tội di chuyển liên bang với ý định quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Naughton sau đó chấp nhận một thỏa thuận điều đình (plea agreement - thỏa thuận giữa công tố viên và luật sư biện hộ của bị cáo, theo đó, bị cáo sẽ nhận tội để đổi lại một mức độ khoan dung nào đó).
Naughton thừa nhận rằng ông ta đi từ Seattle đến Los Angeles với mục đích chính là quan hệ tình dục với một cô bé mà ông ta biết là 13 tuổi. Nhờ có thỏa thuận điều đình, ông ta không phải ngồi tù mà đổi lại, phải làm việc miễn phí cho FBI trong một năm.
Theo phân tích của tạp chí Slate, Naughton không thể biện hộ rằng mình bị gài bẫy vì ý đồ phạm tội của ông ta đã quá rõ ràng. Naughton đã chuyện trò trên Internet trong 5 tháng với "cô bé" và nhiều lần gạ tình, cũng như phớt lờ lời cảnh báo rằng cô bé là trẻ vị thành niên. Ngoài ra, Naughton còn thường xuyên truy cập phòng chat thường được sử dụng bởi những người đàn ông trưởng thành muốn liên lạc với trẻ vị thành niên. Naughton còn được cho là tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em trên máy tính xách tay của mình.
Trong một vụ án nổi tiếng khác, năm 1992, Keith Jacobson, ở Nebraska, bị cáo buộc tàng trữ tài liệu ấu dâm, sau khi anh này nhận được tài liệu khiêu dâm trẻ em qua email do một thanh tra gửi.
Tuy nhiên, giới chức không phát hiện tài liệu ấu dâm nào khác ở nhà người này, ngoài email mà thanh tra gửi. Tòa cho rằng thanh tra đã khiến Jacobson bị tiêm nhiễm ý tưởng tàng trữ tài liệu ấu dâm thông qua thư từ trao đổi giữa hai bên, chứ không phải tự bản thân Jacobson có ý đồ đó. Tòa án Tối cao Mỹ kết luận rằng Jacobson bị gài bẫy và cuối cùng xử trắng án.
Theo Slate, tại hầu hết các bang ở Mỹ, để chứng minh mình bị gài bẫy nhằm biện hộ trước tòa, bị cáo phải làm rõ được ba điều.
Thứ nhất, ý đồ phạm tội đến từ cán bộ hành pháp, chứ không phải là bị cáo.
Thứ hai, cán bộ hành pháp ép buộc bị cáo phạm tội. Tòa án yêu cầu phải có bằng chứng rất rõ ràng cho việc này. Nếu cán bộ hành pháp chỉ đơn giản là tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì đó không được coi là ép buộc.
Thứ ba, bị cáo chưa sẵn sàng hoặc chưa có ý định phạm tội trước khi được cán bộ hành pháp kích thích. Giả dụ, nếu một cảnh sát chìm mua cocaine từ một người mang theo một kg ma túy, người bán không thể bào chữa rằng họ bị gài bẫy, vì ý định buôn ma túy của người đó đã quá rõ ràng.
Như vậy, nếu nam diễn viên Minh Béo muốn biện hộ rằng anh ta bị cảnh sát gài bẫy, Minh Béo cần phải chứng minh những điểm nói trên. Trao đổi với VnExpress, đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, Mỹ cho biết cán bộ cơ quan này đã sắp xếp cuộc gặp với một nhóm luật sư chuyên về tội phạm tấn công tình dục ở quận Cam. Họ đang tìm người bảo vệ Minh Béo trước tòa và việc chỉ định này hoàn toàn miễn phí. Nếu Minh Béo hoặc gia đình anh có nguyện vọng tìm luật sư riêng, bên bị sẽ tự chịu phí tổn.
Xem thêm: Bên trong nhà tù diễn viên Minh Béo bị tạm giam ở Mỹ
Phương Vũ