(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nói máy lạnh khiến con người "sập bẫy" thì tội cho nó quá. Những cái ốc đảo xung quanh là sa mạc diện tích có hạn, trồng cây xong thì diện tích để làm nhà chắc chả còn bao nhiêu. Cây xanh quang hợp thải ra oxy nhưng có thực sự cho bóng mát hay không còn phải xem lại.
Những con đường mát rượi ở TP HCM đều có hai bên rợp bóng cây. Nhưng những cái cây ấy là do người Pháp trồng từ đầu thế kỷ 19, cao hàng chục mét. Còn những con đường khác mới trồng cây, cây chỉ cao vài mét thì không có chuyện mát rượi đâu.
Những cái cây mà người Pháp trồng ở các đô thị Việt Nam thường là cây sấu (Hà Nội), cây dầu, cây cao su, cây cóc (TP HCM). Ở quê, không phải nơi nào cũng mát rượi đâu. Chỉ có cây sầu riêng, cây mít, cây dừa... lâu năm mới cho không khí mát rượi thôi. Một, hai cái cây chả được việc gì, phải là một vườn toàn những cái cây đó mới được.
>> Tôi được hít thở không khí trong lành nhờ cách ly xã hội
Cây nào cũng có tuổi thọ của nó. Vào lúc người Pháp trồng cây thì cái cây cũng phải lớn dần theo năm tháng chứ đâu phải vừa trồng xong đã cao hàng chục mét được. Những loại cây này chỉ có tuổi thọ xấp xỉ 100 năm, đến thời của chúng ta thì gốc rễ của nó đã bắt đầu mục nát có thể đổ ngã bất cứ lúc nào, chặt đi là đúng.
Trồng lại cây mới thì cũng phải có thời gian cho nó lớn lên chứ. Cái cây càng cao thì tầng không khí dưới tán cây càng lớn giúp làm giảm nhiệt độ ở tầng không khí sát mặt đất. Cây thấp dù có bóng râm dưới tán nhưng không có đối lưu không khí vì không gian không đủ.
Thế nào là đối lưu không khí? Ở nhiệt độ càng thấp, thể tích không khí càng giảm, mật độ oxy càng tăng mặc dù tỷ lệ oxy trong không khí là không đổi, hơn 20%.
Ở nhiệt độ càng cao, thể tích không khí càng lớn, mật độ oxy càng giảm. Người ở xứ lạnh khỏe hơn người ở xứ nóng là do không khí của họ nhiều oxy hơn. Nếu tính trên 1m3 không khí thì khí lạnh nặng hơn khí nóng và khí nóng sẽ bay lên cao nhường chỗ cho khí lạnh (ứng dụng quy luật này người ta tạo ra khinh khí cầu).
Sự thay đổi vị trí của các khối không khí có nhiệt độ khác nhau gọi là đối lưu không khí – từ thông dụng gọi là "gió". Nếu tầng không khí sát mặt đất vẫn có nhiệt độ cao như các tầng không khí ở trên cao thì không có gió, nếu có thì gió ấy vẫn thổi ra khí nóng làm chúng ta càng mệt hơn.
Chúng ta đều đã học qua về hiện tượng đối lưu không khí ở bậc phổ thông. Lên đại học (ngành kiến trúc xây dựng), người ta sử dụng hiện tượng này để thiết kế các hệ thống thông gió khi xây nhà. Bạn nào có dịp đến bệnh viện Thống Nhất sẽ thấy ở đây có hệ thống thông gió rất đặc biệt, có cảm giác như gió thổi từ dưới giường bệnh nhân thổi lên dù tất cả cửa sổ cửa ra vào đều đóng kín.
Hoặc, bạn nào có dịp đến các khu nhà xưởng của khu chế xuất Tân Thuận. Những khu nhà xưởng rộng lớn với những cái quạt to được đặt ở những vị trí có tính toán, thổi gió theo một chiều nhất định khiến cho không khí trong nhà xưởng ở đâu cũng mát như nhau.
>> 'Tác dụng phụ' của Covid-19
Người ta không thể buộc cái cây mới trồng phải lớn thật nhanh được, trong nhà cũng khó xử lý hệ thống thông gió đặc biệt, do vậy họ tạo ra máy điều hòa nhiệt độ. Và, cục lạnh đặt trong nhà thường ở sát trần nhà là vì vậy. Nếu nhà bạn xây cao, cục nóng nên đặt ở tầng cao nhất để không khí nóng dễ phát tán lên cao, không thổi ngược xuống mặt đất.
Lạm dụng máy lạnh là không tốt cho sức khỏe vì nó sẽ tạo ra hiện tượng sốc nhiệt khi chúng ta thường xuyên đi ra đi vào giữa hai khu vực có nhiệt độ chênh lệch nhiều. Bạn phải ở lâu tại khu vực có nhiệt độ nhất định để cơ thể kịp điều chỉnh thích nghi với nhiệt độ đó.
Đi ra đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch, cơ thể không kịp thích nghi lâu dần dẫn đến rối loạn cảm giác, thường hay bị nhức đầu, mệt mỏi vô cớ. Lúc bạn còn trẻ khỏe bạn có thể lướt qua nhưng khi bạn lớn tuổi hơn, nó sẽ đến hành bạn mà bạn không hiểu nguyên nhân vì sao.
Còn về đại dịch nCoV thì chả liên quan gì đến môi trường mà liên quan đến mật độ dân số, sự tập trung dân cư quá dày đặc. Không có nCoV thì cũng sẽ có loại virus khác thôi. Để chống nCoV hay các bệnh dịch khác cần phải giãn dân, giảm mật độ dân số. Nói thì dễ, làm mới khó vì hiện nay mọi quốc gia đều tập trung phần lớn dân cư tại những nơi nhỏ hẹp tạo thành các thành phố và khu đô thị lớn. nCoV có thể tồn tại hàng giờ ngoài môi trường ở nơi có nhiệt độ thấp và không có gió.
Muốn sống chung với nó cần thay đổi lại thiết kế của các tòa nhà làm văn phòng, siêu thị, khu vui chơi giải trí, trường học.....chú trọng cao đến sự thông gió. Vấn đề này thì tôi đồng ý với bạn Nhung.
Sự lây nhiễm nCoV thường bùng phát ở nơi tập trung đông người trong các tòa nhà bít kín chứ có xảy ra ngoài trời đâu. Muốn lây bệnh cho người khác thì mật độ virus trên 1 m3 không khí phải đạt đến mức nào đó chứ đâu phải chỉ có 1 nhúm virus là có thể lây bệnh được.
Bởi vậy, virus mới tàn phá các xứ lạnh khi mà ở trong nhà hay ngoài trời đều như nhau. Còn bên Tây, bất kể họ có chủ quan hay không thì cũng khó vì điều kiện khí hậu của họ tạo sự thuận lợi cho virus lây lan. Hiểu biết nhiều về virus sẽ làm cho ta bớt sợ hãi vô căn cứ và có cách phòng chống hữu hiệu hơn. Ngược với nCoV là virus Ebola lại thích hợp ở nơi có khí hậu nóng ẩm. Cho nên, đừng có thấy rằng mình có thành tích với nCoV mà chủ quan với các virus khác.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm