Bác sĩ Thái Thanh Yến, khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thường bị thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, nhiễm trùng dẫn đến một số biểu hiện ngoài da như da khô, nổi mụn, nổi mày đay... Trong đó, mày đay sẩn ngứa là bệnh phát ban thường gặp nhất, thường xảy ra vào ba tháng cuối thai kỳ. Bệnh hay gặp ở phụ nữ mang thai lần đầu và hiếm khi gặp trong các lần mang thai tiếp theo.
Nguyên nhân gây ra mày đay ở phụ nữ mang thai có thể do sử dụng thực phẩm có khả năng gây dị ứng, tiếp xúc với côn trùng, phấn hoa hoặc một số hóa chất gây phát ban. Tăng cân trong quá trình mang thai khiến da của bạn căng ra và mất độ ẩm gây ra ngứa và nổi mày đay. Người hay lo âu, căng thẳng, khả năng miễn dịch thấp cũng dễ bị dị ứng và nhiễm trùng.
Nổi mày đay có hai thể. Ở thể cấp tính, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngứa, xuất hiện sẩn, phù có ranh giới rõ, kéo dài đến dưới 6 tuần. Còn thể mạn tính, kéo dài trên 6 tuần, tái phát và lặp lại nhiều lần, thời gian dài.
Thương tổn khởi phát là các ban mày đay nhỏ, màu đỏ, hơi phù nề. Các ban này liên kết với nhau thành đám sẩn mày đay ở vùng bụng. Đôi khi trên các ban có thể thấy mụn nước nhỏ. Sau vài tuần, các đám ban có thể lan đến đùi, mông, ngực, cánh tay, lưng... gây ngứa, khó chịu.
Mày đay ở phụ nữ mang thai thường không nguy hại cho bà mẹ và em bé. Bệnh thường kéo dài khoảng 6 tuần và tự khỏi sau khi sinh khoảng 1-2 tuần.
Một tình trạng khác nổi mày đay kèm theo ngứa nhiều, vàng da và nôn. Đây là tình trạng ứ mật trong gan khiến thai phụ có nguy cơ đẻ non và thiếu máu sau sinh. Bên cạnh đó, nổi mề đay ở cơ quan sinh dục có thể gây viêm nhiễm bên trong tử cung thông qua nhau thai, làm tăng nguy cơ sảy thai, bé chậm phát triển hoặc có thể gây sốc phản vệ ảnh hưởng đến tính mạng của phụ nữ mang thai và thai nhi.
Mày đay còn xảy ra ở phụ nữ sau sinh. Bệnh có thể tự khỏi sau một hoặc hai tuần nhưng có trường hợp ngứa và nổi mày đay xuất hiện lâu hơn vài tháng, thậm chí vài năm. Nguyên nhân nổi mề đay sau sinh do hệ thống miễn dịch của người phụ nữ có những phản ứng bất thường giữa thời gian mang thai và thời sau hậu sinh sản. Sự dao động nội tiết tố và căng thẳng sau khi sinh con có thể làm tăng nguy cơ phát ban.
Bác sĩ cho biết không thể loại bỏ khả năng bị nổi mày đay khi mang thai, nhưng việc chăm sóc và phòng ngừa đúng cách chắc chắn có thể giúp bạn đối phó với nó.
Để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa phát ban mày đay khi mang thai, bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm tốt, tránh mặc quần áo bó sát khi mang thai, có thể gây kích ứng da. Lựa chọn quần áo cotton rộng rãi để cho làn da của bạn thở và đảm bảo sự thoải mái tối đa.
Tránh sử dụng các sản phẩm có hóa chất gây khô hoặc kích ứng da của bạn và dẫn đến nổi mề đay. Tắm nước ấm và dưỡng ẩm tốt cho làn da của bạn sau mỗi lần tắm.
Hạn chế lo âu và căng thẳng. Uống nhiều nước, Ăn nhiều rau, củ quả tốt cho da. Tránh tất cả các loại thực phẩm mà có thể gây dị ứng. Giữ nhà cửa sạch sẽ. Hút bụi càng thường xuyên càng tốt.
Cách giảm khó chịu do mày đay
Tắm bột yến mạch: Các đặc tính chống viêm và làm dịu của bột yến mạch có thể giúp giảm ngứa và sưng. Đặt một chén bột yến mạch trong một miếng vải sợi nhỏ và ngâm trong một bát nước nóng. Để khoảng 10 đến 15 phút và thêm vào bồn tắm, sau đó ngâm mình khoảng 15 phút trong bồn tắm này, mỗi ngày.
Nha đam: Nha đam có tác dụng làm dịu da, giảm ngứa, giảm viêm. Thoa trực tiếp gel nha đam tươi lên vùng da bị ngứa, sau 10-15 phút rửa lại bằng nước sạch.
Nghệ tươi: Củ nghệ có đặc tính chống viêm. Do đó pha một muỗng cà phê bột nghệ vào một ly sữa nóng uống hai lần một ngày, giúp giảm tình trạng phát ban ở da.
Trà hoa cúc: Trà hoa cúc có tác dụng giảm viêm, ngứa và phát ban trên da. Hiện không có nghiên cứu nào về sự an toàn của nó đối với phụ nữ sau sinh, nhưng cũng không có bất kỳ báo cáo nào về độc tính của nó.
Lưu ý, khi cơ thể xuất hiện triệu chứng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để ngăn chặn bệnh phát triển hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Không tự ý sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai.
Thùy An