Cấp thiết hơn, cô hy vọng có thể liên lạc được với cha mẹ mình tại thành phố quê hương hiện do Nga kiểm soát, nằm dọc con sông Krasna.
Đôi mắt xám của Meleshchenko, cựu nhân viên ủy ban cấp nước địa phương, ngấn lệ khi kể lại hành trình cô và con trai rời bỏ nhà cửa hồi cuối tháng 8 năm ngoái. Họ đã đi gần 400 km để đến thành phố Dnipro tương đối an toàn nằm bên bờ con sông Dnieper.
"Chúng tôi đều đã kiệt sức", Meleshchenko nói tại một trong hàng chục trại trú ẩn cho người tị nạn ở thành phố.
"Con tôi ban đầu hỏi tôi rằng vì sao người Nga lại tấn công chúng tôi? Tôi phải trả lời nó như thế nào đây? Tôi không biết tại sao Nga lại làm như vậy. Thằng bé hỏi tôi một câu như người lớn dù nó mới chỉ 8 tuổi", người phụ nữ chia sẻ. "Thằng bé còn hỏi tôi bao giờ hai mẹ con sẽ trở về nhà. Tôi cũng không có câu trả lời. Tôi không chắc liệu chúng tôi còn nhà hay không".
Meleshchenko thậm chí còn không biết liệu cô có còn gia đình để quay về hay không. Cô đã không nói chuyện với cha mẹ suốt 5 tháng qua. Vì lý do sức khỏe, hai ông bà không thể rời khỏi thành phố. "Điều duy nhất tôi mong mỏi lúc này là được nghe giọng nói của họ", cô cho hay.
Chồng cô cũng rời khỏi thành phố và đã đoàn tụ với hai mẹ con ở Dnipro. Họ bắt đầu tìm kiếm công việc mới và một căn hộ để ổn định cuộc sống.
Phần lớn mối quan tâm của thế giới về cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine tập trung vào 8 triệu người đã chạy sang các nước khác. Tuy nhiên, còn có 5,4 triệu người như Meleshchenko. Họ không ra nước ngoài mà đến những địa điểm an toàn hơn cách nhà vài trăm km.
Thất nghiệp và thường sống trong những cơ sở trú ẩn tạm thời, họ đang đứng bên bờ vực khủng hoảng nhân đạo khi xung đột sắp bước sang năm thứ hai. Hệ lụy của nó là một cuộc khủng hoảng kinh tế mà chính phủ Ukraine phải vật lộn giải quyết.
Theo kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 23/1 do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thực hiện, 70% số người rời bỏ nhà cửa và quyết định ở lại đất nước đến từ khu vực Donbass. 57% số người tham gia khảo sát cho biết họ có thể từ bỏ mong muốn trở về nhà và chuyển đến nơi khác sinh sống, miễn là mọi thứ ổn định. Song cũng có những người vẫn cân nhắc phương án chuyển ra nước ngoài.
Meleshchenko và gia đình đang sống tại một tòa nhà từ thời Liên Xô được tân trang. Ihor Hanshyn, cựu quan chức vùng Lugansk cũng đến Dnipro lánh nạn, cho hay nơi trú ẩn này đã đón gần 5.000 người kể từ khi mở cửa vào mùa xuân năm ngoái.
"Tất cả chúng tôi sống ở đây đều nuôi hy vọng quê hương mình sẽ được giải phóng và chúng tôi có cơ hội quay trở về", ông nói.
Trạm trú ẩn được thành lập nhờ hỗ trợ của một mạng lưới từ thiện Cộng hòa Czech và chính quyền thành phố Dnipro. Họ nhận thấy nhu cầu về nơi tá túc tạm thời rất cấp bách khi các mối đe dọa từ cuộc xung đột ngày càng gia tăng.
Bộ Kinh tế Ukraine đã cố giải quyết cuộc khủng hoảng của những người tản cư bằng các chương trình như tạo công ăn việc làm hay khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng họ.
Yuliia Pavytska, nhà phân tích tại Trường Kinh tế Kiev, cho biết hàng loạt nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu tại sao nhiều người di tản thất nghiệp.
Trong một số trường hợp, nguyên nhân bắt nguồn từ việc họ chưa thực sự chắc chắn về tương lai của mình và vẫn bám lấy hy vọng sớm được về nhà.
"Vấn đề có thể là do những người này không muốn tìm công việc vì họ đang nghĩ đến chuyện quay về, trong một hoặc hai tháng nữa", Pavytska giải thích. "Vì vậy, đối với họ, thật khó tìm một công việc ngắn hạn".
Trong một bài xã luận đăng trực tuyến hồi tháng trước, Viện Brookings, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, đã kêu gọi thế giới vạch chiến lược cụ thể cho những người phải sơ tán, cả trong và ngoài nước, trên con đường tái thiết Ukraine.
Nếu không có một chiến lược rõ ràng, những người đã ra nước ngoài sẽ quyết định ở lại đó mãi mãi. Những người di tản trong nước cũng sẽ cân nhắc rời đi vĩnh viễn.
"Đối với mục tiêu khôi phục cơ sở hạ tầng Ukraine cũng như cải cách các cấu trúc và quy trình quản trị, nguồn nhân lực từ hàng triệu người dân phải sơ tán là rất cần thiết nếu muốn hồi sinh quốc gia thành công", bài viết nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo CBC)