Chỉ cần so sánh bản danh sách của hai đội tuyển tham gia vòng loại U23 châu Á của các năm 2018 và 2022, sẽ thấy bước thụt lùi của bóng đá trẻ Việt Nam. Trong đội U23 của HLV Nguyễn Hữu Thắng dự vòng loại năm 2017 không có ai đến từ hạng Nhất. Gần như 100% cầu thủ khi đó đều được thi đấu tại V-League. 11 cầu thủ trong số đó đã có mặt ở AFF Cup 2018 và có đến 16 cầu thủ góp mặt trong đợt triệu tập vừa qua của HLV Park Hang-seo cho hai trận đấu với Trung Quốc và Oman ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Nghĩa là, dàn cầu thủ U23 của HLV Nguyễn Hữu Thắng năm xưa đã duy trì được sự tiến bộ suốt bốn năm, và vẫn là trụ cột của bóng đá Việt Nam ít nhất ba năm nữa.
Trong khi đó, trong danh sách 23 cầu thủ được chốt lại trước vòng loại U23 châu Á 2022 có ba cầu thủ đến từ hạng Nhất hoặc hạng Nhì. Trong 20 cầu thủ còn lại, chỉ có khoảng 50% đang đá chính thức tại V-League. Một số từng được đôn lên đội tuyển quốc gia nhưng không trụ lại nổi, như Thanh Bình, Việt Anh, Hai Long... Một số khác như Nhâm Mạnh Dũng, Trần Bảo Toàn, Việt Anh từng dự U23 châu Á 2020 nhưng chưa đủ năng lực để "chuyển khẩu" lên hẳn đội tuyển quốc gia. Nói cách khác, tuyến kế thừa trong tay HLV Park thật sự đáng báo động. Tầm đội tuyển hiện nay còn ở khá xa cơ hội dự World Cup, thì với đội U23 hiện tại, rất khó để nói là bóng đá Việt Nam sẽ làm nên chuyện tại vòng loại World Cup 2026. Ngay cả việc bảo vệ chiếc HC vàng SEA Games diễn ra năm 2021 cũng sẽ là thách thức lớn.
Để có một thế hệ cầu thủ đồng đều như lứa U23 của năm 2018 không phải chuyện muốn là được, nhưng người hâm mộ vẫn hy vọng các thế hệ kế cận có thể giữ được đẳng cấp hiện tại của bóng đá Việt Nam, ít nhất cũng ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng nguy cơ đi thụt lùi, trở lại như thời kỳ trước năm 2018 lại đang hiển hiện nếu nhìn thấy hệ thống thi đấu và cách sử dụng cầu thủ trẻ hiện nay tại cấp độ CLB. Hệ thống đó chẳng có gì thay đổi, thậm chí còn kém hơn trước. Bằng chứng là giải U21 Quốc gia năm 2020, tám đội bóng mạnh nhất chỉ có đúng ba đại diện đến từ V-League (SLNA, Viettel và Nam Định), phần còn lại thuộc hạng Nhất và hạng Nhì. Tầm U21 mà các đội bóng V-League không có quân để thi đấu, thì tất nhiên sẽ chẳng thể có nhiều cầu thủ trẻ được các CLB sử dụng ở V-League.
Công thức để phát triển một nền bóng đá mạnh chẳng phải là điều gì đó bí mật, nó được đúc kết và vận hành gần cả trăm năm ở châu Âu: thi đấu và thi đấu. Những thiên tài bóng đá, kiểu như chỉ cần xuất hiện đã tỏa sáng ngay, thì vô cùng hiếm. Đại đa số các tài năng đều là sản phẩm của sự sàng lọc trong quá trình thi đấu. Sẽ không thể có một nền bóng đá mạnh nếu như số lượng giải đấu, trận đấu chuyên nghiệp trong năm quá ít. Ở Nhật Bản, chỉ tính hệ thống J-League đã có ba hạng thi đấu theo thể thức vòng tròn hai lượt, rồi thêm Cup Quốc gia, J.League Cup và một Nation League dành riêng cho các đội bóng bán chuyên. Tại Đức, sau Bundesliga 1,2,3 là đến hệ thống thi đấu của các bang và những tuyến trẻ. Tại Anh, dù số lượng cầu thủ nước ngoài áp đảo tại giải Ngoại hạng, hệ thống thi đấu cấp thấp, tính từ bán chuyên trở lên của họ vẫn vô cùng dày đặc...
Bóng đá Việt Nam thì ngược lại, càng xuống thấp càng ít trận đấu. Đó là bởi chúng ta đang làm bóng đá theo kiểu "gà nòi", tức là thông qua một vài trận đấu và hy vọng sẽ phát hiện ra ngôi sao nổi bật thay vì sử dụng một hệ thống thi đấu dày đặc để sàng lọc ra các cầu thủ đủ phẩm chất "lên chuyên". Các CLB tại V-League bắt buộc phải có tuyến trẻ, nhưng bản thân V-League cũng có quá ít trận đấu, những giải trẻ còn ít hơn, thì đào tạo ra biết sử dụng vào đâu? Những cầu thủ đã trải qua hơn trăm trận đấu suốt ba năm qua như Đỗ Duy Mạnh mà vẫn mắc lỗi cá nhân khi đá tại vòng loại World Cup, thì liệu các cầu thủ trẻ cả năm đá được hơn 10 trận làm sao phát triển được trình độ. Đó là chưa nói, ở Việt Nam, đến tuổi U23 mà vẫn còn bị xem là "trẻ", nghĩa là có quá ít kinh nghiệm thi đấu.
Nhưng nếu số lượng trận đấu ở cấp độ trẻ tăng lên, liệu các CLB của V-League có mặn mà tham gia? Đấy là một câu chuyện khác. Nó thuộc về động cơ làm bóng đá của các CLB. Trước đây, bóng đá là bộ mặt và là sự nghiệp thể thao của địa phương nên có cả một bộ máy đào tạo, bổ sung cầu thủ cho các đội một. Còn hiện nay, lấy trường hợp của Quảng Ninh làm ví dụ, ngay đội một còn không có tiền để trả lương thì làm sao có ngân sách hỗ trợ các tuyến trẻ do địa phương đảm nhiệm, chứ chưa nói đến chuyện trực tiếp đào tạo.
Những CLB có chiều sâu các tuyến trẻ như HAGL, Hà Nội, Bình Dương và Viettel đều có một điểm chung là sự gắn kết chặt chẽ của họ với địa phương hoặc truyền thống của ngành. Chính vì những cam kết bất thành văn ấy, những người như bầu Đức, bầu Hiển sẽ không bỏ bóng đá, còn tiền là còn chi cho đào tạo trẻ như cái cách mà họ đang vận hành công việc kinh doanh của mình. Sự tồn tại của các CLB không thể phù thuộc vào những nguồn tài trợ ngắn hạn đến từ nơi khác, hoặc có động cơ nằm ngoài bóng đá. Sự tồn tại của CLB không thể bằng một cam kết trên hợp đồng, mà phải từ chính tâm huyết của các ông chủ. Việc V-League chạy theo số lượng đội bóng mà bỏ qua việc giám sát tài chính cũng như động cơ của các nhà tài trợ đang dần hủy hoại bản chất của giải đấu này.
Nhưng tại sao sau 20 năm phát triển mà số doanh nghiệp hay địa phương đầu tư cho bóng đá dài hạn ngày càng ít đi? Điều đó liên quan đến tính minh bạch của V-League, gồm cả nghi vấn không có lời giải về "5 đánh 1" hay những mảng tối từ trọng tài, những trận cầu "3 đi, 3 về"...
Song Việt