VNExpress

Việt Nam có tránh được bi kịch của Thái Lan sau vòng loại World Cup?

Dù toàn thua sau bốn trận, những gì thầy trò HLV Park Hang-seo thể hiện ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 vẫn đem lại nhiều điểm tích cực, thậm chí tốt hơn so với Thái Lan bốn năm trước.

Thủ môn Kawin Thamsatchanan lắc đầu ngao ngán, còn tiền đạo đội trưởng Teerasil Dangda thở dài khi tiếng còi mãn cuộc của trọng tài vang lên trên sân Saitama tối 28/3/2017. Thái Lan chịu thua chủ nhà Nhật Bản 0-4 ở vòng loại thứ ba World Cup 2018 và chính thức hết cửa vào vòng chung kết. Phóng viên Liên đoàn Bóng đá châu Á AFC ngay lập tức kéo HLV Kiatisuk Senamuang vào khu phỏng vấn. Ông gượng cười, rồi nói: "Nhật Bản chuyền và sút quá tốt nên chúng tôi không có gì phàn nàn. Họ tận dụng cơ hội tốt hơn, còn chúng tôi nhận được bài học đắt giá. Một ngày nào đó cánh cửa đến World Cup sẽ mở ra với Thái Lan".

Thảm bại trước Nhật Bản (áo xanh đen) khiến Kiatisuk phải từ chức HLV Thái Lan cuối tháng 3/2017. Ảnh: AFC

Tròn một tháng trước đó, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) gia hạn với Kiatisuk thêm một năm. Nhưng chỉ sau hai trận thua liên tiếp 0-3 trước Saudi Arabia và 0-4 ở Nhật Bản, Thái Lan lại rộ tin FAT sẽ sa thải Kiatisuk. Ba ngày sau thảm bại ở Saitama, ông từ chức.

"FAT không sa thải Kiatisuk, nhưng họ đã sắp xếp một cuộc phỏng vấn gây áp lực lên ông ấy", nhà báo Kaweesak Pornwattanawate của tờ Sanook nói với VnExpress. "Cuối cùng chính Kiatisuk tự thông báo sẽ từ chức".

World Cup 2018 là lần đầu tiên sau 16 năm Thái Lan vào tới vòng loại cuối cùng. Tại vòng loại cuối World Cup 2002, họ thua cả tám trận. Vì thế truyền thông Thái Lan chỉ kỳ vọng vào một chiến thắng cho đội nhà trong 10 trận vòng loại thứ ba World Cup 2018. Sau bảy trận, thầy trò Kiatisuk chỉ kiếm được một điểm từ Australia, và như thế chưa đủ để làm FAT và người hâm mộ hài lòng.

Màn trình diễn của Thái Lan không quá tệ, khi số cơ hội họ tạo ra không thua kém Saudi Arabia hay Nhật Bản. Trên sân Saitama, Thái Lan thậm chí sút nhiều hơn Nhật Bản, nhưng vấn đề nằm ở chất lượng trong từng pha dứt điểm như Kiatisuk đã nói. Đến đội trưởng Teerasil cũng đá hỏng phạt đền. Chất lượng dứt điểm nằm ở trình độ của cầu thủ tấn công, và giữa Thái Lan và Nhật Bản có một độ vênh lớn mà riêng Kiatisuk không thể cải thiện được.

Kiatisuk rời Thái Lan, bỏ lại đằng sau hai chức vô địch AFF Cup liên tiếp năm 2014 và 2016, một King's Cup 2016 và HC vàng SEA Games 2013. "Kiatisuk phải từ chức là bình thường, vì HLV sẽ phải ra đi khi không đạt kết quả tốt", Kaweesak nói thêm.

Nhưng, người Thái Lan không ngờ rằng AFF Cup 2016 lại là danh hiệu cuối cùng của đội tuyển họ cho đến lúc này. Họ bị loại ở bán kết AFF Cup 2018 bởi luật bàn thắng sân khách trước Malaysia. Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, họ thậm chí chỉ đứng thứ tư sau UAE, Việt Nam và Malaysia. FAT cũng ba lần thay HLV, từ Milovan Rajevac đến Akira Nishino và giờ là Mano Polking. Hợp đồng của Polking sẽ hết hạn sau AFF Cup cuối năm 2021, và FAT sẽ tìm HLV mới nếu Thái Lan không vô địch.

Hiện tại, không ít người hâm mộ Thái Lan lại tiếc nuối vì đã để mất Kiatisuk, và họ muốn đưa ông trở lại. "Nhiều người đang muốn Kiatisuk quay về dẫn dắt đội tuyển Thái Lan", Kaweesak cho biết.

HLV Park Hang-seo đem về nhiều điểm tích cực cho Việt Nam dù thua cả bốn trận đã qua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: Lâm Thoả

HLV Park Hang-seo đã đem về nhiều thành tựu cho đội tuyển Việt Nam, nhưng cũng như Kiatisuk, chưa đảm bảo ông sẽ tại vị nếu tiếp tục thua các trận còn lại ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. "Nếu Việt Nam thua cả 10 trận ở vòng loại thứ ba, người hâm mộ có quyền đặt câu hỏi liệu VFF có nên chấm dứt hợp đồng với HLV Park. Khả năng đó luôn có thể xảy ra", chuyên gia bóng đá châu Á Gabe Tan nói với VnExpress.

Cũng như Thái Lan trước đây, Việt Nam đang là đội duy nhất của Đông Nam Á còn cơ hội dự World Cup 2022. Mục tiêu của Việt Nam cũng là kiếm ít nhất một chiến thắng, vì thế VFF nỗ lực để xin cơ chế tổ chức các trận đấu trên sân nhà Mỹ Đình, thay vì đá sân trung lập như Trung Quốc hay Australia. Thầy trò Park còn bốn trận chưa đấu trên sân nhà, gặp Nhật Bản, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman. Trong đó, cơ hội thắng cho Việt Nam cao hơn trước Trung Quốc ngày 1/2/2022 và Oman ngày 24/3/2022.

Nhưng cũng như Thái Lan, Việt Nam thua cả bốn trận đầu tiên ở vòng loại thứ ba. Người hâm mộ bắt đầu lo ngại đội tuyển rơi vào vết xe đổ của kình địch trong khu vực. Và một người hùng bóng đá Việt Nam như HLV Park cũng có thể không chịu nổi sức ép nếu đội tuyển không hoàn thành mục tiêu.

Với những gì Việt Nam đã trải qua, có thể thấy nhiều điểm tích cực, chứ không chỉ là mạch thua kỷ lục. Ít nhất là khi so với Thái Lan ở cùng thời điểm, các thống kê chính của Việt Nam đều tốt hơn.

So sánh vài chỉ số giữa Thái Lan và Việt Nam, sau bốn trận đầu vòng loại thứ ba World Cup 2018 và 2022.

Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội và dứt điểm trong cấm địa nhiều hơn so với Thái Lan cùng kỳ. Đây có thể coi là bất ngờ khi lối chơi của Park là phòng ngự phản công, còn Kiatisuk hướng tới kiểm soát bóng. Việt Nam cũng chắt chiu cơ hội tốt hơn với trung bình một bàn mỗi trận, trong khi Thái Lan chỉ ghi được một bàn qua bốn trận.

Trước các đội mạnh và gây áp lực tốt hơn, việc giữ bóng nhiều còn khiến Thái Lan đối mặt nguy cơ mất bóng và bị phản công. Trung bình một trận, đối thủ của Thái Lan dứt điểm tới 21 lần, trong đó có 15 pha thực hiện trong cấm địa. Còn đoàn quân của Park hứng ít cú sút từ đối thủ hơn.

Kể từ khi dẫn dắt Việt Nam bốn năm trước, HLV Park cải thiện rõ rệt thể lực và tinh thần chiến đấu đến phút cuối. Trong 10 trận vòng loại thứ ba World Cup 2018, có tám trận Thái Lan thủng lưới sau phút 80. Còn Việt Nam mới một trận thủng lưới trong thời gian này, trước Trung Quốc hôm 7/10. Lối chơi phòng ngự với khối đội hình thấp giúp Việt Nam giữ sức để vùng lên vào thời điểm nhất định. "Tôi nghĩ Việt Nam mạnh hơn Thái Lan ở tinh thần chiến đấu", Kaweesak nói.

Màn trình diễn của Việt Nam qua bốn trận đầu cũng để lại tiếc nuối. Quả phạt đền và thẻ đỏ trong tình huống gây tranh cãi của Đỗ Duy Mạnh khiến Việt Nam thua ngược Saudi Arabia. Trọng tài cũng bỏ qua một quả phạt đền cho Việt Nam khi Hồng Duy sút trúng tay cầu thủ Australia. Trước Trung Quốc, pha truy cản thiếu kinh nghiệm của hàng thủ khiến Việt Nam nhận bàn thua phút cuối. Việt Nam không còn chơi tốt như thế trước Oman, nhưng các pha mắc lỗi của học trò Park đều có thể tránh được.

Việt Nam đã thua bốn trận nhưng không có nghĩa đội tuyển thụt lùi hay giậm chân tại chỗ. HLV Park nhân cơ hội này để thử nghiệm vài nhân sự mới cho đội tuyển, bởi ở vòng này kết quả không quá quan trọng. Những cuộc thử nghiệm không ồ ạt, để tránh các trận thảm bại như Thái Lan bốn năm trước.

Hoàng Đức giờ đây đã thành trụ cột ở đội tuyển, thay vị trí chấn thương của Đỗ Hùng Dũng. Tầm ảnh hưởng của tiền vệ Viettel lên lối chơi đội tuyển ngày càng lớn, cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Trung vệ 21 tuổi Nguyễn Thanh Bình cũng nhận được bài học đắt giá sau sai lầm trong trận thua Trung Quốc. Thanh Bình chỉ mất một ngày để quên đi sai lầm và hướng tới phía trước. Mới nhất, hậu vệ Hồ Tấn Tài được chọn đá chính thay vì Vũ Văn Thanh bên cánh phải. Tấn Tài cũng lĩnh hội bài học đáng nhớ khi vung tay trong cấm địa dẫn tới phạt đền. Đổi lại, anh tạo ra nét mới trong khâu tấn công ghi góp công vào hai bàn trong hai trận gần nhất. Người hâm mộ luôn kêu gọi những nhân tố mới cho đội tuyển, và HLV Park đang cố gắng làm điều đó, trong khi vẫn theo đuổi mục tiêu kiếm một trận thắng.

Hồ Tấn Tài (trái) góp công vào hai bàn trong hai trận gần nhất cho Việt Nam. Ảnh: Roya Sports

"Việt Nam đang cho thấy nhiều điểm tích cực ở vòng loại thứ ba", Gabe Tan nói. "Họ luôn trình làng được những cầu thủ mới để thay thế cho những nhân sự cũ. Chẳng hạn khi Công Phượng sa sút, đã có Quang Hải. Tiến Linh cũng nổi bật trong vai trò trung phong sau khi Anh Đức giải nghệ. Khi Văn Hậu chấn thương, Hồng Duy cũng đang chơi lên chân. Tấn Tài cũng đã bộc lộ được khả năng khi tôi nghĩ Văn Thanh mới là lựa chọn chính trong 10 năm tới".

Những gì HLV Park đang làm có thể tạo ra một nền tảng ngay cả nếu Việt Nam không hoàn thành mục tiêu ở vòng loại thứ ba. Bởi ở vòng này, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả của các đội như Việt Nam, như công tác trọng tài hay chênh lệch trình độ quá lớn với đối thủ.

VFF từng phải gửi đơn kiến nghị lên FIFA tháng 9/2021 để xem xét lại công tác trọng tài. Kaweesak cũng cho rằng các đội Đông Nam Á thường bị thiệt khi bơi ra biển lớn. Anh nói: "Chắc chắn trọng tài có xu hướng thiên vị các đối thủ của Thái Lan, khi có những quyết định bất lợi với chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã gặp tình huống như thế nhiều. Thái Lan và Việt Nam đều là quốc gia Đông Nam Á và không có nhiều tiếng nói phản biện như các nước lớn khác. Điều đó khiến trọng tài nghiêng về các đội mạnh hơn".

"Vết xe đổ" của Thái Lan không xuất phát từ thất bại tại vòng loại thứ ba, mà từ việc sa thải Kiatisuk. Rajevac hay Nishino đều không tạo dựng được lối chơi phù hợp với đội tuyển Thái Lan. Lối chơi của Rajevac thiên về phòng ngự và không được lòng người hâm mộ Thái Lan. Còn Nishino đáp ứng đúng lối chơi tấn công nhưng không cải thiện được khả năng phòng ngự của đội nhà.

Sau khi Việt Nam thua Trung Quốc, lần đầu tiên một nhân vật có tiếng nói của bóng đá Việt Nam như bầu Hiển, phản biện khả năng dụng binh của Park. HLV người Hàn Quốc không hài lòng với lời của bầu Hiển, nhưng ông cũng đổi đội hình từ 5-4-1 sang 5-3-2, đồng thời thay bốn vị trí xuất phát vì nhiều lý do, trong đó có cả yếu tố chuyên môn.

"Điều quan trọng nhất với Park lúc này là liệu ông điều chỉnh được chiến thuật hay không", Gabe Tan nói. "Việt Nam đã chơi phòng ngự phản công trước các đội lớn, nhưng chưa đủ hiệu quả. Lúc này đội cần cải thiện khả năng kiểm soát bóng và chơi tấn công trước các đội như Trung Quốc và Oman. Hãy chờ xem liệu Park có làm được điều đó không".

Xuân Bình