"Thịnh vượng chung của chúng ta là sự sung túc về vật chất và tinh thần được chia sẻ cho tất cả, chứ không phải cho một số ít người", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 8 tuyên bố về mục tiêu đảm bảo mọi người dân đều trở nên khá giả theo cách "từ từ" và "thực dụng".
Ông Tập khẳng định "thịnh vượng chung mang đến hạnh phúc cho tất cả mọi người" và tuyên bố đây là "cơ sở quy tắc lâu dài của đảng ta". Tuy nhiên, mục tiêu "phân phối lại của cải" của Chủ tịch Trung Quốc lại khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường xa xỉ phẩm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không khỏi bất an.
Người giàu Trung Quốc đặc biệt hứng thú với các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Hermes hay Gucci. Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 gây chao đảo toàn cầu, thị phần Trung Quốc trên thị trường xa xỉ phẩm toàn cầu đã tăng gần gấp đôi, khi nước này kiểm soát dịch tương đối tốt, theo công ty tư vấn Bain.
Công ty dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025, vượt qua châu Âu và Mỹ.
Một số nhà phân tích tin rằng sáng kiến "chia sẻ thịnh vượng" của ông Tập có thể mang đến ảnh hưởng tích cực cho hoạt động kinh doanh của ngành xa xỉ phẩm có giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Theo họ, chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng muốn nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình hơn và mở rộng tầng lớp trung lưu, qua đó giúp tăng sức mua, khiến nhiều người có cơ hội mua sắm hàng hiệu hơn.
Đầu tháng trước, Jean Jacques Guiony, Giám đốc Tài chính LVMH, đế chế khổng lồ sở hữu Louis Vuitton cùng hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp khác, tuyên bố ông "không quá lo lắng hay quan ngại về thông báo mới đây" của Trung Quốc.
"Chúng tôi không thấy lý do để tin rằng điều này có thể gây bất lợi cho tầng lớp trung - thượng lưu, những người giàu có, chiếm phần lớn tệp khách hàng của chúng tôi", ông nói. "Do vậy, đối với chúng tôi, đây dường như không phải điều tiêu cực".
Cuối tháng trước, Nicolas Hieronimus, Giám đốc Điều hành L'Oreal, công ty sở hữu các thương hiệu như Giorgio Armani Beauty hay Lancôme, cũng tuyên bố "vẫn rất tự tin về thị trường Trung Quốc", thêm rằng cam kết "thịnh vượng chung" có thể sẽ giúp tầng lớp trung lưu "trở nên giàu có hơn và lớn hơn, điều rất tích cực với chúng tôi".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại đến khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ có những động thái kiềm chế những hoạt động bị coi là xa hoa hoặc tăng thuế với người giàu nhằm thu hẹp bất bình đẳng xã hội. Điều này có thể làm mờ đi triển vọng của các nhà sản xuất túi xách, giày dép, đồ trang sức cao cấp.
"Ban đầu khi nó được công bố, mọi người đều hoảng sợ", Zuzanna Pusz, nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư UBS, nói về cam kết "thịnh vượng chung". "Thị trường trở nên hoảng loạn, bởi tất cả mọi người đều nhớ lại chiến dịch chống tham nhũng và nhu cầu xa xỉ phẩm khi đó đã bị ảnh hưởng như thế nào".
Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" do ông Tập phát động từ khi lên nắm quyền năm 2012 đã khiến hàng nghìn quan chức bị truy tố, điều tra vì hành vi tham nhũng. Chiến dịch cũng được cho là đã ảnh hưởng đáng kể đến hành vi mua sắm đồ xa xỉ của người Trung Quốc.
Theo Bain, trong năm 2013, thị trường xa xỉ phẩm tại Trung Quốc đại lục chỉ tăng trưởng 2%, so với 7% của năm trước đó.
Một số thương hiệu thời trang bị "ghẻ lạnh" vì người mua sắm chuyển sang tìm kiếm những nhãn hàng hoặc thiết kế ít gây chú ý hơn. Patricia Pao, Giám đốc Điều hành Pao Principle, nhà tư vấn cho các thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc, nói với CNN vào thời điểm đó rằng mọi người "không muốn lượn lờ bên những chiếc túi LV lớn nữa".
Các thương hiệu rượu cao cấp, như Quý Châu Mao Đài, cũng chứng kiến doanh số sụt giảm đáng kể. Công ty sau đó nói chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền đã tạo ra "áp lực chưa từng có" lên ngành công nghiệp rượu.
Trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi", các khách sạn sang trọng cũng chịu chung số phận, khi các quan chức ngừng tổ chức tiệc và hội nghị. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin một số khách sạn 5 sao vào thời điểm đó thậm chí còn yêu cầu giảm một sao với hy vọng xếp hạng thấp hơn sẽ giúp họ trông bớt sang trọng, nhờ vậy có thể duy trì hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích cho rằng kế hoạch "thịnh vượng chung" lần này có thể khác, kỳ vọng chính quyền Trung Quốc sẽ đưa ra những điều chỉnh "nhẹ nhàng và từ từ" liên quan đến thuế thu nhập cá nhân và thuế tiêu dùng trong vài năm tới, nhờ đó những "tác động tiêu cực sẽ được hạn chế".
Theo ước tính mới nhất từ Bain, Trung Quốc chiếm 35% tổng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn thế giới. Công ty dự đoán đến năm 2025, con số này có thể tăng lên gần 50%.
Bruno Lannes, đối tác của Bain ở Thượng Hải, cho hay công ty ông không thay đổi dự báo vì cam kết "thịnh vượng chung" được ông Tập đưa ra. "Còn quá sớm để đưa ra nhận định, nhưng không có dấu hiệu thực sự nào cho thấy điều này sẽ tác động lớn đến các thương hiệu", ông nói.
Lannes hy vọng chính sách mới nhất có thể tạo ra tác động mang tính "trung lập" hoặc "tích cực" đối với tiêu dùng xa xỉ, đặc biệt nếu kết quả dẫn đến là thu nhập tăng trên toàn quốc.
"Tôi nghĩ kế hoạch hiện nay rất khác với những gì đã xảy ra trong chiến dịch chống tham nhũng khi xưa", ông nhận xét.
Trước đây, nhiều thương hiệu xa xỉ ở Trung Quốc bị ảnh hưởng do truyền thống tặng quà đắt tiền của các giám đốc hay quan chức, vốn là mục tiêu của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", Lannes lưu ý. Giờ đây, khách mua hàng xa xỉ phần lớn đến từ "những người tiêu dùng cho bản thân hoặc cho người thân của họ", ông nói.
Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng Trung Quốc có thể đã bắt đầu kìm hãm chi tiêu cho đồ xa xỉ. Theo một cuộc khảo sát công bố hồi tháng 9 của công ty nghiên cứu hành vi người tiêu dùng LookLook, 10% người mua hàng xa xỉ ở Trung Quốc nói rằng chủ trương kìm hãm phô trương giàu có của chính quyền là lý do khiến họ không còn mặn mà với việc tung tiền mua những món đồ hiệu sang trọng.
Một người tham gia khảo sát cho biết họ không muốn "thu hút chú ý bất đắc dĩ" trong bối cảnh hiện nay. "Tôi nghĩ nhu cầu với xa xỉ phẩm chắc chắn vẫn còn, nhưng mọi người đều đang thận trọng", cô nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN)