Ông Elon Musk, là người giàu nhất hành tinh, bây giờ lại chạy theo Trump trên đường tranh cử, dù trước đó đã từng lớn tiếng chê bai ông Trump.
Cụ thể là Musk đã từng nói rằng ông Trump quá già để làm tổng thống. Ông Trump ngày 12/7 đáp trả trên ứng dụng mạng xã hội Truth Social, cho rằng các dự án của Musk "nếu không được trợ giá thì vô giá trị".
"Khi Elon Musk đến Nhà Trắng, mong muốn tôi hỗ trợ nhiều dự án được trợ giá của ông ấy và tự nhận mình là một người hâm mộ Trump cùng đảng Cộng hòa, nếu tôi có nói 'hãy quỳ xuống và cầu xin đi' thì chắc ông ấy cũng sẽ làm", Trump viết.
Kết cục ông Trump đã đúng. Bây giờ Musk theo chân Trump, cố gắng vận động cho ông Trump. Lý do giống y chang như ông Trump nói, sự thành công của Musk phụ thuộc quá nhiều vào các chính sách và sự tài trợ của nhà nước Mỹ.
Vậy thì sao ông Musk lại dám công khai ủng hộ ông Trump và để mặc bà Harris, mặc dù bà Harris cũng có khả năng thắng không thua gì ông Trump? Nguyên nhân là bởi vì ai cũng biết là bà Harris sẽ tiếp tục các chính sách ủng hộ xe điện, bởi vì đó là một phần trong cương lĩnh tranh cử của bà Harris. Hơn nữa bà Harris chưa từng dọa dẫm ai và cũng chưa từng dùng quyền lực mà trả thù riêng, nên không có gì đáng sợ.
Ông Jeff Bezos cũng dính vào nhiều vụ lùm xùm với ông Trump, chủ yếu liên quan tới cách làm ăn của Amazon. Đại khái là người mua hàng của Amazon sẽ được nhận hàng do shipper đem tới, nhưng rất nhiều hàng hóa phải đi qua đường bưu điện. Ông Trump đòi tăng cước phí bưu điện, đồng nghĩa với việc hàng hóa mua từ Amazon sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều.
Jeff Bezos đã ra lệnh cho tờ Washington Post không được công khai ủng hộ ứng viên nào. Trước đó, tờ báo này đã chuẩn bị công khai ủng hộ bà Harris, nhiều ý kiến cho rằng Jeff Bezos sở hữu tờ báo này và ông sợ bị vạ lây.
250.000 người đã nổi giận tới mức hủy đăng ký tờ báo này, nhiều nhà báo làm ở Washington Post đã từ chức để phản đối.
Sự "quay xe" của Bezos và Musk khiến nhiều người cảm thấy hả dạ khi những người giàu bậc nhất thế giới cũng có lúc sợ hãi trước quyền uy, còn trên thực tế theo tôi, thì đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại cho nền dân chủ Mỹ.
Nền dân chủ Mỹ dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổng thống tuy có nhiều quyền lực nhưng có thể bị chặn bởi nhánh tư pháp nếu đưa ra mệnh lệnh vi hiến.
Mặt khác nhánh lập pháp cũng có thể thay đổi luật pháp để vô hiệu hóa các hành vi của tổng thống. Cả hai điều này đã xảy ra trong nhiệm kỳ của Trump: khi tòa án chặn lệnh trục xuất người đến từ một số quốc gia Trung Đông, và khi quốc hội bỏ phiếu vượt qua quyền phủ quyết của ông Trump để đưa gói cứu trợ tới người dân vào cuối năm 2020.
Thể chế tam quyền phân lập đã thành công trong việc định hướng hành vi của tổng thống khi hạn chế tối đa các hành động trong quyền lực tổng thống nhưng được thúc đẩy bởi các động cơ cá nhân. Khi ông Trump phớt lờ các quy tắc này, những người hâm mộ ông cho rằng điều đó thể hiện quyền lực của "ông chủ", bởi họ bị nghiện hình ảnh của một doanh nhân thành đạt mà ông Trump đã đóng vai qua nhiều năm.
Xét cho cùng, người Mỹ đã được thưởng thức một nhiệm kỳ của Trump. Ông Trump chiến thắng vào năm 2016 vì lý do là cử tri mệt mỏi với một nhiệm kỳ nhàm chán của đảng Dân chủ trước đó và họ muốn "đổi vị".
Sau màn trình diễn của ông Trump, cử tri Mỹ lại được một phen cần phải thay đổi khẩu vị một lần nữa, nhất là khi dịch bệnh và hậu quả của nó kèm theo màn trình diễn chống dịch của Trump, hàng triệu người đã chết.
Bây giờ cử tri Mỹ lại phải xem xét và chấm điểm cho màn trình diễn của đảng Dân chủ một lần nữa. Cả thế giới xôn xao xúm lại xem cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ai cũng bàn bạc về hai ứng cử viên. Còn trên thực tế, người ta nên bàn bạc về hai đảng phái và liệu đảng cầm quyền đã có màn trình diễn như nào.
Vào thời điểm này, liệu có cử tri nào đột nhiên thay đổi ý định về đảng phái của mình hay không? Chắc chắn là không. Liệu có ai thay đổi quan điểm đảng phái của mình chỉ vì ứng viên của đảng không như ý của họ hay không? Câu trả lời cũng là không.
Các cử tri Dân chủ đánh giá cao màn trình diễn của Đảng Dân chủ, vốn đang cầm quyền, thì sẽ đi bầu cho đảng Dân chủ. Còn các cử tri Cộng hòa đánh giá cao màn trình diễn của Đảng Dân chủ thì họ sẽ ở nhà, không bầu cho phe Cộng hòa. Đảng nào kêu gọi được nhiều cử tri phe mình đi bầu hơn thì đảng đó sẽ thắng.
*Bạn bầu cho ai? Tình hình bầu cử nơi bạn sống ở Mỹ thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.
Khanh Huỳnh