Là người mẹ đông con nhất nhì thôn có hơn 800 hộ dân ở xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, chị Nguyễn Thị Đức xem chuyện nhường chồng con tự nhiên như hơi thở. Động lực của người mẹ 47 tuổi là mai này, các con lớn, cuộc sống sẽ bớt khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Trường, chồng chị làm thợ xây. Chị lo ba sào ruộng và thi thoảng làm phụ hồ khi nông nhàn. Ngày nào cả hai vợ chồng cùng có việc thì kiếm được khoảng 500 nghìn đồng nhưng những ngày đó không nhiều. Ba đứa con lớn lần lượt đi làm, phụ với cha mẹ nuôi các em. Bà mẹ đông con tin những ngày vất vả sắp qua.
Nhưng hai năm trước, anh Trường phát hiện ung thư sàn miệng. Chị bỏ làm, theo chồng ra Hà Nội, rồi vào Huế điều trị suốt một năm trời. "Một tuần đầu sau phẫu thuật anh ấy bị ảnh hưởng thần kinh, phải thở oxy nhưng cứ nhìn thấy vợ là đuổi đánh. Gia đình tôi tưởng anh không qua khỏi đã nhờ họ hàng ở quê chuẩn bị hậu sự. May sao giờ anh đỡ hơn", chị Đức nhớ lại.
Con đường trước nhà mở rộng vào một phần đất nên gia đình được bồi thường một khoản tiền. Người vợ cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, đủ chi phí chữa bệnh cho chồng. Anh Trường được về nhà khi lưỡi bị cắt một phần ba, nói không rõ chữ, phải hết đời ăn xay. Nhưng chị Đức vẫn thấy gia đình mình may mắn, khi vợ chồng có nhau, mấy đứa nhỏ có ba để dựa.
Nhưng chưa xong nỗi lo bệnh tật của chồng thì đến lượt cậu con út đổ bệnh. Từ đầu năm 2021, cậu út Sumo, 6 tuổi, vốn hiếu động đột nhiên không muốn đi chơi. Nó chán ăn, sốt cao 5 ngày liền. Chị Đức đưa con đi viện huyện, viện tỉnh, rồi ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Nhận tin con trai ung thư máu, người mẹ như tê liệt, nước mắt theo nhau rơi ướt mặt. "Trong một tháng chăm con ở viện, tui sụt 9 ký", người mẹ nói.
Ban đêm, chị thức canh cho con đỡ sốt. Con ngủ, người mẹ vẫn trằn trọc lo cho chồng và hai đứa nhỏ ở quê tự xoay xở khi mình vắng nhà. Đến bữa, hai mẹ con chung nhau suất cơm. Con ăn còn thì mẹ ăn. Một tuần, họ mới được một bữa cơm từ thiện.
Đợt tháng Tư, đang chăm con Hà Nội, chị nhận tin chồng khó thở phải đi cấp cứu. Họ hàng đưa anh đi viện, nhưng không thể chăm sóc. Chị phải gọi điện cho con gái đang làm công nhân trong Bình Dương về chăm bố. "Mẹ em đã đời khổ cực. Mấy chị em động viên nhau cố gắng đi làm bù đắp cho ba mẹ. Nhưng nay ba ốm, em đau, mẹ khổ mà không biết làm sao được", Hà, con gái thứ ba, nói.
Cô gái đủ 18 tuổi dự định về quê làm hồ sơ đi công nhân, vừa có thời gian chăm ba và em thay mẹ. Nhưng Covid-19 đến đảo lộn mọi kế hoạch. Đến nay, Hà vẫn chưa thể đi làm lại vì thị xã Ba Đồn đang giãn cách theo chỉ thị 15. Cậu con trai cả làm nghề sơn nước ở Hà Nam cũng phải về nhà tránh dịch.
Lam lũ cả đời, nên chị Đức không quá hoảng hốt khi gia đình phải dè sẻn do thiếu thu nhập. "Mình có ba sào ruộng là đủ gạo ăn cả năm, rau trong vườn, lại nuôi được chục con gà thỉnh thoảng đổi bữa. Nhà ta không đứt bữa được", chị động viên năm đứa con. Cô gái thứ hai lấy chồng TP HCM vẫn mắc kẹt chưa về.
Nhưng đứt lịch điều trị của Sumo khiến chị Đức mất ngủ. Cách một tuần con phải nhập viện điều trị một lần, nhưng giờ không có xe ra Hà Nội. Con sốt cao, người mẹ đành thuê taxi hoặc xe cấp cứu đến bệnh viện tỉnh điều trị.
Sức yếu, mệt mỏi nhưng ngày đến viện, Sumo phải chọc mũi hai lần để xét nghiệm Covid-19. "Cả đi cả về hai mẹ con phải xét nghiệm tới tám lần, mất khoảng ba triệu. Giờ xe buýt không có nên đi taxi hết 400 nghìn đồng nữa", chị nói.
Ông Hoàng Ngọc Lâm, trưởng thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, cho biết, khi anh Trường bị bệnh, thôn xét cho gia đình chị Đức vào diện hộ cận nghèo. Nay con trai chị lại bị ung thư, cán bộ sẽ xem xét năm tới cấp sổ hộ nghèo cho chị, để đỡ chi phí điều trị.
"Bình thường anh chị ấy đông con nhưng chăm làm nên kinh tế không đến nỗi nào. Vì con bệnh, chồng bệnh chị ấy mới túng thiếu", ông Lâm nói.
Chiều muộn, lũ con chị Đức chơi đùa ngoài sân. Mấy anh chị trêu đùa: "Dịch này không cho Sumo đi viện nữa đâu". Thằng nhỏ xị mặt: "Không đến viện, em sốt, không sống được nữa thì sao", rồi nhào vào ôm mẹ. Chị Đức dang tay ôm lấy con vỗ về: "Phải bán nhà, mẹ cũng cho con đi chữa bệnh".
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây
Phạm Nga