"Em muốn làm cô giáo cắm bản, để mang con chữ đến cho những em nhỏ vùng cao", từ khu cách ly tại bệnh viện huyện Đình Lập, Hoàng Tiểu Vy nói. Nghe giọng Vy, nhiều người sẽ không tin đó là cô bé mang trên mình những căn bệnh hiểm nghèo. Một ngày trước, cô bé 11 tuổi này nhận kết quả khả quan sau ca phẫu thuật cắt bỏ một bên tử cung và buồng trứng thực hiện hồi đầu tháng 8 tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Ngay sau ca phẫu thuật, hai mẹ con Vy bắt chuyến xe đêm về quê. Đó là một vùng sơn cước, với những đồi thông, đồi lau bát ngát. Nhà của Vy dễ nhận ra nhất xóm Nà Nát, xã Châu Sơn, bởi nó chỉ là một nơi đủ cho em và mẹ che nắng mưa, xây từ gạch xi măng thô nhám. Song với Vy, đó là ngôi nhà hạnh phúc.
Tiểu Vy bị tim bẩm sinh nên ốm đau liên miên. Để có tiền cho con đi mổ, chị Thoan, một cấp dưỡng ở trường mầm non Châu Sơn, tranh thủ cuối tuần và nghỉ hè đi phát đồi, trồng rừng thuê. Năm 2018, chị cho con xuống Hà Nội. Dù có bảo hiểm hộ khó khăn, ca mổ vẫn mất gần 80 triệu đồng. "Mổ xong cho con là gánh một số nợ lớn, nhưng sao thấy nhẹ nhõm. Chỉ cần con khỏe, tôi sẽ có sức đi làm trả nợ", người mẹ nói.
Từ lúc mổ tim, sức khỏe cô bé tốt hơn. Em ăn ngủ ngon, da dẻ hồng hào, không còn ốm như trước. Hai mẹ con những tưởng cuộc sống từ nay sẽ xuôi chèo mát mái. Nhưng điều đó không đến.
Mùa xuân năm nay Vy biếng ăn và lười đi chơi. Bình thường, buổi chiều học xong cô bé hay sang nhà người bạn thân trong xóm. Nay mẹ nói mỏi miệng, Vy cũng không đi. Một đêm mưa, gió thốc từng cơn vào căn nhà trống hoác, những cơn đau bụng của Vy rõ ràng hơn. Chị Thoan sờ vào bụng con, thấy cứng như cái trống, nổi lên như người mang bầu. "Tôi hoảng lắm. Cố nuốt những lo lắng vào trong, tôi ôm con con, vỗ nhẹ cho con ngủ. Bao đêm tôi thức trắng vì con ốm đau, nhưng cái đêm đó bồn chồn hơn cả, vì không biết con bị làm sao", người phụ nữ 42 tuổi, nhớ lại.
Sáng hôm sau, chị đưa Vy đi khám ở bệnh viện huyện, cách nhà 20 cây số. Bác sĩ siêu âm không tìm ra lý do, chỉ chắc trong bụng có dịch. Cố trấn tĩnh, chị Thoan gọi cho bố mẹ và chị dâu thông báo, trước khi đem con về gửi, còn mình thì quay đầu về nhà lấy thêm đồ đạc và lên trường xin phép nghỉ. Khi không còn ai, sự yếu đuối của người phụ nữ đơn thân trỗi dậy, chị khóc suốt quãng đường, chốc chốc phải dừng xe vì những cơn nấc nghẹn.
Tại bệnh viện tỉnh cũng không ai biết Vy bị bệnh gì. Một ngày sau, hai mẹ con xuống Hà Nội, trong người chỉ có hai bộ quần áo và vài triệu đồng. "Lúc đó tôi chỉ biết cứ đi đã. Mọi thứ tính sau", người mẹ nói.
Chuyến đi đó kéo dài một tháng 21 ngày. Tiểu Vy trải qua cả chục loại xét nghiệm, sau vài ngày thì được xác định bị ung thư tế bào mầm tiểu khung. Em phải nhập viện để truyền hóa chất ngay lập tức. Sau hai đợt truyền, Vy làm lại xét nghiệm như ban đầu. Đến lúc này, các bác sĩ kết luận em bị ung thư buồng trứng.
"Ai cũng bàng hoàng và sốc. Không ai nghĩ được căn bệnh này lại xuất hiện trên một đứa bé mới hơn 10 tuổi. Hoàn cảnh của hai mẹ con vốn dĩ khó khăn, nay càng thêm khốn khó", chị Nông Thị Thanh, trưởng thôn Nà Nát nói.
Những ngày đầu con nằm viện cũng là những đêm chị Thoan không ngủ. Bao nhiêu nỗi lo lắng bám riết trong đầu. Không ít lần chị tủi thân nghĩ, người ta có chồng yêu thương, sẻ chia, còn mình thui thủi. Song, cứ chớm tiêu cực là chị tự trấn an "mình vẫn còn may mắn vì có cha mẹ, anh chị quan tâm, đồng nghiệp tôn trọng. Hãy bằng lòng với những gì mình đang có". Chị yên tâm hơn chút khi bác sĩ nói bệnh của Vy "ở thể nhẹ nhất và chưa di căn".
Để giúp con gái thoát mặc cảm bệnh tật, chị động viên con đi chơi với bạn hàng xóm. Ngày đầu trở lại trường sau khi hóa trị, chị dẫn con vào tận lớp. "Khi nhìn thấy em, các bạn chạy lại vây quanh. Tụi con gái cho em đồ ăn, tụi con trai làm trực nhật thay em. Sợ em mệt nên em nói gì các bạn cũng nghe hết. Từ lúc đó em không còn tự ti nữa", Tiểu Vy kể.
Ngày tổng kết năm học Vy không thể dự, song bạn bè mang cho em bất ngờ qua Hộp thư bạn bè. "Các bạn nắn nót viết những lời chúc đến Vy: 'Chúc mừng bạn đạt học sinh xuất sắc', 'Tiểu Vy ơi cố lên, chúng tớ luôn bên bạn', 'Lên cấp 2 vẫn muốn Tiểu Vy làm lớp trưởng'... Buổi lễ tổng kết năm học cuối cấp chỉ trong nội bộ lớp do dịch bệnh, ai cũng xúc động", thầy Hoàng Văn Chung, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ.
Ngày 2/8 vừa qua, Hoàng Tiểu Vy trải qua ca mổ loại bỏ tế bào ung thư. Trước lúc vào phòng, em giật tay mẹ bảo: "Lúc con mở mắt ra phải thấy mẹ đầu tiên". Chị Thoan gật đầu hứa: "Covid-19 này có ai đến thăm con được đâu, nên chắc chắn sẽ nhìn thấy mẹ rồi".
Ca phẫu thuật chỉ trong khoảng một tiếng và hết tiếng thứ hai Tiểu Vy được trở lại phòng bệnh. Chị Thoan ngắm nhìn con say giấc, chờ giây phút con mở mắt. Không để mẹ đợi quá lâu, đôi lông mi dài của em nhấp nháy, rồi mở ra to tròn. "Mẹ ơi, con thấy nhẹ hết cả người", Vy cất tiếng đầu tiên sau ca mổ. Người mẹ bật cười thành tiếng, trong những giọt nước mắt lăn dài. Chị hiểu con chỉ nghĩ đơn giản, rằng "mổ xong sẽ được về nhà, sẽ được đi học".
Vì đại dịch, hai mẹ con mắc kẹt lại Hà Nội nên quyết định ở lại luôn đến ngày nhận kết quả sau mổ. Những ngày "ở yên" trong căn phòng trọ, Tiểu Vy không hề thấy buồn chán vì thường xuyên được các anh chị và bạn bè gọi điện hỏi han. Tình cờ biết đến cuộc thi "Vì một Việt Nam tất thắng", em xin mẹ tham gia, dù thiếu thốn bút màu, giấy vẽ. Cô bé dùng chiếc bát to vẽ vòng tròn, thể hiện cho trái đất, dùng chiếc chén để vẽ những virus Sars-CoV- 2. Chỉ hơn mười phút em xong bức tranh và gửi đến chương trình với ước mong, cất lên tiếng nói của một bệnh nhân đang điều trị ung thư để tất cả mọi người cùng tin vào cuộc chiến chống dịch.
Covid-19 khiến hành trình đi chữa bệnh của Vy thêm gian nan, lại thêm cách ly mỗi lần từ vùng dịch về nên gián đoạn hơn nữa những ngày lên lớp. Song Vy vẫn vui vì năm nay vẫn là các bạn cũ và em vẫn là lớp trưởng. Chị Thoan, dù mất công việc cấp dưỡng, cũng vui vẻ chấp nhận. Hành trình chữa bệnh của con còn dài, chị chỉ có thể tranh thủ đi làm thuê.
"Như tóc rụng rồi sẽ mọc, hai mẹ con tôi tin chỉ cần có sức khỏe, rồi khó khăn nào cũng sẽ vượt qua", chị Thoan nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây
Phan Dương