Năm 2020, bé út nhà tôi vào lớp một, con lớn lên lớp sáu. Ngay từ khi trường chưa tổ chức họp phụ huynh ở lớp đứa con út nhưng tôi đã biết chắc có những gì sẽ xảy ra. Con lớn của tôi đã trải qua 5 năm ở trường đó mà lần nào họp phụ huynh cũng khiến tôi bức xúc vô cùng.
Khi đại diện cho hội phụ huynh của lớp nêu ý kiến của các phụ huynh và cũng là nỗi lòng của chính mình, nhưng nhà trường chỉ nói sẽ tiếp thu và rồi năm nào cũng vẫn thế.
Có những khoản tiền, nhà trường đẩy cho hội phụ huynh thu và chi mà chúng tôi không muốn. Vì thế, tôi nghĩ không nên vội đánh giá hội phụ huynh lạm thu.
Vấn đề sửa nhà vệ sinh, trường bảo hỏng, hết kinh phí sửa chữa, thế có nỡ để con đi học mà cái nhà vệ sinh không có? Trường bảo điều hòa lớp này không có, hết kinh phí để mua mới, thế có nỡ để con mình nóng không, lại đi mua quạt về lắp. Trường bảo cấp trên cho xây nhà mới nhưng không cho tiền lắp rèm cửa, cửa sổ thì làm cửa kính, thế nỡ để con học nắng không, tất nhiên không, lại đi gọi thợ lắp rèm.
Các phụ huynh kêu rầm rầm, mắng hội trưởng, hội phó hết lời trong khi thu chi có bảng ghi chi tiết rõ ràng.
Ý kiến trong các cuộc họp không làm thay đổi được nội dung thu của nhà trường. Tôi cũng tránh làm đại diện phụ huynh. Thật kinh khủng khi mình phải làm những việc mà bản thân mình cũng muốn chống đối, rồi lại bị người khác mắng.
Mỗi lần đi họp với BGH nhà trường, tôi cùng nhiều đại diện khác đều nêu ý kiến nhưng cuối cùng không áp đảo được nhà trường. Về phổ biến lại trong lớp mình, thì bị các phụ huynh khác kêu ca. Nói thật ra thì ban đại diện và cô giáo chủ nhiệm đều bị "ép buộc" cả thôi.
Những việc đó hội trưởng, hội phó đứng ra lo hết, tiền thì trích từ quỹ lớp. Các phụ huynh khác không hiểu nỗi khổ của hội trưởng, hội phó, cũng không phải đi họp với BGH nhà trường nên chỉ biết chỉ trích.
Vậy nên đến đứa thứ hai vào tiểu học, tôi sợ nhà trường quen mặt, tôi bỏ buổi họp phụ huynh lần đầu để không phải làm đại diện hội phụ huynh.
Linh Lan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.