Câu chuyện về một cặp vợ chồng muốn đặt tên con là May Di, nhưng cán bộ hộ tịch của phường không đồng ý vì cho rằng tên "không có ý nghĩa", đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Pháp luật hiện hành chưa có quy định nào quy định về việc từ chối khai sinh vì đặt tên con "vô nghĩa", cũng chưa có quy định tên nào là tên vô nghĩa. Thế nên, chỉ cần đó là một tên bằng tiếng Việt, không chứa chữ số và ký tự, không trái quy định pháp luật thì hoàn toàn có quyền được đặt.
Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn khác, độc giả Minh Phương lại cho rằng: "Tôi làm công tác liên quan tới thông tin cá nhân, gặp nhiều cái tên rất lạ. Tôi nhận thấy họ khá ngại ngùng mỗi khi nhắc đến tên mình. Bản thân người làm việc với họ cũng ngại khi giao tiếp. Ví dụ như một anh tới làm thủ tục chỗ tôi nhưng ngồi dưới ghế chờ, để vợ lên trình giấy tờ. Người vợ sau đó đỏ mặt phân trần một tràng về nguồn gốc cái tên lạ của chồng.
Thế nên, các bậc làm cha mẹ, xin hãy lưu ý: tên là mình đặt cho con, nó sẽ gắn liền với con cả đời. Vậy nên, hãy đặt mình vào vị trí đứa con mà chọn tên sao cho phù hợp. Đừng vì mình muốn thỏa chí một điều gì đó mà bắt con cái phải chịu một cái tên kỳ lạ".
Đồng quan điểm, bạn đọc Baobihunganh chia sẻ: "Nhiều ông bố, bà mẹ đặt tên con là Hận, vì bản thân hận điều gì đó và nó có ý nghĩa với họ. Còn có người đặt tên con là Sót, Chót, Mót... vì đứa con này lỡ kế hoạch mà có. Tất nhiên, những cái tên đó hoàn toàn có ý nghĩa với họ và họ thấy hợp trong hoàn cảnh của mình. Đồng ý là cá nhân cha mẹ có quyền đặt tên con theo ý muốn, nhưng sống trong xã hội thì có nhiều cái tên chỉ phù hợp để gọi ở nhà. Còn đã ra ngoài xã hội thì nên theo cái chung, đừng quá kỳ lạ".
>> 'Phiên âm tên nước ngoài gây sai lệch thông tin'
Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, quy định về nội dung khai sinh như sau: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
"Về luật, bạn có quyền đặt tên cho con miễn là thỏa mãn quy định của luật. Tuy nhiên, bạn nên nhớ, dù đặt tên thế nào là quyền cha mẹ, nhưng đứa trẻ mới là người sở hữu cái tên suốt cuộc đời. Rất nhiều người chịu biết bao phiền toái vì cái tên độc lạ, trời ơi đất hỡi do sự bốc đồng của cha mẹ", độc giả Sông Đông êm đềm nói thêm.
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Baobuid bình luận: "Tuy luật cho phép nhưng có những cái tên nghe rất khó hiểu ngay cả với người lớn nên đối với bọn trẻ nhỏ sẽ càng khó hiểu hơn. Nếu gia đình kiên quyết đặt tên con như vậy thì phải chuẩn bị sẵn tâm lý là con sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp ở trường học. Những cái tên này có thể hay ho với cha mẹ để gọi con trong một khoảng thời gian nhất định, chứ về lâu dài thì thế nào cũng sinh cảm giác chán chê. Đừng để đứa trẻ phải lớn lên trong sự soi mói của mọi người chỉ vì ý thích nhất thời của cha mẹ".
Nói về việc đặt tên độc, lạ cho con, độc giả Gia Phung kết lại: "Chỉ vì một kỷ niệm của cha mẹ mà người con phải gắn với một cái tên trời ơi đất hỡi cả đời. Tên độc lạ mà hay thì còn được, chứ không hay thì sẽ gây nhiều hệ lụy cho người mang tên đó. Chính tôi đây là một ví dụ điển hình khi tên được đặt theo một kỷ niệm của gia đình. Và thật sự là nhiều lúc tôi khá ngại ngùng, thậm chí tự ti, khi giới thiệu tên mình. Chưa kể, hồi bé, tôi còn ám ảnh khi bị bạn bè trêu trọc ghép với nhiều từ khác sẽ ra một nghĩa không hay".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.