Trong thư gửi về VnExpress, chị Lan nói đã giải thích tên này gắn liền với kỷ niệm và câu chuyện của gia đình song vẫn bị từ chối vì do gia đình chị không phải dân tộc thiểu số, cũng không phải người nước ngoài vì thế "cần đặt tên có nghĩa".
Qua khảo sát trên 4.604 độc giả VnExpress, 34% ý kiến cho rằng cán bộ hộ tịch có quyền từ chối đăng ký khai sinh vì tên "vô nghĩa".
Nhiều độc giả nêu, pháp luật không cấm việc đặt tên "vô nghĩa" song khuyên gia đình nên đặt tên con thông dụng hơn.
Giải đáp câu hỏi của chị Quỳnh Lan, luật sư Phạm Quốc Bảo (công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho hay về họ, tên, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, quy định về nội dung khai sinh như sau: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
>>Có được lấy tên vua chúa đời trước đặt cho con?
Như vậy, theo luật sư Bảo, tên May Di mà vợ chồng bạn muốn đặt cho con là tên bằng tiếng Việt, không chứa chữ số và ký tự, không trái quy định pháp luật.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định nào quy định về việc từ chối khai sinh vì đặt tên con "vô nghĩa", cũng chưa có quy định tên nào là tên vô nghĩa. Vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền đăng ký khai sinh tên con là May Di như mong muốn, luật sư nêu quan điểm.
Hải Thư