Sharrock bắt buộc phải làm vậy vì cô nhớ chính xác điều gì đã xảy ra vào từng ngày một, cho dù ngày đó cách đây 10-15 năm trước. Ví dụ, người phụ nữ 31 tuổi vẫn nhớ ngày 21/7/2007 là một ngày thứ 7, bố dượng mua cho cô cuốn sách Harry Potter và Bảo bối Tử thần vừa xuất bản.
Hay ngày 22/10/2003 là ngày Sharrock tham gia một khóa học thanh nhạc ở trường, cũng là lần đầu tiên tổng thống Mỹ George Bush con tới thăm Australia. "Tôi nhớ mẹ đã xem thời sự. Những hình ảnh ấy chẳng có ý nghĩa gì với tôi nhưng ký ức về khóa học thanh nhạc gợi lại toàn bộ ngày hôm ấy", Sharrock nói.
Cô thậm chí nhớ rõ giấc mơ hồi mới 18 tháng tuổi và cảnh được chụp ảnh trong ôtô khi 12 ngày tuổi.
Sharrock không nhận ra trí nhớ mình lạ thường cho đến khi được bố mẹ cho xem bản tin ngày 23/1/2011 của giáo sư Craig Stark ở Đại học California Irvine. Giáo sư này nghiên cứu về hiện tượng siêu trí nhớ về bản thân (highly superior autobiographical memory - HSAM). Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 60 người có HSAM, bao gồm Sharrock.
Trong nghiên cứu, Stark cùng đồng nghiệp phát hiện người có HSAM nhớ được cả sự kiện cá nhân lẫn sự kiện xã hội xảy ra vào một ngày cụ thể cách đó một tuần, một năm và một thập niên trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa tìm ra khác biệt nào đáng kể về cấu trúc ghi nhớ giữa não người thường và não người có HSAM.
HSAM được công nhận là một tình trạng y học từ năm 2006, sau khi một phụ nữ người Mỹ tên Jill Price liên hệ với tiến sĩ James McGaugh, cộng sự của Stark tại trường đại học.
"Mỗi khi thấy số ngày tháng hiện lên tivi, tôi lại tự động quay trở lại quá khứ và nhớ ra mình đã ở đâu, làm gì, cảm xúc thế nào vào ngày hôm đó", Price viết. "Hầu hết mọi người cho rằng đó là món quà nhưng tôi chỉ thấy gánh nặng. Mỗi ngày, tôi đều tua lại toàn bộ cuộc sống của mình trong đầu và điều đó khiến tôi phát điên".
Theo Stark, nhiều người có HSAM lại thường xuyên nhớ về quá khứ để kiểm tra khả năng của mình, thậm chí sợ hãi nếu bất chợt quên điều gì đó. Một số người như Sharrock đánh dấu lịch để ký ức về các ngày không lẫn vào với nhau.
Siêu trí nhớ đem tới cả lợi ích vẫn phiền toái. Ví dụ, Sharrock dễ dàng kiểm tra thời hạn bảo hành của đồ đạc trong nhà giúp mẹ nhưng lại thường xuyên mất ngủ. "Tôi chỉ ngủ được khi có gì đó gây xao nhãng như tiếng ồn hay ánh sáng. Nếu không gian hoàn toàn yên lặng, ký ức sẽ tràn về và khiến tôi trằn trọc", Sharrock nói.
Chưa kể, Sharrock mắc hàng loạt vấn đề khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu và tự kỷ. Cộng với HSAM, những ký ức xấu trở nên khó đối phó. Thay vì phai nhạt dần, chúng cứ ở mãi trong đầu Sharrock.
"Nếu tôi nhớ lại điều gì không hay, cảm xúc tiêu cực của tôi cũng sẽ sống dậy. Vậy mà mọi người cứ tôi không thể buông bỏ", người phụ nữ trải lòng. "Thật tệ khi là một trường hợp đặc biệt bởi rất ít người hiểu những gì bạn phải trải qua".
Thu Nguyệt (Theo The Guardian)