Khi nghe tin Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8/1945, Albert Einstein, nhà vật lý nổi tiếng người Đức, thốt lên "ôi, khổ thân tôi chưa!".
Trong cuốn sách Out of My Later Years năm 1950, ông viết "nếu biết Đức Quốc xã sẽ không bao giờ chế tạo thành công bom nguyên tử, tôi sẽ không bao giờ làm chuyện đó".
Einstein nhắc đến bức thư mà ông đã gửi cho tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt năm 1939, thúc đẩy kích hoạt Dự án Manhattan nhằm phát triển bom nguyên tử.
Các nhà khoa học ở Đức và Thụy Sĩ đã phát hiện phản ứng phân hạch hạt nhân vào tháng 12/1938. Khám phá này nhanh chóng thúc đẩy cuộc thảo luận quốc tế giữa các nhà khoa học về việc liệu phản ứng hạt nhân có thể được sử dụng để phát triển nguồn năng lượng hoặc vũ khí mới hay không.
"Các nhà vật lý giỏi ở khắp nơi đều thấy rõ rằng phản ứng này có khả năng trở thành cơ sở phát triển vũ khí hủy diệt vượt trội", Richard Rhodes, tác giả cuốn The Making of the Atomic Bombs, viết.
Einstein sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở Đức vào năm 1879. Vào tháng 2/1933, khi đang thăm Mỹ, Einstein quyết định không trở về Đức vì đảng Quốc xã do Hilter lãnh đạo lên nắm quyền. Ông tạm trú tại một số quốc gia trước khi nhập tịch Mỹ năm 1940.
Năm 1939, nhà vật lý người Hungary tị nạn ở Mỹ Leo Szilard đã trao đổi với Einstein về nỗi lo Đức Quốc xã phát triển bom hạt nhân. Szilard viết thư cho ông Roosevelt và thuyết phục Einstein ký nó, tin rằng ông là nhà khoa học có tiếng nói nhất với tổng thống Mỹ. Thư cũng có chữ ký của hai nhà vật lý Hungary khác là Edward Teller và Eugene Wigner,
Bức thư cảnh báo Đức có thể cố gắng thu thập đủ uranium để tạo ra một quả bom đủ sức phá hủy cả một cảng biển. Einstein đã gửi thư thông qua một người trung gian vào tháng 8/1939 và tới tháng 10 năm đó, thư tới tay tổng thống Mỹ. Thời điểm đó, Adolf Hitler đã xâm chiếm Ba Lan và Thế chiến II đã bắt đầu.
Dù Mỹ chưa tham chiến, thư của Einstein khiến tổng thống Roosevelt triệu tập Ủy ban Cố vấn về Uranium ngay trong tháng 10/1939. Năm sau, ông phê duyệt thành lập Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng, trước khi đổi tên thành Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học vào năm 1941. Các nhóm này đánh dấu khởi đầu cho chương trình hạt nhân của Mỹ.
Bước ngoặt lớn xảy ra vào mùa hè năm 1941, khi các nhà khoa học Anh phác thảo kế hoạch chế tạo bom hạt nhân. Vannevar Bush, người đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển khoa học Mỹ, đã gặp tổng thống Roosevelt vào tháng 10/1941 để thảo luận về báo cáo của Anh. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bush bắt đầu nghiên cứu và phát triển bom hạt nhân, đồng thời ông sẽ tìm cách đảm bảo kinh phí để chế tạo nó.
Cuộc tấn công Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 của Nhật Bản đã kéo Mỹ vào cuộc chiến, khiến nhiệm vụ chế tạo vũ khí hạt nhân trở nên cấp bách hơn. Một tháng sau cuộc tấn công, ông Roosevelt chính thức phê duyệt thành lập Dự án Manhattan, chương trình bí mật của Mỹ nhằm phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Dự án này đã tiêu tốn 2,2 tỷ USD và sử dụng 130.000 nhân công, không phải tất cả họ đều biết mình đang chế tạo thứ gì.
Yếu tố quan trọng thúc đẩy thành lập Dự án Manhattan là nỗi sợ Đức Quốc xã tạo ra bom hạt nhân trước. Tuy nhiên, những nỗ lực của Đức về hạt nhân không thể đi xa.
Đến năm 1944, quân Đức đã suy yếu và các nhà khoa học ở Mỹ và Anh bắt đầu lo lắng nhiều hơn về tác động mà quả bom Mỹ đang phát triển có thể tạo ra. Nhà vật lý Đan Mạch Niels Bohr, người làm trong Dự án Manhattan, vào tháng 8/1944 gặp tổng thống Roosevelt để thảo luận về nỗi lo quả bom có thể tạo ra cuộc đua vũ khí hạt nhân. Ông đề nghị cần có kế hoạch quốc tế để kiểm soát vũ khí hạt nhân sau chiến tranh.
Khi ông Roosevelt gặp thủ tướng Anh Winston Churchill vào tháng 9/1944, hai người đã thảo luận liệu Mỹ - Anh có nên thông báo cho thế giới biết họ đang phát triển bom hạt nhân hay không. Trong bản ghi nhớ về cuộc họp, hai lãnh đạo đồng ý giữ bí mật về quả bom.
Tháng 3/1945, Einstein gửi bức thư thứ hai cho tổng thống Roosevelt theo sự thúc giục của Szilard. Nhà vật lý Hungary, người làm trong Dự án Manhattan, ngày càng lo lắng về ảnh hưởng của vũ khí hạt nhân với thế giới.
Trong thư, Einstein viết về lo ngại của Szilard xoay quanh tình trạng thiếu trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học nghiên cứu quả bom và quan chức chính phủ, những người sẽ quyết định cách sử dụng nó. Ông thúc giục tổng thống gặp Szilard để nhà vật lý có thể thảo luận thêm về lo ngại của ông ấy.
Để đảm bảo tổng thống không lỡ bức thư, Einstein đã gửi bản sao bức thư cho đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt. Bà đã lên lịch gặp giữa Szilard và tổng thống vào tháng 5/1945. Song cuộc họp không bao giờ diễn ra, vì vào ngày 12/4/1945, ông Roosevelt qua đời do đột quỵ.
Vào tháng 8/1945, sau khi trở thành tổng thống Mỹ, Harry Truman đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công Nhật Bản bằng vũ khí mới. Hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945, khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng. Vài ngày sau vụ thả bom, Nhật Bản đầu hàng lực lượng Đồng minh, kết thúc Thế chiến II.
Einstein coi bức thư đầu tiên mà ông gửi cho tổng thống Roosevelt là "sai lầm lớn".
Thực tế, Einstein chỉ có vai trò gián tiếp trong việc thúc đẩy chế tạo bom, ông không tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển vũ khí. Einstein không được phép làm việc trong Dự án Manhattan vì được coi là rủi ro an ninh lớn. Ông vừa là người Đức vừa được biết đến là nhà hoạt động chính trị thiên tả.
"Tôi đã nhận thức rõ về mối đe dọa khủng khiếp với nhân loại nếu những thí nghiệm này thành công. Nhưng nguy cơ Đức phát triển được vũ khí trước đã thôi thúc tôi làm vậy. Tôi không thấy giải pháp nào khác, mặc dù tôi luôn coi mình là người theo chủ nghĩa hòa bình", Einstein viết trên một tạp chí Nhật Bản vào năm 1952.
Trong bức thư ông viết cho một người bạn Nhật Bản được công bố năm 2005, ông nói "tôi luôn lên án sử dụng bom nguyên tử ở Nhật Bản nhưng không thể làm gì để ngăn quyết định đó".
Thanh Tâm (Theo History, Insider, Counterpunch)