Quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ gặp trắc trở khi Tổng thống Donald Trump kiên quyết không nhận thua trước đối thủ Joe Biden, cáo buộc có tình trạng gian lận cử tri và cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Bất chấp hàng loạt thất bại pháp lý, Trump vẫn không ngừng theo đuổi nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử, với hy vọng đặt vào phiên họp kiểm phiếu đại cử tri tại quốc hội ngày 6/1.
Tối 7/1, giữa cơn thịnh nộ từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa vì vụ bạo loạn do đám đông ủng hộ Trump gây ra tại Đồi Capitol ngay lúc phiên họp đang được tiến hành, Tổng thống cuối cùng cũng thừa nhận Nhà Trắng sẽ có chủ nhân mới vào ngày 20/1, đồng thời cam kết "một quá trình chuyển giao suôn sẻ, có trật tự và trơn tru".
Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, Trump đột ngột ra thông báo mới. "Gửi đến tất cả những người thắc mắc, tôi sẽ không tham dự lễ nhậm chức vào ngày 20/1", Tổng thống Mỹ đăng lên Twitter ngày 8/1, ngay trước khi bị mạng xã hội này đình chỉ tài khoản vĩnh viễn.
Với quyết định này, Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ tư không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Lần gần đây nhất xảy ra 152 năm trước, khi tổng thống Andrew Johnson quyết "từ mặt" đối thủ Ulysses S. Grant và từ chối dự lễ nhậm chức năm 1869.
Hai người thường xuyên xung đột sau vụ ám sát tổng thống Cộng hòa Abraham Lincoln vào tháng 4/1865. Johnson, đảng viên Dân chủ khi đó đang giữ chức phó tổng thống, trở thành tổng thống theo quy định trong Hiến pháp. Những quan điểm phân biệt chủng tộc của ông khiến Grant, người đứng đầu quân đội, cảm thấy khó chịu và quyết chống lại nỗ lực loại bỏ bộ trưởng chiến tranh Edwin Stanton của Johnson.
Tháng 2/1868, Johnson trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị Hạ viện xem xét bãi nhiệm sau khi ông sa thải Stanton, vi phạm Đạo luật Nhiệm kỳ, trong đó quy định cấm sa thải các quan chức đã được bổ nhiệm mà không được quốc hội chấp thuận. Grant ủng hộ quá trình xem xét bãi nhiệm này và khẩu chiến gay gắt với Johnson. Cuối cùng, Johnson được Thượng viện tha bổng.
Tuy nhiên, Johnson gây ác cảm với phe Dân chủ đến mức họ không đề cử ông làm ứng viên tổng thống nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử năm 1868. Trong khi đó, Grant đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử và giành chiến thắng dễ dàng, dẫn đến quá trình chuyển giao quyền lực giữa hai đối thủ "không đội trời chung".
Dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện vào đầu tháng 1/1869, khi báo chí đưa tin Grant ám chỉ "sẽ không ngồi chung xe với Johnson khi đến và rời Đồi Capitol". Ủy ban nhậm chức sau đó đưa ra một kế hoạch thỏa hiệp, sắp xếp cho hai người đi xe riêng. Xe của Johnson sẽ đi phía bên phải Đại lộ Pennsylvania, trong khi xe của Grant đi bên trái.
Johnson không công khai phản ứng với kế hoạch này. Tuy nhiên, thái độ của Grant đã "chọc tức" bộ trưởng hải quân Gideon Welles. Tại một cuộc họp nội các hồi tháng 1/1869, Welles đề xuất tổng thống Johnson bỏ qua lễ nhậm chức vào ngày 4/3 của Grant, bởi tổng thống đắc cử "quá thiếu tôn trọng và thiếu lịch sự".
Welles còn lưu ý rằng Johnson không phải là tổng thống đầu tiên không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. John Adams từng rời Washington lúc 4h sáng ngày Thomas Jefferson nhậm chức năm 1801. John Quincy Adams, con trai của ông, cũng rời thủ đô một ngày trước khi Andrew Jackson tuyên thệ nhậm chức năm 1829.
Johnson cảm thấy tâm đắc với đề nghị của Welles. Tại cuộc họp nội các tiếp theo, tổng thống tuyên bố trước giới chức rằng "với lòng tự tôn riêng, chúng ta không thể chứng kiến lễ nhậm chức của một người đàn ông mà chúng ta biết là không trung thực, giả tạo và gian dối", Welles viết trong cuốn hồi ký.
Tuy nhiên, một số thành viên nội các muốn tham dự, đặc biệt là ngoại trưởng William Seward, người từng phụng sự dưới thời Lincoln. Vào đêm cố tổng thống bị bắn tại Nhà hát Ford, kẻ đồng phạm với hung thủ cũng đâm Seward tại nhà riêng và khiến ông trọng thương.
Bộ trưởng tài chính Hugh McCulloch cũng tỏ ra muốn đến lễ nhậm chức, lập luận rằng Johnson sẽ trông "nhỏ mọn" nếu từ chối tham dự. Trong khi đó, bộ trưởng tư pháp William Evarts kêu gọi tổng thống và các thành viên nội các đi thành một nhóm tới lễ tuyên thệ của Grant.
Đến cuộc họp ngày 2/3, Johnson đồng ý rằng ông và nội các nên cùng nhau dự lễ nhậm chức của Grant, với kế hoạch tập trung tại Nhà Trắng vào sáng 4/3, bất chấp Welles vẫn một mực phàn nàn rằng họ "có khả năng trở thành một phần trong đám diễu hành và là đuôi diều của Grant".
Tuy nhiên, Johnson đã thay đổi quyết định vào phút chót.
Trong buổi sáng lạnh giá ngày nhậm chức, Welles là người đầu tiên đến Nhà Trắng và bắt tay với Johnson. "Tổng thống khẽ nói với tôi rằng ông ấy nghĩ chúng tôi sẽ kết thúc công việc ngay tại đây, mà không cần đến Đồi Capitol", hồi ký của Welles có đoạn.
Các thành viên nội các khác sau đó lần lượt có mặt. McCulloch tỏ ra thất vọng và bối rối trước quyết định của Johnson. Evarts không cởi áo khoác và quyết tâm thuyết phục tổng thống đổi ý. Seward đến cuối cùng, hút xì gà và không biết chuyện gì đang xảy ra. Khi Johnson ngồi xuống bàn làm việc, Seward lớn tiếng hỏi: "Liệu chúng ta có đến muộn không? Có nên khởi hành ngay bây giờ không?".
Johnson đáp rằng ông muốn "hoàn thành công việc tại đây". Điều mà các quan chức không hay biết, cho tới tận sau này, là Johnson đã gửi thư thông báo với Grant rằng họ sẽ cùng nhau đến buổi lễ, nhưng tổng thống đắc cử không hồi âm. Công chúng cũng hoàn toàn không biết về những chuyện hậu trường.
Khi Grant sắp tuyên thệ nhậm chức, Johnson vẫn ngồi trong Nhà Trắng để ký các dự luật và "ân xá tội phạm", theo tin tức từ một số tờ báo. Đến buổi trưa, ông đứng dậy bắt tay các thành viên nội các.
"Tôi cảm tưởng mình đã có thể ngửi thấy mùi hương ngọt ngào của vùng núi Tennessee", Johnson nhắc tới quê hương ông khi bước ra khỏi cánh cửa Nhà Trắng lần cuối.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)