Jang sau đó kể về chuyện liệu người Triều Tiên có nuôi chó cưng không, họ hay chửi bậy kiểu gì và liệu ở quốc gia này có người chuyển giới không. Jang, 32 tuổi, là một trong nhiều người tị nạn trẻ tuổi ở Hàn Quốc mở các kênh YouTube để hé lộ về cuộc sống hàng ngày của người dân ở Triều Tiên, một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
Trong khi thông tin về Triều Tiên trên truyền thông chính thống tập trung vào những vấn đề vĩ mô như chương trình tên lửa hay chính trị, những YouTuber trẻ này đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đang ngày càng tăng về những thông tin mềm liên quan tới cuộc sống thường ngày ở quốc gia họ từng sinh sống.
"Có những người mong được nhìn thấy những hình ảnh thực tế để biết mọi người ở Triều Tiên sống như thế nào. Có một thị trường riêng về điều này", Jeon Young-sun, giáo sư đại học Konkuk, Seoul, nói.
Jang dùng điện thoại thông minh để tự quay video tại căn hộ nhỏ ở Seoul và thi thoảng mời những người tị nạn Triều Tiên khác xuất hiện trong các video hoặc được bạn bè quay hộ. Anh thường xuất hiện trong chiếc mũ rộng vành màu tối quen thuộc nhưng đôi khi đổi sang một bộ tóc giả sặc sỡ, ria mép giả và thậm chí mang mặt nạ Kim Jong-un.
"Những cuộc trò chuyện rất đơn giản, một số người tò mò về người Triều Tiên uống bia gì và ăn bánh quy loại nào", anh nói.
Trong các video được đăng trên kênh YouTube của Jang, anh kể rằng người Triều Tiên thường nuôi chó, thỏ, lợn và gà nhưng không ăn thịt chúng hay bán ở chợ. Anh cho hay từng nghe về những người đồng tính nhưng chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của người chuyển giới ở Triều Tiên.
Dù hiện có khoảng 7.000 người theo dõi sau 2 năm lập kênh YouTube riêng, Jang cho biết mình đang làm công việc lao động chân tay và giao gà rán để kiếm sống ở Hàn Quốc, do thu nhập từ YouTube quá ít ỏi. Tuy nhiên, anh vẫn muốn duy trì kênh YouTube vì một số người theo dõi cho hay những video của anh đã giúp họ hết hiểu nhầm về Triều Tiên.
"Họ động viên tôi và khiến tôi lạc quan. Họ là lý do tôi quay video hôm nay và ngày mai", Jang nói.
Anh cho biết từ "Tango" trong tên của kênh YouTube là viết tắt của cụm từ "chú mèo phúng phính" trong tiếng Triều Tiên, do bạn bè hay đùa rằng mặt Jang tròn như mặt mèo. Khi biết rằng trong tiếng Anh, Tango là một điệu nhảy, anh quyết định đặt tên này vì sự trường tồn của điệu nhảy phù hợp với những gì anh mong muốn với kênh của mình.
Những YouTuber khác người Triều Tiên thì kể về lý do họ rời quê hương và những trải nghiệm ở Hàn Quốc. Một số người hướng dẫn phong cách trang điểm Triều Tiên hay các món ăn của nước này.
Kang Na-ra, một người đào tẩu Triều Tiên, thường xuyên xuất hiện trên 2 kênh YouTube và 2 kênh TV, được các fan gọi là "công chúa Na-ra". Cô gái 22 tuổi có mái tóc dài nhuộm nâu cho biết mình có một fanclub 200 thành viên và họ từng gửi tặng cô một chiếc bánh gắn búp bê Kang nhí vào ngày sinh nhật 3 năm trước.
Khi Kang mặc quân phục Triều Tiên và hướng dẫn phong cách trang điểm của nước này, những người theo dõi không tiếc lời khen ngợi rằng "dù không trang điểm, cô vẫn rất xinh đẹp".
"Tôi thích trò chuyện với mọi người bằng cách trả lời các bình luận trên kênh của mình", Kang nói. "Tôi muốn cho mọi người biết về văn hóa Triều Tiên và tôi đang sống thế nào ở Hàn Quốc".
Tuy nhiên, cũng có lúc những người xem video để lại bình luận giận dữ khi Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích như phóng tên lửa. Jang cho biết một số người nguyền rủa anh bị ám sát bằng kim chứa độc hoặc bị đày đến một mỏ than Triều Tiên. Kang cảm thấy "hơi buồn" khi đọc những bình luận từ mọi người như "Hãy trở về đất nước của cô đi".
Dù Hàn Quốc có các chương trình truyền hình về người tị nạn Triều Tiên, một số chuyên gia cho hay chúng không hoàn toàn là quan điểm của những người tham gia vì đã được đạo diễn, chỉnh sửa bởi người Hàn Quốc.
"Trên YouTube, những người đào tẩu có thể nói bất cứ thứ gì họ muốn mà không bị chắt lọc và chỉnh sửa", Lee Kwang-baek, giám đốc người Hàn Quốc đứng đầu một kênh YouTube về Triều Tiên, cho hay. "Vì thế, chương trình của họ cung cấp những nội dung mà các show truyền hình không thể".
Các kênh YouTube này cũng giúp làm rõ những thông tin sai lệch về Triều Tiên. Jang kể rằng một học sinh trung học từng hỏi anh có phải người Triều Tiên ăn đất khi đói hay không, trong khi một YouTuber khác là Lee Pyung được hỏi rằng có phải người Triều Tiên đưa cà chua thay tiền khi đi xe buýt không.
Nội dung được ưa thích nhất trên kênh của họ là những cuộc đào tẩu nguy hiểm sang Hàn Quốc. Câu chuyện đào tẩu của Kang thu hút khoảng 1,7 triệu lượt xem khi được đăng lên YouTube năm ngoái. Cô đã nghĩ là mình sẽ chết khi bị nước cuốn đi lúc vượt sông Đồ Môn để sang Trung Quốc trước khi đến Hàn Quốc tháng 12/2014.
Cô bỏ trốn khỏi nhà sau khi xô xát với mẹ kế. Mẹ ruột Kang đã thuê những người môi giới giúp con gái vượt biên sau khi tái định cư ở Hàn Quốc hai tuần. Ngoài khát khao gặp mẹ, mơ ước được mặc quần jeans, nhuộm tóc và hẹn hò với những anh chàng Hàn Quốc đẹp trai cũng thôi thúc Kang thực hiện hành trình mạo hiểm.
Jang không chia sẻ cuộc đào tẩu của mình vì muốn kênh YouTube chỉ toàn những điều vui vẻ. Anh cho biết gia đình mình rời Triều Tiên năm 1998 để thoát khỏi nạn đói đã khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có mối tình đầu và bạn cùng bàn của anh ở thành phố đông bắc Onsong.
Trước khi vượt qua sông Đồ Môn lạnh giá, bố anh đã bảo con trai quay đầu lại nhìn đất nước mà họ sẽ không thể trở về nữa.
"Khi ngắm nhìn quê hương khoảng 5 phút, tôi đã nghĩ về cô gái ấy", Jang nói. "Tôi nghĩ rằng nếu cô ấy đến Hàn Quốc, cô ấy có lẽ sẽ không phải chết đói và có thể trở thành một YouTuber như tôi".
Anh Ngọc (Theo AP)