"Tôi từng có trải nghiệm kinh hãi khi trở thành dính bẫy nợ vì dùng thẻ tín dụng. Bao nhiêu năm không biết nợ là gì, bỗng nhiên chỉ vì tính sĩ diện, được nhân viên ngân hàng quảng cáo mà có lúc tôi mở tới bốn thẻ tín dụng ở bốn ngân hàng khác nhau. Cầm thẻ credit tôi thấy rất oai, nhưng vì thiếu hiểu biết, lại có tính sĩ diện đàn ông, nên tôi đã chi tiêu không kiểm soát, quá khả năng chi trả.
Nguy hiểm nhất là nhiều công ty biết người nào có tiền, họ đến mồi chài tôi mua hàng rồi quẹt thẻ. Vì chủ quan, hậu quả là tôi có mấy trăm triệu đồng tiền nợ ban đầu. Áp lực trả nợ hàng tháng kinh khủng, lại gặp đợt Covid-19 bùng phát nên tôi không trả đúng hạn được.
Khi đến xin ngân hàng cho giãn nợ vì lý do bất khả kháng, tôi cũng không được chấp thuận. Trả chậm thì bị tính lãi 25 %/năm, nên tôi trả mấy năm trời mới xong vì lãi mẹ đẻ lãi con".
Đó là chia sẻ của độc giả Kysungheo về trải nghiệm xương máu khi mở và dùng thẻ tín dụng một cách thiếu hiểu biết. Câu chuyện về khoản nợ từ 8 triệu đồng thành hơn 8 tỷ đồng của một khách hàng ở Việt Nam là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Những trường hợp cụ thể như vậy là những bài học đắt giá rất nên phổ biến ở Việt Nam, nơi mà thông tin và kiến thức quản lý tài chính chưa thực sự được đưa vào dạy ở nhà trường và những hành vi lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng để lừa đảo còn chưa được xử lý thích đáng.
>> Con tôi nợ ngập đầu vì bị dụ làm thẻ tín dụng
Nhấn mạnh thẻ tín dụng không có lỗi, bạn đọc Jamesnguyenga cho rằng, để tránh bẫy nợ thẻ tín dụng, quan trọng nhất vẫn là sự hiểu biết của mỗi khách hàng: "Năm 2005 tôi về Việt Nam sinh sống. Lúc đó, có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cả bộ phận lớn người dân trong xã hội kêu ca, phản đối ầm ĩ. Thế nhưng, đến giờ, tôi chẳng thấy ai phản đối đội mũ bảo hiểm nữa cả.
Cùng năm đó, chúng ta bắt đầu chuyển đổi mạnh về hình thức trả lương qua tài khoản thay vì trả tiền mặt. Cả một xã hội cũng lại kêu ầm ĩ về các bất tiện của thẻ ATM. Đến giờ, công ty nào cuối tháng còn phát ra phong bì trả lương bằng tiền mặt chủ yếu là công ty nhỏ, chậm phát triển. Người lao động cũng coi việc nhận lương qua thẻ là bình thường và ưu việt.
Năm 2007, tôi làm ngân hàng, bắt đầu mời khách mở tài khoản vãng lai, tiết kiệm có kỳ hạn. Khách hàng trăm lời phản hồi theo kiểu 'ngu gì tự nhiên tiền mình không giữ lại đưa cho người ta giữ'. Giờ thì ai cũng có vài tài khoản ngân hàng khác nhau. Và ai nói những câu giống như trên dần thành người tối cổ.
Đến giờ là câu chuyện thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, vay mua nhà, vay mua xe... cũng vậy. Tôi cho rằng, chúng ta đừng cố đi ngược văn minh của xã hội bằng cách bài xích những sản phẩm tài chính hiện đại mà các nước khác xài mấy chục năm trước rồi. Có người sẽ nói 'không xài thẻ tín dụng cũng không sao, đỡ lo dính bẫy'. Điều đó đúng, giống như bạn không đem tiền bỏ vào tài khoản tiết kiệm mà cất ở nhà cũng không sao cả. Chỉ là bạn sẽ không được hưởng những tiện ích hay ưu đãi của các sản phẩm tài chính đang phát hành mà thôi.
Còn chuyện 'bẫy nợ' thẻ tín dụng, tôi tin chẳng ngân hàng nào bẫy bạn hết. Vấn đề là bạn kiếm ít xài nhiều thì chuyện 'banh xác' là dĩ nhiên. Còn bạn kiếm nhiều xài ít thì còn có dư là khác. Có người không xài cái thẻ nào vẫn nợ đầm đìa. Có người sở hữu vài thẻ tín dụng vẫn sống khỏe về tài chính. Bạn thích mua sắm, thích khoe mẽ, thích hưởng thụ hơn số tiền kiếm được thì bạn ráng chịu hậu quả do cái bẫy của chính mình chứ không thể đổ lỗi cho cái thẻ tín dụng được".
Nhấn mạnh sự quan trọng của việc tìm hiểu kỹ trước khi mở thẻ tín dụng để không rơi vào cảnh nợ nần mất kiểm soát, độc giả Kysungheo kết lại câu chuyện của mình: "Tuyệt đối không nên dùng thẻ tín dụng trừ khi bạn hiểu rõ về nó. Về lý thuyết, nếu các ngân hàng có trách nhiệm thì khi mở thẻ cho khách phải cảnh báo kỹ càng cho họ về các rủi ro khi dùng thẻ credit, đặc biệt là lãi suất cắt cổ và nguy cơ treo lên nợ xấu CIC nếu trả chậm.
Nhưng sự thật là nhiều nhân viên ngân hàng chỉ chạy theo KPI mở thẻ cho khách, thậm chí còn cho kê khai thu nhập cao để khách mở thẻ hạn mức cao, dẫn đến những hệ lụy cho người dùng. Thế nên, hãy tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình, tránh trở thành bên yếu thế, bị thiệt thòi nếu xảy ra tranh chấp".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.