Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez trong lễ duyệt binh ở Caracas tháng 6/2017. Ảnh: Twitter. |
Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez tuần trước cho các phóng viên quốc tế nghe đoạn băng nhận tội của Oswaldo Garcia Palomo, cựu đại tá Vệ binh Quốc gia nước này. Trong đoạn băng, với giọng nói điềm tĩnh lạ thường, Garcia thừa nhận đã được người Colombia giúp vượt biên và gặp nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để bàn về kế hoạch lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro, theo Bloomberg.
Sau khi tới Colombia, Garcia đã công khai kêu gọi binh sĩ, người dân Venezuela đứng lên chống lại Tổng thống Maduro. Đến cuối tháng 1, ông ta bí mật quay về Venezuela để gây dựng phong trào nổi dậy. Nhưng Bộ trưởng Rodriguez khẳng định Garcia đã bị giám sát ngay từ lúc đặt chân lên lãnh thổ Venezuela.
Đây không phải là hình ảnh mà phe đối lập Venezuela muốn cho cả thế giới thấy. Kể từ khi chủ tịch quốc hội Juan Guaido tự nhận mình là "tổng thống lâm thời" Venezuela hôm 23/1, hơn 30 quốc gia đã theo chân Mỹ công nhận ông này và chờ đợi quân đội Venezuela quay lưng với Maduro.
Nhiều người thuộc phe đối lập Venezuela cũng như một số chính trị gia ở Mỹ dự đoán rằng chính quyền Maduro sẽ nhanh chóng sụp đổ sau khi Mỹ công khai ủng hộ kế hoạch lôi kéo quân đội Venezuela quay lưng với Tổng thống và gây sức ép buộc ông này phải từ chức. Nhưng ba tuần trôi qua, Maduro vẫn giữ vững quyền lực của mình, trong khi kế hoạch của Mỹ và Guaido ngày càng bị nghi ngờ.
"Những người ở Caracas nghĩ ra kế hoạch và thuyết phục Washington rằng một khi Guaido ra tay với sự hậu thuẫn của Mỹ cùng các nước Nam Mỹ, quân đội Venezuela sẽ đảo chiều và Maduro sẽ ra đi", WSJ ngày 13/2 dẫn lời một cựu quan chức cấp cao Mỹ. "Họ cho rằng đó sẽ là một chiến dịch chỉ kéo dài 24 giờ".
Nhưng đã không có một làn sóng đào tẩu ồ ạt trong giới sĩ quan cấp cao quân đội Venezuela như những gì Guaido và Mỹ đã tưởng tượng. Quân đội Venezuela có hơn 2.000 tướng và đô đốc, nhưng tới nay mới chỉ có một thiếu tướng không quân, người không nắm trong tay đơn vị thực binh nào, tuyên bố ủng hộ "tổng thống lâm thời" tự xưng. Guaido tuyên bố đang tiếp xúc riêng với nhiều sĩ quan cấp cao quân đội, nhưng những gì diễn ra trên thực tế khiến nhiều người hoài nghi về những lời hứa hẹn của ông này.
"Tổng thống lâm thời" tự xưng Guaido vẫn chưa thuyết phục được các tướng quân đội Venezuela đào tẩu. Ảnh: Reuters. |
Theo các chuyên gia phân tích, vụ bắt cựu đại tá Garcia cho thấy những thách thức mà Guaido phải đối mặt trong nỗ lực lôi kéo giới lãnh đạo cấp cao quân đội Venezuela. Sự thất bại của chiến dịch "đổi màu quân đội" như vậy có thể làm phá sản hoàn toàn những toan tính của phe đối lập Venezuela cũng như các chiến lược gia có quan điểm diều hâu của Mỹ.
"Lực lượng vũ trang Venezuela là một trong những tổ chức bị giám sát chặt chẽ nhất trên thế giới", Diego Moya-Ocampos, chuyên gia về rủi ro chính trị tại IHS Markit ở London, nhận định. "Các tư lệnh quân đội Venezuela hưởng lợi từ hệ thống bảo trợ phức tạp giúp họ có rất nhiều đặc quyền. Trên thực tế, Maduro đang dẫn dắt một chính phủ quân sự".
Theo tổ chức giám sát Control Ciudadano, tướng quân đội giữ 26% vị trí điều hành trong chính phủ Maduro. 9 trong 32 bộ trưởng Venezuela hiện nay có xuất thân từ quân đội, họ cũng kiểm soát những cơ quan quan trọng như Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) và lực lượng tình báo, cùng đài truyền hình nhà nước và ngân hàng.
Sau khi lời kêu gọi các tướng đào tẩu của Guaido không phát huy tác dụng, Mỹ tiếp tục gia tăng nỗ lực thuyết phục khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cam kết sẽ không trừng phạt các chỉ huy quân đội Venezuela ủng hộ Guaido. Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio thậm chí còn hứa hẹn rằng nếu bất cứ ai trong số 6 lãnh đạo cao nhất của quân đội Venezuela đào tẩu, Mỹ sẽ đảm bảo quyền miễn tố cho họ.
Nhưng các quan sát viên quốc tế cho rằng giới tướng lĩnh Venezuela không tin tưởng vào những lời hứa hẹn như vậy. Đây được coi là nguyên nhân lớn khiến phong trào nổi dậy của Guaido lâm vào tình thế bế tắc như hiện nay.
Tình thế bế tắc chính trị ở Venezuela bắt đầu dẫn tới sự mất kiên nhẫn và đổ lỗi lẫn nhau trong phe đối lập cũng như các nước ủng hộ Guaido. Một số chiến lược gia Mỹ cũng như lãnh đạo Brazil và Colombia bắt đầu tỏ ra dè chừng nhau và lo lắng về một thất bại ở Venezuela. Các quan chức mỗi nước đang thì thầm với nhau rằng các nước kia đang theo đuổi một chiến lược khác, theo bình luận viên Ethan Bronner và Andrew Rosati của Bloomberg.
Gabriel Silva, cựu đại sứ Colombia ở Washington, cho biết ông lo rằng Tổng thống Colombia Ivan Duque đã "đặt cược mọi thứ vào canh bạc lật đổ Maduro" và chính phủ nước này đã đặt quá nhiều niềm tin vào cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc thực hiện mục tiêu đó. "Thực tế cho thấy mọi thứ đang dẫm chân tại chỗ, trong khi mỗi ngày trôi qua, Maduro lại càng mạnh hơn", ông nói.
Tranh cãi nội bộ đã nổ ra trong cuộc họp giữa các quan chức Mỹ và Colombia tại Bogota tuần trước bàn về việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Venezuela. Một quan chức giấu tên tham gia cuộc họp cho biết Mỹ chi tiền cho số hàng viện trợ và muốn Colombia lo phần xe tải cùng tài xế đưa hàng vào Venezuela, nhưng đề xuất này bị từ chối thẳng thừng.
Các quan chức Colombia nói rằng chẳng tài xế nào chấp nhận làm việc đó vì họ có nguy cơ bị quân đội Venezuela bắt. Cuộc họp không đi đến giải pháp nào và số hàng viện trợ hiện vẫn nằm yên trong các nhà kho ở biên giới Colombia – Venezuela. Những cuộc họp sau đó ở thành phố biên giới Cucuta cũng có kết quả tương tự.
Phe đối lập Venezuela tìm cách phá vỡ thế bế tắc bằng cách đề xuất kế hoạch huy động người Venezuela lái xe tới biên giới để chở hàng viện trợ vào nội địa. Điều này có thể dẫn tới những cuộc đụng độ giữa quân đội Venezuela với dân thường và sẽ là một cơ hội hiếm có để tuyên truyền rằng an ninh Venezuela đàn áp người biểu tình.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng khó khả thi, bởi khu vực biên giới có rất ít dân sinh sống và phe đối lập Venezuela cũng không thể kiếm đâu ra đoàn xe tải đi chở hàng khi cả đất nước rơi vào tình trạng khan hiếm phương tiện, xăng dầu.
"Việc kêu gọi binh sĩ đứng về một tổng thống tự xưng mới toanh có thể là sai lầm nghiêm trọng", Alonso Medina, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền Venezuela, nhận định. "Cần nhớ rằng lực lượng vũ trang Venezuela đã gắn bó với đảng cầm quyền của Maduro suốt 20 năm qua, trong khi phe đối lập chỉ vừa tiếp xúc với họ".
Các tướng quân đội Venezuela thề trung thành với Maduro. Ảnh: Reuters. |
Antonio Guevara, một đại tá Venezuela lưu vong, cho biết hiện phe đối lập chưa có bất cứ hành động thực tế nào để có thể tạo ra sự chia rẽ trong quân đội Venezuela. "Bộ chỉ huy tối cao vẫn đoàn kết, những vết nứt nhỏ chưa biến thành sự đổ vỡ có thể gây nên bất ổn", ông nói. Giới sĩ quan cấp trung, lực lượng nắm thực binh trong tay, chưa chịu bất cứ tác động lớn nào.
Khi cuộc khủng hoảng chính trị rơi vào bế tắc, người dân Venezuela sẽ là đối tượng hứng chịu thiệt hại nhiều nhất. "Mọi thứ được dự đoán là sẽ diễn ra nhanh chóng và không ai tính tới Kế hoạch B", Michael Shifter, chủ tịch tổ chức tư vấn Đối thoại Liên châu Mỹ, nói. "Điều gì sẽ xảy ra nếu lệnh cấm vận của Mỹ kéo dài 6 tháng? Hậu quả sẽ rất thảm khốc với người dân Venezuela và sẽ có thêm nhiều người tị nạn tràn sang các nước Nam Mỹ khác".
Luis Vicente Leon, một chuyên gia thăm dò dư luận ở Venezuela, khẳng định Mỹ thừa sức làm nền kinh tế Venezuela sụp đổ bằng các biện pháp cấm vận, phong tỏa của mình, nhưng điều đó cũng có thể kéo theo sự tan rã của phe đối lập do Guaido dẫn dắt.
"Nhiều người không thích Maduro, nhưng họ có nguy cơ sẽ ghét lây sang phe đối lập nếu phải tiếp tục chịu đựng tình cảnh khó khăn trong thời gian dài", Leon nhận định. "Họ sẽ bắt đầu đổ lỗi cho phe đối lập vì một chiến lược khiến cuộc sống của người dân tồi tệ hơn mà vẫn không lật đổ được Maduro".