![Trực thăng và tàu vận tải đổ bộ Mỹ hoạt động ngoài khơi Peru hồi cuối năm 2018. Ảnh: US Navy.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/02/14/USS-Somerset-2-8848-1548817166-1714-1550109899.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RRJJjZfQnepCW8EiZOia_g)
Trực thăng và tàu vận tải đổ bộ Mỹ hoạt động ngoài khơi Peru hồi cuối năm 2018. Ảnh: US Navy.
"Tôi quan ngại về việc Tổng thống từng ám chỉ sử dụng vũ lực tại Venezuela. Tôi muốn nói rõ với mọi người đang theo dõi tình hình rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Venezuela không phải là một lựa chọn", Reuters ngày 13/2 dẫn phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel trong một phiên điều trần trước quốc hội.
Các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Mỹ đã lần đầu chất vấn đặc phái viên về vấn đề Venezuela Elliott Abrams liên quan đến lập trường cũng như ý định sử dụng quân đội để giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
"Ngài có nắm được thông tin nào về động thái chuyển giao vũ khí hoặc khí tài quân sự của chính phủ Mỹ cho các nhóm phản đối Maduro hay không. Tôi phải hỏi câu này bởi ngài trong quá khứ có liên quan đến các hành động như vậy", hạ nghị sĩ Joaquin Castro chủ nhấn mạnh.
Abrams, trợ lý ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, hồi năm 1991 từng bị buộc tội nói dối quốc hội về hành động viện trợ tiền và vũ khí của Nhà Trắng cho các nhóm đối lập chống lại chính phủ cánh tả ở Nicaragua. Ông sau đó được Tổng thống George H.W. Bush ân xá.
Cuộc khủng hoảng tại Venezuela leo thang sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự xưng là "tổng thống lâm thời" ngày 23/1. Trump nhanh chóng công nhận Guaido và tuyên bố sẽ cân nhắc mọi biện pháp, kể cả phương án can thiệp quân sự, để buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ chức.
Maduro lên án các động thái của Mỹ, cho rằng Washington đang tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ chế độ ở Venezuela. Maduro nhận được sự hậu thuẫn của quân đội Venezuela, các nước như Nga, Trung Quốc, Cuba cũng tuyên bố ông là tổng thống hợp pháp của quốc gia này.