Đây vốn là UAV dùng để giao hàng chứ không phải mục đích quân sự. Sau khi cho cất cánh, Mazhulenko, người có biệt danh là Raccoon, ngồi bên chiến hào theo dõi chiếc UAV qua máy tính bảng.
"Bây giờ chúng ta sẽ cố tìm kiếm họ", anh nói về quân Nga.
UAV là loại thiết bị được nhiều quân đội sử dụng. Mỹ đã triển khai máy bay không người lái trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, trong khi máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia vào năm 2020. Tuy nhiên, chúng đều là những loại vũ khí lớn và đắt tiền.
Ukraine từ lâu sử dụng UAV để cố gắng giành lợi thế khi chiến đấu chống quân ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông đất nước. Trước khi Nga mở chiến dịch hồi cuối tháng 2, quân đội Ukraine đã mua UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, loại có khả năng sát thương nhất trong kho vũ khí của nước này.
Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ và đồng minh châu Âu đã cung cấp cho Kiev nhiều UAV trinh sát và tấn công, trong đó có Switchblade, loại máy bay không người lái lao thẳng vào mục tiêu và phát nổ ngay khi phát hiện.
Ngoài sử dụng những loại UAV hiện đại được đồng minh cung cấp, Ukraine còn sử dụng những sản phẩm cỡ nhỏ được cải tạo hoặc tự chế ở các xưởng trong nước, để mang theo bom nhỏ hoặc lựu đạn. Các xưởng thử nghiệm với các vật liệu in 3-D và các nhân viên công nghệ Ukraine cố tìm những giải pháp giúp UAV tránh bị đánh chặn. Punisher, máy bay không người lái quân sự cao cấp được sản xuất tại Ukraine, có thể tấn công từ khoảng cách gần 50 km.
Đây là một phần trong nỗ lực đổi mới của quân đội Ukraine, nhằm tận dụng UAV để chống lại lợi thế hỏa lực pháo binh và xe tăng của Nga.
Tại Donbass, số lượng UAV của Ukraine dường như áp đảo phe Nga. Các máy bay không người lái gần như thay thế hoàn toàn các cuộc trinh sát của lực lượng quân đội và được sử dụng hàng ngày để chuyển đồ tiếp tế.
"Không phải lúc nào bạn cũng tìm thấy lực lượng đối phương, nhưng bạn có thể tấn công các chiến hào và thiết bị của họ", binh nhì Raccoon nói, thêm rằng chiếc UAV của anh có thể trinh sát khoảng 10 phút trước khi hết pin.
Bộ điều khiển của Raccoon phát ra tiếng bíp bíp. Lực lượng Nga đã làm nhiễu tín hiệu của chiếc UAV. Cài đặt chế độ lái tự động, thiết bị đã cố bay trở lại vị trí của Ukraine. Sau đó, Raccoon một lần nữa gửi chiếc UAV về phía phòng tuyến của Nga.
"Thôi nào, Raccoon, thả nó xuống đi", đồng đội của Raccoon thúc giục.
Một chiến hào của Nga xuất hiện trên màn hình điều khiển. Nhưng tín hiệu lại bị nhiễu. Chiếc UAV hết pin, khiến Raccoon phải điều khiển nó quay trở lại và sau đó kéo kíp nổ khỏi lựu đạn. Các chuyến bay như vậy diễn ra nhiều lần trong ngày.
"Chỉ khi có công nghệ, chúng tôi mới có thể chiến thắng", Yuri Bereza, chỉ huy đơn vị Dnipro-1 của lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, bên điều hành một xưởng chế tạo bom nhỏ cho UAV tại căn cứ ở khu vực tiền tuyến, cho hay.
UAV là một điểm sáng quan trọng đối với quân đội Ukraine. Nga có một loại máy bay không người lái trinh sát hiệu quả là Orlan-10, được sử dụng để chỉ điểm hỏa lực pháo binh vào các mục tiêu của Ukraine. Nhưng họ không có loại UAV tấn công tầm xa nào hiệu quả giống như Bayraktar.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của Raccoon không đơn giản. Chuẩn bị lựu đạn để gắn vào những chiếc UAV là công việc rất căng thẳng khi yêu cầu phải tháo chốt an toàn.
Nhiều tai nạn đã xảy ra, theo Taras Chyorny, người làm về UAV tại Kiev. Anh cho biết nhiều đồng nghiệp đã mất ngón tay khi xử lý các quả lựu đạn.
"Tốt nhất là nên làm việc này trong bầu không khí thật yên tĩnh", anh nói.
Lựu đạn sau khi xử lý sẽ được gắn vào thiết bị chuyên dùng để giao hàng. Khi phát hiện mục tiêu, các binh sĩ sẽ kích hoạt thả lựu đạn bằng cách nhấn nút bật đèn hạ cánh UAV.
Các binh sĩ Ukraine đã không ngừng cải thiện kĩ thuật của các loại máy bay không người lái và chiến thuật để tăng độ chính xác khi tấn công trong hơn 5 tháng qua.
Dronarnia, một trong những xưởng sản xuất máy bay không người lái lớn ở Kiev, đã nhận được nhiều đơn đặt hàng trực tuyến từ quân đội về các loại UAV tùy chỉnh, trong đó một số đủ lớn để thả quả bom nặng hơn 8 kg. Nhóm hoạt động dựa trên tiền quyên góp từ cộng đồng.
Frontline Care, một nhóm phi chính phủ, đã nảy ra ý tưởng bán thông điệp trên những quả bom được gắn trên máy bay không người lái Punisher. Một trang web cho phép khách hàng mua thông điệp và thanh toán bằng thẻ tín dụng. Dự án được gọi là Boomboard.
Svitlana, một quản lý văn phòng, đã nghe về trang web qua một người bạn. Khách hàng có thể quyên góp bao nhiêu tùy thích cho mỗi thông điệp, nhưng tối thiểu là khoảng 1.000 hryvnia (25 USD). Thông điệp mà Svitlana lựa chọn là "vì những đứa trẻ chưa chào đời".
Cô cho biết bản thân rất phẫn nộ khi chiến sự làm gián đoạn kế hoạch sinh con, khi chồng cô hiện phải tham gia quân đội. Quân đội Nga cũng từng kiểm soát quê hương của cô ở miền bắc Ukraine.
"Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ tài trợ cho một loại vũ khí. Tôi thực sự tin rằng dân chủ và hòa bình có thể mang lại cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng giờ tôi hiểu nếu không có vũ khí, chúng tôi không thể bảo vệ đất nước", cô nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)