Chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, máy bay không người lái (UAV) được sử dụng nhiều như trong xung đột Nga - Ukraine, khi ưu thế của cả hai lực lượng phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay cỡ nhỏ này, từ tập kích đối phương đến trinh sát, chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh.
Tuy nhiên, các phi đội UAV của cả hai phe có thể đã cạn kiệt khi chiến sự kéo dài, buộc Nga và Ukraine phải chạy đua chế tạo hoặc mua sắm các loại máy bay không người lái hiện đại mới, có khả năng chống gây nhiễu để tạo lợi thế chiến trường.
Giới chức Mỹ ngày 11/7 cáo buộc Iran đang "gấp rút cung cấp cho Nga hàng trăm UAV, bao gồm cả những loại có vũ trang". Dù một số tuyên bố về UAV của Iran vẫn còn gây ngờ vực, khả năng phát triển phi cơ không người lái hiện đại của nước này là không thể xem thường, theo Samuel Bendett, chuyên gia phân tích tại tổ chức tư vấn quân sự CNA có trụ sở ở Washington, Mỹ.
Ngoại trưởng Iran hai hôm sau tuyên bố "không hỗ trợ bên nào trong cuộc xung đột này, với niềm tin chiến sự phải được chấm dứt". Moskva chưa phản hồi về thông tin này.
Trong khi đó, nhu cầu về các mẫu UAV mới nhất của quân đội Ukraine đang rất cao. Lực lượng này đã nỗ lực cải tiến các loại UAV hiện có nhằm chống gây nhiễu tốt hơn. Quân đội nước này cũng đang phát động chiến dịch gây quỹ cộng đồng nhằm xây dựng một "Quân đoàn UAV".
"Số UAV chúng tôi cần là rất lớn", Yuri Shchygol, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ thông tin và Liên lạc đặc biệt Ukraine (SSSCIP), trả lời truyền thông ngày 13/7 về chi tiết của chi tiết của chiến dịch gây quỹ này. Ông nói mục tiêu ban đầu của chiến dịch là mua 200 UAV chuẩn NATO, song hiện yêu cầu nhiều hơn gấp 10 lần.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 11/7 thừa nhận UAV do Mỹ và các đồng minh viện trợ cho nước này liên tục bị Nga chế áp điện tử. "Chúng tôi không có phần mềm chống chế áp điện tử để giành lợi thế", ông nói với truyền thông Mỹ.
Tác chiến điện tử chuyên nhằm vào hệ thống thông tin liên lạc, định vị và dẫn đường, nhằm làm mù, đánh lừa khí tài đối phương hoặc hỗ trợ tung đòn tập kích trực tiếp. Loại hình tác chiến thầm lặng này được áp dụng để chống lại pháo binh, tiêm kích, tên lửa hành trình, UAV của đối phương cũng như bảo vệ lực lượng đồng minh.
Lục quân Nga triển khai tác chiến điện tử ngay từ ngày đầu chiến sự, nhằm vô hiệu hóa lưới phòng không hiệp đồng của Ukraine. Các hệ thống Nga đã chế áp radar và liên lạc vô tuyến, hỗ trợ chiến dịch đổ bộ chớp nhoáng bằng trực thăng vào sân bay Antonov ở thị trấn Hostomel, ngoại ô thủ đô Kiev.
Các loại UAV vũ trang của Ukraine từng gây nhiều thiệt hại cho lực lượng Nga trong giai đoạn đầu xung đột, nhưng ngày càng kém hiệu quả trong bối cảnh chiến sự tập trung ở khu vực miền đông Donbass, nơi giáp với Quân khu miền Tây của Nga và nằm trong tầm kiểm soát của những hệ thống phòng không tầm xa hiện đại như S-300, S-400, đồng thời là mặt trận mà Moskva đẩy mạnh hoạt động tác chiến điện tử.
Bayraktar TB-2, UAV thả bom dẫn đường bằng laser do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, từng thể hiện uy lực lớn trong những tuần đầu chiến sự, nhưng hiện cũng tỏ ra kém hiệu quả hơn trước năng lực tác chiến điện tử của Nga.
Lãnh đạo công ty sản xuất máy bay không người lái UA Dynamics Maksym Muzyka cho biết nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine hiện nay là UAV chỉ điểm mục tiêu giúp pháo tầm xa do phương Tây cung cấp khai hỏa chính xác.
Hồi tháng 6, Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky, cho biết Ukraine cần tới 1.000 UAV nếu muốn kết thúc chiến sự. Trong khi đó, Tổ chức nghiên cứu RUSI của Anh cho rằng Ukraine cũng rất cần các loại UAV vũ trang chuyên tìm kiếm và tiêu diệt radar đối phương.
Chuyên gia Bendett cho rằng trong cuộc đấu UAV, Nga hiện có ưu thế lớn hơn Ukraine, nhờ sở hữu nhiều loại UAV tầm xa, được thiết kế để né tránh các loại hình tác chiến điện tử.
Tuy nhiên, nguồn cung UAV tầm xa của Nga cũng dần cạn. Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov tháng trước cho biết nước này đang đẩy mạnh sản xuất UAV "mặc dù không thể thực hiện được ngay lập tức".
"Các phi đội UAV của Nga vẫn còn khả năng tác chiến, song đã cạn kiệt", chuyên gia Bendett nhận định, ước tính Nga thiệt hại ít nhất 50 UAV Orlan-10.
UAV Orlan-10 có thể hỗ trợ pháo binh Nga hiệu chỉnh đường đạn, sau đó chuyển thông tin về thiệt hại của đối phương cho sở chỉ huy theo thời gian thực.
Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng viện trợ cho Ukraine hàng trăm UAV tự sát hạng nhẹ, bao gồm loạt Switchblade (Dao bấm) chống tăng có phạm vi hoạt động 10 km, thời gian bay tối đa 40 phút và tốc độ 160 km/h. UAV này dài 60 cm, nặng 2,7 kg, tính cả hộp đựng và bệ phóng, đủ nhỏ để nhét trong ba lô, được triển khai bằng ống phóng khí nén và kích nổ đầu đạn khi lao vào mục tiêu.
Nhà Trắng cũng viện trợ cho Ukraine 121 UAV Phoenix Ghost (Bóng ma Phượng hoàng), được cho là rất phù hợp với chiến trường Donbass. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định UAV này được thiết kế chủ yếu để tấn công, nhưng cũng có thể được dùng để trinh sát hình ảnh.
Thông số kỹ thuật của loại UAV này không được tiết lộ, nhưng theo tướng không quân nghỉ hưu David Deptula, thành viên hội đồng quản trị nhà thầu quốc phòng Mỹ Aevex Aerospace, "Bóng ma Phượng hoàng" được trang bị camera hồng ngoại tác chiến ban đêm, có thể hoạt động trong 6 giờ và phá hủy các phương tiện bọc thép.
Máy bay không người lái đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại. Vai trò ngày càng tăng của UAV trên chiến trường đã tạo ra một ngành công nghiệp quân sự chuyên đối phó với loại vũ khí này.
Thiết bị tác chiến điện tử chống UAV do phương Tây cung cấp cho Ukraine có thể định vị, xác định kiểu dáng, kiểu loại UAV dựa trên tần số vô tuyến, sau đó tính toán các phương án vô hiệu hóa chúng một cách hiệu quả nhất.
Cuộc đấu UAV trên không phức tạp hơn bao giờ hết biến chiến trường Ukraine thành nơi thử nghiệm các công nghệ quân sự mới trên thế giới. "Ai cũng muốn UAV, UAV đặc biệt, UAV chống nhiễu, hay bất cứ thứ gì khác liên quan", Thorsten Chmielus, lãnh đạo Aaronia, công ty công nghệ quân sự Đức từng hỗ trợ Ukraine, cho biết. "Rồi chúng ta sẽ chứng kiến hàng triệu UAV không thể bị đánh bại".
Đức Trung (Theo AP, RT, Drive, Reuters)