Hàn Quốc đang đặt mua thêm nhiều chiến đấu cơ và tổ hợp tên lửa mới, đồng thời cân nhắc việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân, dù nỗ lực theo đuổi hòa bình của nước này đã đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ.
Giới quan sát đánh giá động thái này là một phần trong nỗ lực của Hàn Quốc nhằm xây dựng lực lượng đủ sức đối phó với Triều Tiên, bảo đảm khả năng tự phòng thủ trong trường hợp Mỹ rút quân khỏi bán đảo, theo WSJ.
Trọng tâm của nỗ lực nâng cấp là không quân và hải quân, những lực lượng vốn được xem là có vai trò kém quan trọng hơn lục quân khi đối đầu với cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Hàn Quốc đang thay thế phi đội tiêm kích F-4 và F-5 lạc hậu bằng máy bay tàng hình F-35A, loại chiến đấu cơ có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược dưới lòng đất. Nước này dự kiến nhận lô tiêm kích F-35A đầu tiên vào năm sau.
"Khả năng tàng hình và tấn công mặt đất chính xác của F-35A rất thích hợp với nhiệm vụ đánh phủ đầu tên lửa đạn đạo và trung tâm chỉ huy của Triều Tiên khi nổ ra chiến tranh", Eric Gomez, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện Cato, Mỹ, nhận định.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đã thúc đẩy việc mua phi đội F-35A bằng cam kết trang bị tên lửa không đối đất Taurus KEPD 350, được thiết kế để diệt mục tiêu kiên cố dưới lòng đất, cho chiến đấu cơ này.
Tàu ngầm hạt nhân cũng nằm trong chiến lược hiện đại hóa hải quân, nhằm đối phó tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Seoul đã thuê chuyên gia đánh giá tính khả thi của việc mua sắm này. Hải quân Hàn Quốc cũng tỏ ý quan tâm tới một mẫu tàu sân bay hạng nhẹ để bảo vệ các tuyến hàng hải, nhưng chưa có kế hoạch mua sắm chính thức.
Động thái tăng cường tiềm lực quân sự của Hàn Quốc còn phục vụ mục đích giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phản đối việc Washington phải gánh nhiều chi phí cho liên minh quân sự ở nước ngoài và tuyên bố ngừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore.
Tổng thống Hàn Quốc từng tìm cách xoa dịu Trump bằng cam kết mua thêm vũ khí của Mỹ, cũng như tìm cách ngăn Mỹ rút quân khỏi nước này. Tuy nhiên, hoạt động tăng cường tiềm lực quân sự của Seoul vẫn gây chú ý, khiến truyền thông Triều Tiên nhiều lần chỉ trích nước này.
Nỗ lực mua sắm khí tài hiện đại của Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn cuối, trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong vòng 2,5 năm tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo còn rất nhiều việc phải làm trước khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Tổng thống Trump tuyên bố Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải chịu chi phí hỗ trợ Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Duy Sơn