Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6. Video: White House.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, thậm chí tỏ ý muốn rút 28.500 binh sĩ đồn trú tại nước này về nước.
Giới chuyên gia cho rằng động thái này đã gióng lên hồi chuông báo động ở Lầu Năm Góc, quốc hội Mỹ và các đồng minh ở châu Á về việc Nhà Trắng có thể đơn phương và đột ngột từ bỏ cam kết an ninh trong khu vực ngay cả khi chưa có sự nhượng bộ chắc chắn từ Bình Nhưỡng, theo LA Times.
Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết quyết định dừng tập trận chung với Hàn Quốc là động thái nhằm xây dựng lòng tin với Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng tiến tới đàm phán loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, quyết định được Trump đưa ra một cách đột ngột mà không báo trước với Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược phòng thủ của Mỹ ở Đông Á, gây mâu thuẫn với tuyên bố khẳng định tập trận chỉ nhằm mục đích răn đe Triều Tiên trong hàng chục năm qua.
Điều khiến đồng minh và nghị sĩ Mỹ lo ngại hơn cả là Tổng thống Trump nói những cuộc tập trận với Hàn Quốc "mang tính khiêu khích", cụm từ Triều Tiên hay dùng từ trước tới nay. "Đây là nhượng bộ đáng kể của Mỹ trước các quan ngại an ninh của Triều Tiên", Alison Evans, chuyên gia phân tích tại tổ chức an ninh IHS Markit, đánh giá.
Quyết định này của Trump nhanh chóng bị chỉ trích là sự nhượng bộ đơn phương trước quốc gia duy trì đội quân thường trực lớn nhất thế giới.
"Các cuộc tập trận đã gửi tín hiệu quan trọng trong nhiều năm qua, đó là Mỹ luôn ủng hộ các đồng minh trong khu vực. Tôi lo ngại rằng Tổng thống đã nhượng bộ Triều Tiên khi đối phương chưa có hành động tương tự", thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein nói. Thượng nghị sĩ David Perdue, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho biết ông "rất bối rối và ngạc nhiên" khi nghe tuyên bố của Trump.
Các cuộc tập trận thường niên được Mỹ tổ chức ở Hàn Quốc từ năm 1976, nhằm chuẩn bị cho kịch bản Triều Tiên tấn công nước này.
Quan chức Lầu Năm Góc lâu nay tin rằng các cuộc tập trận quy mô lớn sẽ giúp răn đe Triều Tiên, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Trong năm nay, đã có 4 cuộc tập trận được tổ chức trong tháng 4 và 5, với sự tham gia của hàng chục nghìn lính Mỹ và hàng trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc.
"Việc Washington dừng hoạt động này khi chưa nhận được sự nhượng bộ tương xứng từ Bình Nhưỡng khiến việc đạt thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên càng khó khăn hơn", Michael Green, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), nhận định.
Động thái này sẽ khiến Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mất đi đòn bẩy trong các cuộc đàm phán sắp tới, cũng như khiến Nga và Trung Quốc vui mừng vì hai nước này luôn tuyên bố tập trận chung Mỹ - Hàn là hành động diễn tập xâm lược.
Tuyên bố của Trump rõ ràng khiến các chỉ huy quân đội và quan chức Mỹ ngạc nhiên. "Cả hai đồng minh đều lo ngại rằng Tổng thống Trump không thực sự coi trọng cam kết và quan hệ liên minh. Họ đang chứng kiến các vấn đề nội bộ trở thành công cụ để Mỹ mặc cả với Triều Tiên", Victor Cha, cựu cố vấn an ninh dưới thời chính quyền George W. Bush, nêu quan điểm.
Các lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết chưa nhận được chỉ thị mới về việc tiến hành hoặc chấm dứt các cuộc tập trận, khẳng định sẽ duy trì tình trạng hiện tại cho đến khi nhận được mệnh lệnh mới.
Chuyên gia Green cho rằng việc Tổng thống Mỹ tiết lộ các kế hoạch quân sự với đối thủ trước khi thông báo cho các đồng minh là động thái "gây sửng sốt" và "chưa có tiền lệ".
Các quan chức Nhật Bản đặc biệt lo ngại Trump có thể đem những yếu tố then chốt trong chiến lược an ninh Mỹ ở Đông Bắc Á ra mặc cả với Triều Tiên, khiến lãnh thổ nước này dễ bị tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng tấn công.
Dù ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in cũng không đề cập đến quyết định dừng tập trận trong tuyên bố hoan nghênh kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Giới chính trị bảo thủ của Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ coi động thái này là bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng hy sinh các trụ cột lâu đời của liên minh Mỹ - Hàn để theo đuổi thỏa thuận với Kim Jong-un.
"Toàn bộ tiến trình này chỉ thành công nếu Hàn Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau. Tuyên bố của Tổng thống Trump không phải dấu hiệu tích cực nhưng cũng không phải là sai lầm chết người, vì mọi thứ có thể đảo ngược", Thomas Countryman, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đánh giá.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ dừng hoạt động quân sự với Hàn Quốc để thúc đẩy thỏa thuận với Triều Tiên. Năm 1992, chính quyền tổng thống George H.W. Bush đã hủy tập trận để Triều Tiên hợp tác trong vấn đề thanh sát hạt nhân. Chính quyền cựu tổng thống Bill Clinton cũng có hành động tương tự trong giai đoạn 1994-1996, nhưng đã nối lại việc tập trận trong năm 1997 khi căng thẳng với Triều Tiên gia tăng.
"Việc lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore đã đem lại thắng lợi to lớn về mặt tuyên truyền cho Bình Nhưỡng, trong khi Washington dừng các cuộc tập trận chung mà không nhận lấy bất kỳ nhượng bộ mới nào", Abraham Denmark, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Obama, nhận xét.
Duy Sơn