Trong chuyến thăm hai ngày tới Sri Lanka hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã ghé thăm cảng nước sâu Hambantota, vốn là một tiền đồn then chốt trong sáng kiến Vành đai và Con Đường của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Nhật đến Sri Lanka, dấu hiệu cho thấy Tokyo đang muốn tăng cường ảnh hưởng hơn nữa ở Ấn Độ Dương, khu vực đang chứng kiến sự ganh đua ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc khu vực, theo Asian Review.
Trước đó, một phái đoàn quan chức ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản cũng từng tới thị sát Hambantota vào tháng 8, bốn tháng sau khi tàu khu trục Akebono của Tokyo lần đầu tiên thả neo tại cảng chiến lược bên bờ Ấn Độ Dương này.
Theo giới quan sát quốc tế, mối quan tâm sát sao của Nhật đến cảng Hambantota cho thấy Tokyo đang nỗ lực thúc đẩy "chính sách biển tự do và cởi mở", kêu gọi thiết lập lập hệ thống hàng hải dựa trên luật lệ nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực. "Sri Lanka là một quốc gia biển rất quan trọng và trấn giữ vị trí trọng yếu tại Ấn Độ Dương", một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định.
Công ty China Merchant Port Holdings (CMPH) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hồi tháng 12/2017 đã đạt được hợp đồng thuê cảng Hambantota trong 99 năm thông qua một khoản trao đổi trị giá 1,12 tỷ USD nhằm giảm nợ cho Sri Lanka.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ hồi tuần trước cảnh báo về động thái của Trung Quốc tại Hambantota, cho rằng đây là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy sáng kiến Vành đai và Con đường chỉ là công cụ để Bắc Kinh dùng sức mạnh tài chính nhằm thâu tóm ảnh hưởng và hướng tới kiểm soát toàn bộ Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, giới ngoại giao Trung Quốc ở Colombo cho rằng những chỉ trích này là vô căn cứ bởi hợp đồng thuê cảng quy định rõ quyền quyết định cho các tàu chiến nước ngoài neo đậu thuộc về chính phủ Sri Lanka chứ không phải công ty sở hữu.
"Chính phủ, các đảng đối lập và hải quân Sri Lanka đã tuyên bố rằng Hambantota sẽ không bao giờ được sử dụng với mục đích quân sự. Đây chỉ đơn thuần là cảng thương mại", Tham tán chính trị tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Sri Lanka Luo Chong nhấn mạnh.
Giới ngoại giao phương Tây ở Sri Lanka cho rằng Nhật đang tìm mọi cách để bảo vệ một tuyến hàng hải nhộn nhịp, nơi có hơn 60.000 tàu thuyền đi qua hàng năm.
"Nhật cũng cần nhiều tuyến hàng hải như Trung Quốc và đang nỗ lực khai thác lợi thế vượt trội mà họ đã dày công gây dựng tại Sri Lanka. Để kiềm chế Trung Quốc tại Sri Lanka, Mỹ nên trông cậy vào Nhật hơn là Ấn Độ bởi người Sri Lanka tin tưởng Nhật chứ không tin Ấn Độ", một nguồn tin ngoại giao Mỹ khẳng định.
Lưu lượng hàng hóa do các công ty Nhật Bản vận chuyển qua Hambantota gia tăng nhanh chóng kể từ khi Trung Quốc tiếp quản cảng. "Phần lớn công việc kinh doanh của chúng tôi có được là nhờ các công ty vận tải Nhật. Những công ty này đang dẫn đầu về khối lượng và tần suất trung chuyển", giám đốc điều hành CMPH khẳng định.
Ngoài ra, Onodera cũng đến thăm cảng Trincomalee, cảng biển tự nhiên sâu thứ hai thế giới và có giá trị chiến lược cao ở đông bắc Sri Lanka. Thực tế này cho thấy Nhật đang nỗ lực cạnh tranh với Ấn Độ và Singapore để biến Trincomalee trở thành cảng đối trọng với Trung Quốc tại khu vực.