![Khinh hạm Type-053H3 trong biên chế hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/07/30/Type-053H3-5813-1532940015.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XWqQL6WyL9O5f_I9xd08Eg)
Khinh hạm Type-053H3 trong biên chế hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Thượng tá Xu Jianwei, tùy viên quân sự Trung Quốc ở thủ đô Colombo của Sri Lanka, cho biết trong năm nay Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp các khóa huấn luyện và chuẩn bị tặng quân đội Sri Lanka một chiếc khinh hạm. Giới phân tích đánh giá động thái này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn cạnh tranh với Ấn Độ tại khu vực Nam Á, theo Business Insider.
"Việc Trung Quốc viện trợ cho Sri Lanka trong cuộc chiến với lực lượng Những con hổ Giải phóng Tamil cuối thập niên 2000 đã mở ra cánh cửa giúp họ mở rộng đầu tư, tăng cường sức ảnh hưởng ở quốc gia này", Jeff Smith, học giả chuyên nghiên cứu về Nam Á tại quỹ Heritage, nhận định.
Sau khi Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự trực tiếp cho Sri Lanka năm 2007, Trung Quốc lập thức thể hiện sự ủng hộ với nước này tại Liên Hợp Quốc và cung cấp nhiều khí tài quan trọng như 6 tiêm kích F-7. Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, người nắm quyền trong giai đoạn 2005-2015, đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đạt thỏa thuận nhận 2,2 tỷ USD viện trợ công nghệ quốc phòng và huấn luyện quân sự năm 2013.
Tuy nhiên, các thỏa thuận với Trung Quốc lại khiến Rajapaksa hứng chịu nhiều chỉ trích và khiến ông thua trong cuộc bầu cử năm 2016 trước đối thủ Maithripala Sirisena. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Sirisena đã đình chỉ hầu hết các dự án do người tiền nhiệm phê duyệt. Tuy nhiên, chính phủ của ông vẫn chịu nhiều khoản nợ của Trung Quốc, buộc Colombo phải cấp phép cho một số dự án và duy trì mua sắm thiết bị quân sự từ Bắc Kinh.
"Việc Trung Quốc tặng khinh hạm không có gì ngạc nhiên. Động thái này có thể được xem là nỗ lực giành sự ủng hộ từ chính phủ và quân đội Sri Lanka. Bắc Kinh gần đây còn 'tặng' 295 triệu USD cho Tổng thống Sirisena để đầu tư vào các dự án ông lựa chọn, nhưng vẫn duy trì quan hệ mật thiết với phe đối lập", Smith đánh giá.
Theo Smith, đây là hành động bình thường tại khu vực Nam Á. Ấn Độ cũng từng tặng khí tài quân sự như trực thăng tấn công Mi-25 và một số tàu tuần tra cho các nước láng giềng. Hồi đầu năm, chính phủ Ấn Độ từng gây bất ngờ khi đề xuất lập danh sách trang thiết bị lạc hậu để tân trang trước khi bàn giao cho "các quốc gia bạn bè".
![Trực thăng Mi-25 được Ấn Độ tặng Afghanistan năm 2015. Ảnh: IHS Janes.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/07/30/India-Mi-25-1-8478-1532940015.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LWfn2SsmrmMGbt-4pJyh9A)
Trực thăng Mi-25 được Ấn Độ tặng Afghanistan năm 2015. Ảnh: IHS Jane's.
Sự hiện hiện của Trung Quốc ở Sri Lanka có thể khiến Ấn Độ lo ngại. Sri Lanka đã cho phép một tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo năm 2014, bất chấp sự quan ngại của Ấn Độ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 5/2017, Sri Lanka cho biết đã từ chối yêu cầu ghé thăm cảng của tàu ngầm Trung Quốc.
Do chịu áp lực thanh toán nợ từ thời chính quyền Rajapaksa, cuối năm 2017, Sri Lanka chấp thuận để Trung Quốc kiểm soát cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm. Điều này khiến New Delhi lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại đây.
"Chính phủ Sri Lanka tuyên bố không cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự nhiều hơn ở nước này. Tuy nhiên, toan tính trên có thể thay đổi nếu ông Rajapaksas, một người có xu hướng thân Trung Quốc, trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử năm sau. Sri Lanka sẽ phải rất thận trọng trước phản ứng dữ dội từ Ấn Độ", Smith đánh giá.
Ngoài Sri Lanka, Trung Quốc cũng có tham vọng giành ưu thế trước Ấn Độ ở nước láng giềng Bhutan. Trong chuyến thăm ba ngày tới nước này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyền Hựu đã đề cao quan hệ hữu nghị, tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Bhutan.
"Việc tặng quà cho Sri Lanka và những lời tốt đẹp với Bhutan cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng, sự hiện diện ở Nam Á và Ấn Độ Dương, sẵn sàng cạnh tranh với Ấn Độ", chuyên gia Smith nhấn mạnh.
Duy Sơn