Căng thẳng ngoại giao đã kết thúc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều 20/5, nói rằng cuộc giao tranh dữ dội giữa Israel với Hamas sắp chấm dứt.
Nhưng Biden vẫn cảnh giác ngay cả sau cuộc điện thoại đó. Đội ngũ phụ tá của ông lập luận rằng mọi thứ vẫn có thể diễn ra theo chiều ngược lại trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Với tâm lý lo lắng đó, các trợ lý Nhà Trắng gọi điện cho các quan chức ở Tel Aviv và Cairo, hỏi xem liệu họ có thực sự đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay không. Cả Mỹ và Israel đều lo ngại rằng sẽ lại có một loạt rocket của Hamas phá hủy thỏa thuận do Ai Cập làm trung gian.
Netanyahu sau đó lại gọi điện, cuộc gọi thứ hai của ông với Biden trong vài giờ. Thủ tướng Israel trấn an Tổng thống Mỹ rằng cuộc chiến 11 ngày thực sự sẽ dừng lại.
Cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn đầu tiên Biden đối mặt đã giảm nhiệt. Ông đã xử lý nó chủ yếu bằng cách tránh ống kính máy quay và tiến hành nỗ lực hậu trường.
Ngày 20/5, Tổng thống đứng trước các phóng viên tại Nhà Trắng, mô tả "các cuộc thảo luận cấp cao chuyên sâu, liên tục trong nhiều giờ" giữa Mỹ với Israel, Ai Cập, chính quyền Palestine và các nước Trung Đông khác đã dẫn đến lệnh ngừng bắn.
Các cuộc điện đàm giữa Biden và Netanyahu chỉ là một phần nhỏ trong chính sách ngoại giao con thoi mà Nhà Trắng đã tiến hành để chấm dứt khủng hoảng. Tổng thống và các trợ lý cấp cao đã thực hiện hơn 80 cuộc nói chuyện, qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp, để tìm kiếm hồi kết cho cuộc giao tranh.
Bài phát biểu chào mừng lệnh ngừng bắn của Biden chỉ kéo dài 3,5 phút, được phát đúng vào giờ các bản tin buổi tối. Ông nhắc lại niềm tin của mình rằng Israel có quyền tự vệ, chia buồn với những thường dân Palestine đã thiệt mạng và hứa sẽ viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Cuộc khủng hoảng đến vào thời điểm không dễ chịu với Biden, khi ông mới bắt đầu nhiệm kỳ, đang bận bịu chống dịch và khắc phục hậu quả kinh tế. Xung đột cũng bộc lộ rạn nứt giữa Biden và các thành viên trong đảng của mình. Biden, người có gần 50 năm hoạt động chính trường, đã luôn ủng hộ mạnh mẽ Israel. Tuy nhiên, nội bộ đảng Dân chủ ngày càng có nhiều tiếng nói trái chiều về con đường đúng đắn dẫn đến hòa bình giữa Israel và Palestine. Trong khi đó, đảng viên Cộng hòa đều háo hức sử dụng tình trạng bạo lực để chỉ trích Biden.
Biden đã cố tránh bình luận công khai về các cuộc không kích của Israel vào dải Gaza khi xung đột bùng phát. Nhưng trong những ngày qua, ông đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các đảng viên Dân chủ cấp tiến, thôi thúc ông lên tiếng chống lại Israel khi số người chết tăng lên ở Gaza và hàng chục nghìn người Palestine phải rời bỏ nhà cửa vì các cuộc không kích.
Thông báo ngừng bắn được đưa ra sau khi Biden hôm 19/5 tăng cường áp lực với Netanyahu, nói với Thủ tướng Israel trong một cuộc điện đàm rằng ông mong đợi "xuống thang căng thẳng đáng kể" vào ngay ngày hôm đó. Nhưng Thủ tướng Israel ngay lập tức tuyên bố rằng ông quyết tâm tiếp tục chiến dịch ở Gaza cho đến khi đạt được mục tiêu.
Mặc dù bình luận của Netanyahu cho thấy ông từ chối lời kêu gọi xuống thang căng thẳng của Biden, các cố vấn của Tổng thống Mỹ không quá lo lắng, theo một quan chức giấu tên.
Các quan chức Mỹ tin Netanyahu không muốn ra hiệu trước cho Hamas rằng ông đã sẵn sàng chấp nhận các điều khoản để chấm dứt bạo lực. Lãnh đạo Israel cũng muốn tỏ ra mạnh mẽ trước người dân trong nước, khi cuộc sống của họ bị xáo trộn bởi loạt rocket từ Gaza.
Nhưng áp lực đè nặng lên Biden và ông phải khiến Netanyahu hiểu điều đó. Hôm 18/5, khi Biden đến Michigan để thăm cơ sở của hãng xe Ford, nghị sĩ đảng Dân chủ Rashida Tlaib đã nói chuyện với Biden trên đường băng, kêu gọi ông mạnh mẽ phản đối các cuộc tấn công của Israel. Cũng trong tuần này, thượng nghị sĩ Bernie Sanders và nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez đã đưa ra các nghị quyết chặn thỏa thuận bán vũ khí trị giá 735 triệu USD cho Israel mà chính quyền Biden đã thông qua.
Trong những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng, khi Hamas dội hàng trăm quả rocket vào Israel, các cố vấn của Biden đã kết luận rằng lời kêu gọi Israel kiềm chế của Tổng thống sẽ không thành công. Đồng thời, trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, nhiều người tại Nhà Trắng lo lắng sâu sắc rằng cuộc giao tranh có thể kéo dài vài tháng.
Khi ngày càng có nhiều người thúc giục Biden lên tiếng mạnh mẽ hơn, Tổng thống và các trợ lý hàng đầu đã thuyết phục riêng các quan chức Israel.
Biden và Netanyahu quen biết nhau hơn 30 năm và thường xuyên bất đồng quan điểm. Họ liên tục thăm dò lẫn nhau trong suốt cuộc khủng hoảng, khi cố gắng tìm ra phương hướng xử lý.
Các quan chức Nhà Trắng chỉ ra một số bằng chứng cho thấy những nỗ lực ngoại giao hậu trường của Biden hiệu quả: Cuộc chiến Israel - Hamas mới nhất, khiến ít nhất 230 người ở Gaza và 12 người ở Israel thiệt mạng, ngắn hơn và ít đổ máu hơn so với một số đợt bùng phát bạo lực lớn gần đây trong khu vực.
Trong phát biểu ngắn gọn về lệnh ngừng bắn, Biden nhấn mạnh rằng nếu không có Vòm Sắt, hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và Israel cùng phát triển, số người thiệt mạng ở Israel sẽ cao hơn nhiều. Hệ thống được thiết kế để đánh chặn, phá hủy rocket tầm ngắn và đạn cối. Biden đảm bảo với Netanyahu rằng chính quyền của ông sẽ bổ sung thêm tên lửa cho hệ thống Vòm Sắt.
Ông cũng cam kết viện trợ nhân đạo sẽ nhanh chóng được chuyển cho chính quyền Palestine, bên đang kiểm soát Bờ Tây chứ không phải Gaza. "Chúng tôi sẽ thực hiện điều này với sự hợp tác từ chính quyền Palestine, không phải Hamas, theo cách không để Hamas tái trang bị kho vũ khí quân sự", Biden nói.
Biden kết thúc bài phát biểu với phát ngôn đầy hy vọng: "Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội thực sự để đạt được tiến bộ và tôi cam kết nỗ lực vì điều đó".
Phương Vũ (Theo AP)