Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4/4 chỉ trích gay gắt Nga, khi cho rằng nước này đưa ra những lời lẽ "kỳ quái và đe dọa" liên quan đến nội dung cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu với người đồng cấp Nga Sergey Shoigu.
Theo thông cáo của Pháp, cuộc điện đàm chỉ tập trung vào tăng cường trao đổi giữa hai nước để chống chủ nghĩa khủng bố. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga lại ra thông cáo khác hẳn, cho hay hai bên đã thảo luận về các cuộc đàm phán tiềm năng đối với vấn đề Ukraine, đồng thời ám chỉ Paris có liên quan vụ khủng bố nhà hát Crocus ở ngoại ô Moskva, khi ông Shoigu "hy vọng cơ quan mật vụ Pháp không đứng sau cuộc tấn công".
"Phát biểu cho rằng Pháp và người Ukraine có thể đứng sau vụ tấn công là vô nghĩa và không phù hợp với thực tế", ông Macron nói. "Nhưng đó là cách Nga thao túng thông tin, một công cụ trong kho vũ khí của họ".
Giới quan sát cho rằng đây là một trong những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Pháp đang thay đổi quan điểm theo chiều hướng cứng rắn hơn với Nga và cũng đang tìm cách thuyết phục các lãnh đạo châu Âu có chung góc nhìn này.
Ông Macron hồi tháng 2 bí mật điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để đặt nền móng cho hội nghị cấp cao ở Paris mà ông hy vọng sẽ làm thay đổi chiến lược của phương Tây trước Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo các quan chức am hiểu vấn đề, ông Macron đã nói với các lãnh đạo phương Tây rằng họ nên áp dụng quan điểm chiến lược mơ hồ trước Nga và để tất cả lựa chọn quân sự trên bàn cân.
Ý tưởng này hoàn toàn thoát khỏi lập trường mà chính quyền Biden đã duy trì kể từ khi giao tranh nổ ra. Cách tiếp cận của Washington đã được điều chỉnh để tránh những hành động có thể khiêu khích Moskva và làm leo thang xung đột. Nhưng Tổng thống Macron muốn phương Tây ngừng nói về những giới hạn can dự, cái được gọi là "lằn ranh đỏ", và thay vào đó, khiến Điện Kremlin luôn phải cảnh giác.
Các quan chức cho biết Tổng thống Biden tỏ ra hoài nghi về việc phải thay đổi chiến lược, lo ngại điều này có thể dẫn đến căng thẳng với Nga leo thang ngoài tầm kiểm soát. Thủ tướng Scholz cũng phản đối, cho rằng nó có thể gây chia rẽ đồng minh và biến các thành viên NATO thành một bên trong cuộc xung đột.
Khi hội nghị của khoảng 20 lãnh đạo châu Âu diễn ra hồi tháng 2 tại Paris, Tổng thống Pháp đã vấp phải phản đối quyết liệt hơn từ Thủ tướng Scholz và những người khác. Mỹ đã cử James O'Brien, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu, dự hội nghị để thúc đẩy một cách tiếp cận mới.
Tuy nhiên, vào cuối sự kiện, ông Macron đã khiến tất cả đồng minh choáng váng khi phát biểu tại họp báo rằng không nên loại trừ phương án quân sự, thậm chí cả việc triển khai quân đội từ các nước NATO đến Ukraine.
Theo giới quan sát, Tổng thống Macron đã thay đổi hình ảnh từ "chim bồ câu thành đại bàng" trong nỗ lực thách thức Nga. Khi Nga tập trung hàng trăm nghìn quân ở biên giới Ukraine hồi đầu năm 2022, ông Macron đã đến Moskva gặp Tổng thống Vladimir Putin để tìm cách "tháo ngòi nổ" xung đột.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự, ông thường xuyên gọi điện cho Tổng thống Putin để cố gắng thuyết phục người đồng cấp Nga ngồi vào bàn đàm phán, bất chấp sự hoài nghi của các lãnh đạo châu Âu khác. Ông vẫn ủng hộ nhiệt thành nỗ lực đối thoại với Tổng thống Putin và cảnh báo rằng các đồng minh "không được làm bẽ mặt Nga".
"Mỗi lần ngài cố gắng thương lượng, ông Putin lại tỏ ra cứng rắn hơn", Thủ tướng Anh lúc bấy giờ Boris Johnson nói qua điện thoại với Tổng thống Pháp sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở Ukraine, mở đầu cho chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022.
"Tôi nghĩ chúng ta đã đúng khi đàm phán", ông Macron trả lời lãnh đạo Anh. "Hãy cùng nhau làm rõ: Không ai trong chúng ta sẵn sàng tới Ukraine hay gửi quân đến Ukraine".
Cách tiếp cận ngoại giao này của Tổng thống Macron bắt đầu mất dần khi xung đột ngày càng căng thẳng. Ông và người đồng cấp Nga ngừng nói chuyện qua điện thoại và bắt đầu chỉ trích nhau công khai.
Tháng 5/2023, Macron tới Bratislava, Slovakia, nơi ông kêu gọi phương Tây cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tổng thống Pháp, người từng nổi tiếng với tuyên bố NATO đã "chết não" vào năm 2019, giờ đây nói rằng Nga "đã khiến liên minh quay trở lại bằng cú sốc điện tồi tệ nhất".
Ông Macron cũng bắt đầu thúc đẩy phương Tây cứng rắn hơn với Moskva. Ông là người sớm ủng hộ Ukraine gia nhập NATO cũng như Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng là trung tâm của một loạt chính sách ngoại giao nhằm tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, cùng với Anh gửi tên lửa hành trình đến Kiev.
Ở hậu trường, các quan chức Pháp nhấn mạnh Tổng thống Macron không tìm cách đưa quân tới Ukraine để chiến đấu. Thay vào đó, họ đã đề nghị các nước NATO xem xét việc triển khai nhân sự ở đó để huấn luyện quân đội Ukraine và rà phá bom mìn.
Giới chức Mỹ đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng gửi quân đến Ukraine, kể cả trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden hôm 7/3.
Đối với ông Macron, cuộc xung đột Ukraine là phép thử khả năng tồn tại của châu Âu trong một thế giới mà các đảm bảo an ninh từ Mỹ ngày càng trở nên bấp bênh.
Lãnh đạo Pháp từ lâu đã lo ngại rằng các nước châu Âu có nguy cơ trở nên phụ thuộc vào Mỹ nếu họ không phát triển năng lực quân sự của riêng mình. Các đồng minh thường chế giễu lập trường đó là nỗ lực sai lầm.
Giờ đây, ông Macron đang tiếp tục kêu gọi châu Âu chú ý đến điều mà nhiều quan chức khu vực cũng bắt đầu lo lắng, rằng mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ có nguy cơ rạn nứt.
Với việc cựu tổng thống Donald Trump có khả năng tái đắc cử vào tháng 11, giới chức châu Âu cũng không khỏi lo ngại về việc Mỹ sẽ một lần nữa hướng tới chủ nghĩa biệt lập. Châu Âu đã quen với cuộc sống hòa bình sau Chiến tranh Lạnh và những mô hình xã hội hào phóng mà nó tạo ra. Các chính phủ châu Âu chưa chuẩn bị cho người dân chấp nhận những hy sinh nếu phải bước vào nền kinh tế thời chiến.
Những tuần gần đây, ông Macron bắt đầu vẽ nên một viễn cảnh đen tối để chuẩn bị cho công chúng Pháp về khả năng xảy ra những cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Nga, đồng thời cảnh báo rằng nếu Ukraine thất thủ, loạt nước Trung và Đông Âu sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.
"Chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine? Một cuộc đấu tranh mang tính sống còn đối với châu Âu và nước Pháp", Tổng thống Macron nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. "Bởi vì nếu Nga thắng, cuộc sống của người Pháp sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không còn an ninh ở châu Âu nữa".
Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy thay đổi chiến lược của Macron có nguy cơ chia rẽ chính các đồng minh mà lãnh đạo Pháp đang tìm cách đoàn kết. Washington, Berlin và nhiều nước khác trên khắp Tây Âu đã nhanh chóng tuyên bố họ không sẵn lòng gửi quân tới Ukraine sau phát biểu của ông hồi tháng hai.
Nga đang tận dụng mối chia rẽ này. Một bản ghi nhớ nội bộ của Điện Kremlin mà báo Wall Street Journal công bố cho thấy Nga có kế hoạch triển khai một chiến dịch nhằm khuếch đại rạn nứt bên trong châu Âu bắt nguồn từ lập trường của Tổng thống Macron và làm suy yếu ủng hộ đối với Ukraine. Bản ghi nhớ nói rằng chiến dịch này nên mô tả lãnh đạo Pháp như một "người phiêu lưu" có thể thổi bùng đối đầu quân sự giữa phương Tây và Nga.
Sau khi Tổng thống Macron phải hứng chịu làn sóng chỉ trích ban đầu, động lực ủng hộ cho ý tưởng của ông đang ngày càng gia tăng ở các nước châu Âu giáp Ukraine và Nga. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski hồi đầu tháng ba tuyên bố khả năng triển khai lực lượng NATO đến Ukraine "không phải điều không tưởng".
Kestutis Budrys, cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của Tổng thống Litva, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông ủng hộ việc giữ các lựa chọn quân sự trên bàn thảo luận như Tổng thống Macron gợi ý.
Theo ông, khi công khai tuyên bố về "lằn ranh đỏ" của mình, phương Tây đã gửi cho Nga một thông tin chiến lược quan trọng. Điện Kremlin có thể thoải mái hành động vì họ biết các quốc gia đồng minh với Ukraine nhìn nhận cuộc xung đột như thế nào và họ "sẵn sàng làm những gì", Budrys nói.
Kalev Stoicescu, chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Estonia, cho hay phương Tây đang tạo lợi thế cho Nga bằng cách thảo luận công khai về "lằn ranh đỏ". "Đây là một cuộc chiến tâm lý", ông nhấn mạnh.
Sau thời gian co về phòng thủ, lực lượng Nga đang tấn công trở lại và đạt được nhiều bước tiến, khi Ukraine đối mặt tình trạng cạn kiệt nhân lực lẫn đạn dược do bị giảm nguồn viện trợ từ phương Tây.
Pháp, theo chân Anh và Đức, đã ký hiệp ước an ninh song phương kéo dài 10 năm với Ukraine, trong đó Paris cam kết viện trợ quân sự bổ sung lên tới 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã quá muộn.
Hồi tháng hai, thành phố Avdeevka ở miền đông Ukraine thất thủ trước Nga, đánh dấu thắng lợi đầu tiên của Moskva sau nhiều tháng.
Đối với Tổng thống Macron, việc phương Tây tập trung vào nỗ lực tránh leo thang bằng cách công khai đặt ra "lằn ranh đỏ" cho khả năng tham gia vào cuộc xung đột đã phản tác dụng. Ông nói với các nhà lập pháp rằng chiến lược này khiến phương Tây bị trói tay và giúp Nga hoạt động không hạn chế, trút mưa đạn pháo không ngừng nghỉ xuống Ukraine.
Lãnh đạo Pháp đã cố gắng thuyết phục các đồng minh rằng phương Tây nên ngừng loại trừ các lựa chọn quân sự suốt nhiều tháng qua, song thường xuyên nhận về những "gáo nước lạnh".
Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Scholz, lãnh đạo Đức đã tuyên bố rằng nếu Tổng thống Macron công khai ý tưởng về việc gửi quân đến Ukraine, ông và các lãnh đạo khác sẽ buộc phải bác bỏ nó. Ông khuyên Tổng thống Pháp không nên thực hiện động thái này vì cho rằng nó có thể tạo ra cảm giác mất đoàn kết giữa các đồng minh.
Quan chức quân sự hàng đầu Pháp Thierry Burkhard đã gửi thư cho những người đồng cấp NATO mô tả cách các đồng minh có thể hỗ trợ Ukraine khi đưa quân vào nước này. Một quan chức Pháp cho biết những ý tưởng đó gồm huấn luyện quân đội Ukraine, vận hành các hệ thống phòng thủ và hỗ trợ tác chiến mạng.
Nhưng viễn cảnh quân đội phương Tây xuất hiện ở Ukraine, dù là với mục đích dân sự hay quân sự, đã đặt ra câu hỏi nhức nhối về việc họ nên phản ứng thế nào nếu nhân viên của mình thiệt mạng vì giao tranh.
Theo một quan chức Mỹ, chính quyền Biden lo ngại Nga có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ binh sĩ Pháp nào được gửi tới Ukraine, thổi bùng lên nguy cơ Pháp và các quốc gia phương Tây khác bị kéo vào cuộc xung đột.
Đây được coi là lý Thủ tướng Đức công khai tuyên bố rằng "sẽ không có lực lượng mặt đất từ các nước châu Âu hoặc NATO" hiện diện ở Ukraine, ngay sau phát biểu gây chấn động của Tổng thống Pháp.
Nhưng Macron không nản lòng. Ông tới Czech, nơi chính quyền đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển những vũ khí quan trọng cho Ukraine, và có bài phát biểu nhắc lại việc châu Âu đã bị chia cắt làm hai trong Chiến tranh Lạnh như thế nào.
"Chúng ta chắc chắn đang đến gần thời điểm mà châu Âu không nên hèn nhát", ông tuyên bố. "Xung đột đã trở lại mảnh đất của chúng ta".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)