Sau khi ký kết Hiệp định Paris tháng 1/1973, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam đồng thời với chiến dịch trao trả các tù binh Mỹ. Từ tháng 2/1973, Mỹ tổ chức chiến dịch "Về nhà", điều 54 chuyến bay ra Hà Nội để đưa công dân về nước.
Tấm ảnh "Niềm vui vỡ òa" được Slava "Sal" Veder, phóng viên ảnh hãng AP, chụp ngày 13/3/1973. Trong ảnh, trung tá Robert L. Stirm đoàn tụ với gia đình tại căn cứ không quân Travis, hạt Solano, bang California, Mỹ.
"Bạn có thể cảm thấy sinh lực và cảm xúc dâng trào trong tấm ảnh", phóng viên Veder nói. Hôm đó có 20 tù binh trở về, và khoảng 400 người thân ra đón. Veder nhanh tay bấm máy và chọn 6 tấm đem rửa. Ông chọn ra tấm thích nhất, đặt tên là "Niềm vui vỡ òa" rồi gửi tới tòa soạn AP.
Trung tâm của bức ảnh là cô bé Lorrie, 15 tuổi, con gái của Stirm. Cô bé dang rộng vòng tay, khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, đón bố trở về. Phía sau là những thành viên khác trong gia đình, cũng hân hoan chào đón Stirm.
"Tôi chỉ muốn đến chỗ bố nhanh nhất có thể. Chúng tôi không ngờ có ngày bố được về nhà. Giây phút đó, những lời nguyện cầu của chúng tôi đã trở thành sự thật," Lorrie nhớ lại.
Còn trung tá Stirm, đứng quay lưng lại ống kính, như một hình ảnh vô danh, đại diện cho tất cả binh lính Mỹ được trở về quê hương. Tấm hình đem lại giải Pulitzer, giải thưởng danh giá của Mỹ trong lĩnh vực báo chí và văn học, cho Veder năm 1974.
Stirm sinh năm 1933 tại San Francisco, California. Năm 1954, ông gia nhập Không quân Mỹ. Tháng 10/1967, trong chiến dịch ném bom phá hoại miền bắc Việt Nam lần thứ nhất của Mỹ, máy bay do Stirm điều khiển bị bắn rơi ở gần một cầu đường sắt phía đông Hà Nội, gần ga Yên Viên.
Stirm bị bắt và luân chuyển qua nhiều trại giam, cuối cùng chuyển đến nhà tù Hỏa Lò. Trong thời gian này, ông được giam chung phòng với John McCain, người hiện tại là thượng nghị sĩ Mỹ.
Nỗi buồn phía sau
Hơn 40 năm sau khi gia đình Stirm đoàn tụ, "Niềm vui vỡ òa" vẫn tiếp tục xuất hiện trong vô số sách báo, tuyển tập và triển lãm. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui đoàn tụ, còn ẩn chứa nỗi buồn ly tán. Ba ngày trước khi trở về căn cứ Travis, Stirm nhận được thư vợ, nói bà muốn ly hôn.
"Tôi không thể không cảm thấy mâu thuẫn", Stirm nói, nhìn vào tấm ảnh. "Tôi rất vui được gặp lại các con, tôi rất yêu chúng. Tôi biết lũ trẻ phải trải qua quãng thời gian khó khăn, nhưng có quá nhiều chuyện phải lo lắng."
Stirm và Loretta kết hôn năm 1955 và có 4 người con. Lorrie mới 9 tuổi khi Stirm bị bắt ở Hà Nội. Sau 6 năm, Stirm được về nước. Một năm sau, hai người ly hôn.
Bà Loretta được quyền nuôi hai đứa con nhỏ, ngôi nhà, xe ô tô, 40% lương hưu tương lai của chồng. Ngoài ra, vợ ông đã tiêu hết 140.000 USD trợ cấp của chồng trong 5 năm ông là tù binh, và chỉ trả lại 1.500 USD tiền chi cho chuyến du lịch với người đàn ông khác.
Stirm kiện vợ ra tòa nhưng thất bại. Ông phải trả bà 300 USD mỗi tháng trợ cấp nuôi con. Vợ ông tái hôn năm 1974 và chuyển đến Texas sống. Còn ông, phải sống với mẹ ở San Francisco và chăm sóc hai con lớn.
"Rất nhiều chuyện đã xảy ra mà bố tôi bỏ lỡ. Và chúng tôi cần thời gian để làm quen với việc bố trở về, can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi, và học cách chấp nhận ông," Lorrie nhớ lại.
"Tấm ảnh rất đẹp, chụp lại khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình chúng tôi", Lorrie nói. Cô và các em đều treo tấm ảnh ở vị trí trang trọng trong nhà. "Nhưng mỗi lần nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến những gia đình không được đoàn tụ ngày hôm ấy, và những người mãi mãi không được đoàn tụ với gia đình. Có rất nhiều, rất nhiều gia đình như thế. Và tôi tự nhủ, mình thật là may mắn."
Stirm giải ngũ năm 1977, với quân hàm đại tá và chuyển sang làm phi công cho một công ty tư nhân. Ông tái hôn rồi lại ly hôn. Năm 2005, ở tuổi 72 tuổi, Stirm nghỉ hưu và chuyển đến sống ở thành phố Foster, California.
Hồng Hạnh (theo RHP/FP)