Trong ảnh là một lính trẻ, có khuôn mặt sáng sủa, miệng mỉm cười. Nếu bỏ mũ ra, nhiều người có thể nhầm tưởng, đây là bức ảnh tốt nghiệp trung học. Gương mặt anh toát lên vẻ ngây thơ, nhưng khi nhìn vào chiếc mũ, thực tế không đúng như vậy. Anh lính này đã trực tiếp chứng kiến nỗi kinh hoàng của chiến tranh, và đang cố gắng che đậy nó.
Mặc dù bức ảnh này rất nổi tiếng, và xuất hiện trong nhiều ấn phẩm nhưng mãi đến gần đây, danh tính của binh lính trong ảnh mới được xác định. Theo bài báo năm 2012 của Southern, bà Morrison, vợ của người lính, tình cờ nhìn thấy bức ảnh trong cuốn sách tại một cửa hàng ở trung tâm mua sắm.
"Lại là Larry đang nhìn chằm chằm vào tôi. Anh ấy cứ ám ảnh chúng tôi suốt? Thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là đôi mắt," bà nói.
Morrison tuyên bố người trong ảnh là người chồng quá cố, Larry Wayne Chaffin. Ông phục vụ trong lữ đoàn 173 ở Việt Nam đúng một năm, bắt đầu từ tháng 5/1965. Tấm ảnh được chụp khi Chaffin 19 tuổi.
Morrison nhớ lại cảnh đón chồng từ Việt Nam trở về. Ông bước xuống máy bay, nách kẹp bản sao tấm hình chụp lại từ tờ Stars và Stripes. Sau khi cho vợ xem tấm ảnh, ông nói rằng mình chính là người lính vô danh trong đó.
"Một ngày nào đó, bức ảnh sẽ khiến anh giàu có", Morrison nhớ lại lời nói đùa đầy tự hào của chồng.
Richard Pyle, cựu biên tập viên hãng AP, đồng nghiệp của Fass, cho biết: "Tôi chưa từng nói chuyện với ông ấy về tấm ảnh đặc biệt này". Pyle sau đó nhờ hãng AP kiểm tra lại tài liệu lưu trữ ảnh của Fass.
Kết quả cho thấy, Fass chú thích ngày chụp tấm ảnh là 18/6/1965 ở sân bay Phước Vĩnh, miền nam Việt Nam. Ông không rõ danh tính người trong ảnh, chỉ biết rằng binh sĩ thuộc Lữ đoàn không quân 173. Điều này trùng khớp với thông tin bà Morrison tuyên bố. "Bấy nhiêu thế là đủ, đó chính là chồng bà ấy," Pyle nói.
Larry Wayne Chaffin quen bà Morrison khi đóng quân ở Fort Gordon, bang Georgia, Mỹ. Họ lấy nhau ở Nam Carolina tháng 10/1963, lúc Chaffin 17 tuổi, còn Morrison 16 tuổi.
Sau khi giải ngũ, Chaffin rất vất vả để hòa nhập với cuộc sống Mỹ. Gia đình ông chuyển đến sống ở St. Louis, một thành phố cảng bang Missouri. Cuối cùng, họ định cư ở Nam Illinois, miền trung tây nước Mỹ.
Ông qua đời năm 1985, khi mới 39 tuổi, vì biến chứng bệnh tiểu đường. Rất có thể, ông mắc bệnh do tiếp xúc với chất độc da cam trong thời gian tham chiến ở Việt Nam.
Marcus Glander, cháu trai của Chaffin, giờ đã 23 tuổi, trông giống hệt ông nội trong tấm ảnh chụp năm 19 tuổi.
Thông điệp "Chiến tranh là địa ngục" trên viền mũ tiêu biểu cho thái độ phản đối chiến tranh của nhiều lính Mỹ trẻ tuổi khi đó. Họ bị đưa đến Việt Nam tham gia cuộc chiến tàn khốc, giết chết hàng triệu người. Vô vàn lính Mỹ viết thông điệp lên mũ, biểu lộ thái độ về nơi họ bị đưa đến, và lý do họ ở đó.
Theo RPH, câu nói "Chiến tranh là địa ngục" do William Tecumseh Sherman, tướng quân đội Mỹ, phát biểu lần đầu trong lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân sự Michgan tháng 6/1879.
"Tôi đã từng ở nơi các bạn đang ở, và tôi biết cảm giác lúc này của các bạn. Đó là điều hoàn toàn tự nhiên, rằng mỗi người ở đây, giây phút nào cũng mong mỏi và khao khát đem những kỹ năng được đào tạo ra sử dụng.
Hãy kìm nén lại! Các bạn không biết chiến tranh khủng khiếp thế nào đâu. Tôi đã trải qua hai cuộc chiến, và tôi biết rất rõ. Tôi đã nhìn thấy vô vàn thành phố và nhà cửa tan thành tro bụi. Tôi đã nhìn thấy nhiều nghìn người chết. Tôi nói cho mà biết, Chiến tranh là địa ngục!"
Horst Fass là phóng viên ảnh người Đức, sinh năm 1933, mất năm 2012. Ông từng nhận hai giải Pulitzer, giải thưởng danh giá của Mỹ trong lĩnh vực báo chí và văn học, cho những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam năm 1965 và cuộc xung đột ở Bangladesh năm 1972.
Ông gia nhập hãng AP năm 1956 và trở thành nhiếp ảnh gia trưởng khu vực Đông Nam Á năm 1962. Hai bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam là "Vụ hành quyết Sài Gòn" của Eddie Adams và "Em bé Napalm" của Nick Út được đăng theo chỉ đạo của ông. Hai người sau đó cũng được trao tặng giải Pulitzer.
Hồng Hạnh