Không chỉ cơm áo gạo tiền trước thềm năm học mới, còn một hành trình dài trước mặt, với cả người lớn và trẻ nhỏ, âu lo thường lấn át niềm vui.
Trẻ đầu cấp lo chuyện thích nghi. Trẻ giữa cấp lo bài vở và tụt hạng. Trẻ cuối cấp lo ôn luyện và thi cử. Bao lời răn dạy tối ngày cả ở trường và nhà, cùng bao tấm gương trước mắt làm cho sự học ngày nay không còn trong trẻo và vui tươi như xưa.
Là một người cha, cũng là người làm giáo dục, năm nào tôi cũng chứng kiến tâm tư này của trẻ nhỏ, không chỉ từ học sinh mà từ chính các con mình. Mỗi khi con đi học về, tôi thường hỏi: "Hôm nay con đi học có vui không?", nhưng câu trả lời hiếm khi được như mong đợi.
Vậy làm gì để trẻ nhỏ có được niềm vui đến trường? Làm gì để "mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui", để trường học là một "ngôi trường hạnh phúc"? Những khẩu hiệu vui tươi rộn ràng đó có thể thấy ở gần như mọi ngôi trường, thậm chí trở thành một thông điệp để tuyển sinh với khối trường ngoài công lập.
Nhưng học sinh không cảm thấy như thế. Phụ huynh không cảm thấy như thế. Và các thầy cô cũng không cảm thấy thế.
Thế giới khẩu hiệu và thế giới giáo dục cứ như song hành, cùng tồn tại ở một nơi thật đấy, nhưng cũng chẳng liên quan gì đến nhau thật đấy.
Sau nhiều năm quan sát và trải nghiệm trực tiếp trong môi trường giáo dục, tôi nhận ra rằng: mấu chốt nằm ở phương pháp giáo dục. Chính phương pháp giáo dục là yếu tố quyết định việc đến trường có vui không, ngôi trường có hạnh phúc không, chứ không phải cơ sở vật chất và của nhà trường.
Tôi nhận ra rằng, muốn có đột phá nào trong giáo dục thì phải đột phá ở phương pháp, rộng hơn là đột phá trong cách tiếp cận, chứ không phải đột phá ở kiến thức truyền đạt.
Cho đến nay, phương pháp giáo dục truyền thống của các trường có thể được mô tả thành một quy trình bốn bước như sau: 1. thầy giảng giải; 2. trò hiểu; 3. trò ghi nhớ; 4. thầy kiểm tra sự hiểu sự nhớ đó bằng các bài thi.
Vì thế, công việc chủ yếu của nguời thầy khi lên lớp là giảng bài. Giảng đến khi nào? đến khi học trò hiểu thì thôi chứ còn sao nữa.
Ta có thể nhận ra điều này khi thấy câu nói cửa miệng của các giáo viên là: "em hiểu chưa?". Nếu hiểu rồi thì cho qua. Còn chưa hiểu, hoặc bị thầy cho rằng chưa hiểu, xin mời ngồi nghe giảng tiếp. Mà việc giảng và việc nghe này nhiều lúc cũng chẳng liên quan. Thầy giảng cứ giảng. Trò lơ cứ lơ. Lời thầy nói vào tai nọ lại đi ra tai kia. Thầy nói thầy nghe, bao nhiêu chữ trò trả thầy hết.
Với những chủ đề quá ư lạc hậu và xa rời thực tế, lại trình bày theo lối khô khốc hoặc nặng tính quan liêu, trò sẽ có thêm lý do chống đối vì cho rằng có học cũng chẳng để làm gì.
Vì thế, càng đi sâu vào giáo dục, tôi càng nhận thấy rằng, trong cách dạy học truyền thống, ngay ở khâu đầu tiên của quá trình dạy học này, đã có mầm bạo lực khi thầy tìm mọi cách để áp đặt cách hiểu cho học trò.
Nhưng bất cứ ai đã đi học thì đều biết, việc học không chỉ là hiểu. Ngay sau khi hiểu thì học trò còn phải nhớ để chứng minh mình đã hiểu. Bất kể những điều phải nhớ đó đã có sẵn trong sách giáo khoa, hay chỉ cần google trong ba giây là thấy.
Chưa kể, việc nhớ ấy có tác dụng gì đối với sự trưởng thành của học trò không cũng chưa bao giờ được bàn đến. Đã học thì phải nhớ. Nếu không hiểu được thì cũng phải nhớ. Thế thôi!
Và để nhớ được, thì ôi thôi có đủ cách, đủ mẹo. Đơn giản nhất là học thuộc lòng. Cứ tìm chỗ yên tĩnh, hoặc ngồi nhắm mắt để tụng bài cả chục lần cho thuộc.
Nhưng thời đại này kiếm đâu ra một chỗ yên tĩnh. Quá nhiều thông tin. Quá nhiều tiếng ồn. Quá nhiều toan tính bon chen. Quá nhiều cám dỗ. Dù có bị nhốt vào một nơi yên tĩnh thì tâm trí cũng không thể yên tĩnh để mà học.
Thế là đành nhắm mắt tụng sao cho thuộc như đang chịu trận. Rồi nhờ bố mẹ, anh em dò bài cho. Khi đến lớp thì lại nhờ bạn truy bài. Miễn sao để nhớ, hoặc để chứng minh rằng mình nhớ, dù là mang máng, khi thầy kiểm tra.
Mà thầy cô và bố mẹ cũng nhiệt tình dấn tới. Tối tối bố mẹ dò bài. Ngày ngày thầy yêu cầu học thuộc. Nếu có phạm lỗi bị chép phạt hàng chục lần. Mục tiêu duy nhất là để thuộc và nhớ.
Nhưng đây là cách học nhàm chán và có phần trái tự nhiên. Chính vì sự nhàm chán này và cảm giác vô nghĩa khi học, mà việc học theo cách này trở thành một gánh nặng.
Nhưng cho dù có thuộc, có nhớ thì có ai kiểm chứng, và lấy gì định lượng? Thật may mắn là có các kỳ thi.
Đến đây, câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác bất ngờ: đích đến của toàn bộ hành trình dạy và học này là các kỳ thi. Vì thế, một cách tự động, cả thầy và trò đều tự động điều chỉnh theo hướng dạy ra sao, học thế nào để thi cho tốt.
Học để trưởng thành, học để làm việc, học để làm người, hay học để trở thành những điều tuyệt vời nào đó bỗng chốc trở thành học để thi - trong sự đồng thuận ngầm của cả thầy và trò, gia đình và nhà trường.
Thế là công nghệ luyện thi ra đời. Công nghệ này trải dài đủ mọi cung bậc. Thấp thì học thuộc lòng. Nếu không đủ sức để học thuộc tất cả thì ta xoay sang học tủ. Cao hơn là ôn luyện theo văn mẫu - toán dạng, hoặc ghi nhớ các mẹo mực để có thể vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Nhưng do bản chất của kỳ thi là kiểm tra sự nhớ của học trò, và các đề thi cũng được thiết kế theo lối văn mẫu - toán dạng, kiểm tra thông tin và sự kiện, nên dù có thi giỏi thế nào đi chăng nữa, vẫn chỉ là kiểm tra trí nhớ. Đời người đi học đã thi bao lần, mà thi xong rồi chỉ một tháng thôi, hỏi lại cũng ú ớ như chưa từng được học.
Vì thế, học chỉ để thi. Và khi thi xong là quên hết.
Trò vì thế mà chán học và ghét đến trường. Thầy vì thế mà suy thoái trở thành thợ dạy, thợ ôn thi. Tình trạng này cứ kéo dài mãi hàng chục năm trời không có lối thoát.
Nhưng điều đáng buồn là: Không có lối thoát không phải vì không có lối thoát, mà vì sợ mất kiểm soát.
Nay trước sự phát triển của công nghệ, những người dạy và học theo cách đó sẽ không còn cơ hội phát triển. Không chỉ học trò, mà ngay cả người thầy. Nếu thầy chỉ dạy như một thợ dạy, chỉ cần một vài người dạy trực tuyến là đủ. Còn người học chỉ để nhớ, chỉ cần google là xong.
Người thầy thực sự cần phải dạy khác hơn, sâu xa hơn thế rất nhiều. Người học thực sự, cũng phải học khác hơn và sâu sắc hơn thế rất nhiều mới có thể tồn tại và phát triển được.
Vì lẽ đó, những ngày tháng này là thời khắc chuyển giao của một cách thức giáo dục mới. Thay vì giáo dục kiểu áp đặt từ thầy xuống trò, từ sách giáo khoa ra ngoài lớp học, giáo dục làm sao để chuyển qua một cách tiếp cận mới, sao cho việc học trở thành niềm vui thay vì gánh nặng.
Tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ và thực nghiệm về điều này để tạo ra tiếp cận đồng kiến tạo, rồi sau đó rút gọn thành phương pháp đồng kiến tạo để mang lại niềm vui học tập cho chính con mình, và sau đó là học trò của mình.
Nói ngắn gọn, theo cách tiếp cận đồng kiến tạo thì kiến thức của học trò, rộng hơn là những gì có được trong tâm trí của học trò, phải do trò và thầy cùng làm ra, thông qua một chương trình giáo dục được thiết kế cẩn trọng, thể hiện qua một hệ thống trải nghiệm giáo dục liên hoàn và có mục đích.
Nhờ đó, học trò sẽ từng bước tạo kiến thức, kỹ năng, giá trị, nhân sinh quan, thế giới quan... cho chính mình. Thông qua đó, học trò sẽ từng bước kiến tạo chính mình dưới sự hướng dẫn của người thầy, thông qua một hệ thống trải nghiệm giáo dục liên hoàn và hướng đích, trong tinh thần giáo dục nhân văn và khai phóng.
Hạnh phúc lớn nhất của một người là được sống thật với chính mình. Con đường chắc chắn nhất để được sống thật với chính mình là tạo ra chính mình. Muốn vậy, người thầy phải xác lập một tâm thế dạy học mới, một "nền tảng không" khi bước vào lớp học, để đồng hành và đồng nhịp cùng trò, thay vì áp đặt học trò và tự biến mình trở thành trung tâm của lớp học. Chỉ bằng cách đó, trò mới có được niềm vui đến trường mỗi ngày, vì luôn được tạo ra chính mình và sống thật với chính mình mỗi ngày.
Trước thềm năm học mới, tôi không mong mỏi gì hơn, là thay vì nhồi nhét kiến thức và thi cử nặng nề, ngành giáo dục sẽ chuyển hướng theo tinh thần đồng kiến tạo, để ngày khai giảng trở thành ngày khai học, và học sinh có được niềm vui học mỗi ngày.
Giáp Văn Dương