Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 7/1 cảnh báo nguy cơ Nga tiến đánh Ukraine nếu nỗ lực ngoại giao giữa khối này và Moskva thất bại tại cuộc gặp ở Geneva ngày 10/1. "NATO nhấn mạnh rằng bất cứ hành vi gây hấn nào khác với Ukraine sẽ gây ra hậu quả đáng kể và khiến Nga trả giá đắt", Stoltenberg nói.
Tuyên bố được Tổng thư ký Stoltenberg đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và phương Tây gần đây leo thang sau khi NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Moskva bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng với một cường quốc như Nga, bất cứ chiến dịch tấn công quân sự nào vào Ukraine đều có những dấu hiệu báo trước khá rõ ràng. Bất chấp những cáo buộc từ phía NATO và Mỹ, hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy một cuộc tấn công như vậy sắp diễn ra.
"Mục tiêu cụ thể của một cuộc tấn công Ukraine sẽ là gì? Câu trả lời nằm trong những chỉ lệnh về địa chính trị của Nga, chúng sẽ quyết định toàn bộ quá trình ra quyết định với Moskva. Chỉ lệnh hàng đầu của Nga là củng cố chính trị nội bộ, bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa bên ngoài và mở rộng ảnh hưởng càng xa càng tốt", cây bút Eugene Chausovsky của Foreign Policy nhận xét.
Quá trình mở rộng không ngừng của NATO về phía các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô đã vi phạm một trong những chỉ lệnh chủ chốt với Moskva, khiến Nga cảm thấy bất an với các nước láng giềng tham gia liên minh quân sự và các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, các thách thức kinh tế, chính trị nội bộ trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000 khiến Nga không đủ tiềm lực để ngăn NATO mở rộng đến Trung Âu và các nước vùng Baltic. Điều này đã thay đổi khi Nga phát động chiến tranh với Gruzia năm 2008 và kiểm soát bán đảo Crimea hồi năm 2014. Tuy nhiên, đó không phải những quyết định bột phát do Điện Kremlin đưa ra.
Quá trình quyết định hành động can thiệp quân sự của Nga hiện nay dựa trên khuôn khổ tính toán chiến lược với 5 biến số chính gồm sự kiện khơi mào, mức độ ủng hộ tại nước sở tại, phản ứng quân sự theo dự đoán, tính khả thi về mặt kỹ thuật và cái giá tương đối thấp về mặt chính trị, kinh tế.
Moskva ít có khả năng mở chiến dịch quân sự nếu thiếu một trong 5 yếu tố này, ngay cả khi tình huống diễn ra trong không gian hậu Xô Viết. Nếu tính toán và đặt cược sai, Nga sẽ phải trả giá rất đắt.
Cả 5 yếu tố trên đều xuất hiện trong chiến tranh Nga - Gruzia năm 2008. Sự kiện khơi mào bắt đầu khi quân đội Gruzia pháo kích các ngôi làng ở nước tự trị Nam Ossetia đêm 8/8/2008. Người dân Nam Ossetia và Abkhazia đều ủng hộ Moskva can thiệp quân sự, nhưng Nga không điều bộ binh vào lãnh thổ Gruzia, nơi nước này nhận được ít sự ủng hộ hơn.
Nga có khả năng tiến quân trực tiếp vào lãnh thổ Gruzia qua đường hầm Roki, trong khi quân đội Gruzia yếu hơn nhiều so với Nga, khiến chiến dịch quân sự này khả thi về mặt kỹ thuật. Gruzia chưa phải thành viên NATO và Nga nhận định phản ứng của phương Tây sẽ rất hạn chế, khiến họ không phải trả giá nhiều.
Mục tiêu của Nga khi đó là ngăn Gruzia gia nhập NATO, kết quả là cuộc chiến tranh 8 ngày nổ ra hồi tháng 8/2008, Nga công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
Cả 5 yếu tố cũng xuất hiện trong chiến dịch sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Sự kiện khởi đầu là cách mạng Euromaidan lật đổ Viktor Yanukovych, tổng thống Ukraine có quan điểm thân Nga. Người dân tại bán đảo Crimea và vùng Donbass ủng hộ Nga can thiệp quân sự, trong khi Nga đã triển khai binh sĩ ở bán đảo này và có khả năng tiếp cận trực tiếp với tỉnh Donetsk, Lugansk ở Donbass.
Tương tự Gruzia, Ukraine cũng chưa phải thành viên NATO và Nga nhận định liên minh này sẽ không can thiệp nếu bùng phát xung đột. Mục tiêu của Moskva là dằn mặt chính quyền thân phương Tây tại Kiev, cũng như ngăn Ukraine gia nhập NATO. Kết quả là cuộc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và xung đột giữa quân chính phủ và phe ly khai tại miền đông Ukraine kéo dài đến nay.
Có nhiều trường hợp Nga không can thiệp quân sự, dù có lý do để họ hành động. Nước này không tấn công Estonia sau vụ di chuyển tượng đài và nghĩa trang binh sĩ Hồng quân Liên Xô dẫn tới bạo loạn hồi năm 2007, dù có lý do bảo vệ người gốc Nga tại đây. Lý do là Estonia đã gia nhập NATO và Nga có thể phải trả giá đắt nếu mở chiến dịch quân sự.
Nga cũng không can thiệp quân sự trong những cuộc xung đột sắc tộc giữa người Kyrgyz và Uzbek ở miền nam Kyrgyzstan vào năm 2010, dù chính phủ Kyrgyzstan đã yêu cầu giúp đỡ. Nguyên nhân là một cuộc can thiệp không giúp Nga đáp ứng các chỉ lệnh địa chính trị, đồng thời NATO cũng không gây ra mối đe dọa nào từ phía Kyrgyzstan, khiến một hành động quân sự sẽ trở thành lợi bất cập hại.
Điều đó dẫn tới những nghi vấn xoay quanh mục tiêu của Nga nếu nước này quyết định tấn công Ukraine. Có nhiều câu trả lời cho vấn đề này, như dằn mặt chính quyền Kiev thêm một lần nữa, củng cố sự ủng hộ của người dân trong nước hoặc phát thông điệp đến phương Tây. Tuy nhiên, tình hình Ukraine hiện nay không có sự kiện nào để khơi mào, khiến Nga khó tìm kiếm lý do mở chiến dịch quân sự.
Bên cạnh đó, tấn công Ukraine có thể đẩy nước này về gần NATO hơn, đi ngược lại một trong những chỉ lệnh cốt lõi với Nga.
5 yếu tố quyết định từng xuất hiện tại Crimea năm 2014 vẫn hiện hữu, nhưng đã thay đổi đáng kể. Ukraine hiện nay nhận được nhiều sự ủng hộ của phương Tây hơn, dù nước này vẫn chưa được kết nạp vào NATO, khiến Nga có thể phải trả giá rất đắt về mặt kinh tế, chính trị và cả quân sự nếu tấn công. Mức ủng hộ Nga trong dư luận Ukraine cũng thấp hơn nhiều so với năm 2014, trừ những khu vực miền đông như Donbass và Crimea.
Quân đội Ukraine cũng đã thay đổi nhiều, được trang bị nhiều khí tài hiện đại do Mỹ cung cấp như tên lửa "sát thủ diệt tăng" Javelin và các hệ thống liên lạc chiến trường.
Những dấu hiệu này cho thấy Nga khó lòng can thiệp quân sự hoặc mở chiến dịch tấn công tổng lực vào Ukraine. Dù vậy, Moskva vẫn có thể áp dụng những biện pháp phi truyền thống như tác động chính trị, tấn công mạng và thông tin tuyên truyền, trong đó có cả hoạt động triển khai quân sát biên giới Ukraine để gây sức ép.
Các chuyên gia cho rằng không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng Nga tấn công Ukraine, bởi các điều kiện cụ thể có thể thay đổi chóng vánh trong tương lai. 5 tính toán chiến lược và các yếu tố đi kèm không được quy định chính thức trong các văn bản chính sách cụ thể, mà chỉ là mô hình được xây dựng dựa trên xu hướng hành động của Nga trong nhiều năm qua.
"Hoạt động triển khai quân của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, vốn bị nhiều người coi là khó lường, thực tế lại rất thận trọng và hạn chế tối đa các nguy cơ, trong đó Điện Kremlin luôn tính toán chặt chẽ lợi ích và thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể", Chausovsky nhận xét.
Vũ Anh (Theo Foreign Policy)