Trong 7 ngày đầu khôi phục trở lại chuyến bay quốc tế thường lệ (từ 1/1 đến 7/1), ngành hàng không thực hiện 64 chuyến bay, chở 7.847 khách nhập cảnh Việt Nam. Trong số này, 18 chuyến bay thương mại, 25 chuyến bay combo và 21 chuyến chở chuyên gia, khách du lịch.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 7 trong 9 quốc gia, vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về việc nối lại đường bay quốc tế chở khách gồm Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Nhà chức trách hàng không Hàn Quốc cho biết, do quy định phòng chống dịch, nước này đang hạn chế chuyến bay chở khách đến. Do đó, tần suất chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam chiều Việt Nam - Hàn Quốc bị hạn chế, chỉ được cấp 2 chuyến mỗi tuần; trong khi hãng hàng không Hàn Quốc được phép khai thác 21 chuyến mỗi tuần. Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các hãng hàng không trao đổi với phía Hàn Quốc nhằm thống nhất phương án phù hợp.
Cục Hàng không Việt Nam đã ghi nhận nhiều vướng mắc của các hãng sau hơn một tuần khôi phục đường bay quốc tế. Đó là tình trạng hành khách phải khai báo nhập cảnh trên IGOVN (phần mềm của Bộ Công an), khai báo theo dõi y tế trên PC Covid. Một số địa phương đưa ra quy định riêng, ví dụ TP HCM yêu cầu khai báo trên antoan-covid.tphcm.gov.vn. Việc hành khách phải khai báo trên nhiều ứng dụng gây khó khăn, nhất là người nước ngoài. Do đó, các hãng hàng không đề nghị áp dụng ứng dụng duy nhất giúp hành khách khai báo nhập cảnh, y tế.
Ngoài ra, hiện hành khách đến từ các quốc gia có chủng Omicron phải test nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay theo công điện 9406 của Văn phòng Chính phủ.
Phần lớn hãng bay cho biết quy định này gây khó khăn cho hành khách, vì họ phải test nhiều lần làm tăng chi phí, thời gian chờ đợi. Khách không rõ nên test tại nhà hay phải lên sân bay thực hiện tại cơ sở y tế chỉ định.
Trong khi đó, một số sân bay nước ngoài không cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay, hoặc chi phí phát sinh cho hành khách từ việc xét nghiệm nhanh ở một số sân bay rất cao. Tại Nhật Bản, chi phí này lên tới 270 USD mỗi lần xét nghiệm.
Báo cáo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định về việc xét nghiệm nhanh Covid-19 trước và sau khi lên tàu bay. Bởi theo quy định hiện nay, hành khách nhập cảnh Việt Nam đã phải xét nghiệm PCR âm tính.
Theo lãnh đạo ngành Giao thông, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh Covid-19, như: Quy định về thời gian xét nghiệm trước khi lên máy bay; thẩm quyền tổ chức xét nghiệm và công nhận kết quả; hình thức thanh toán chi phí... dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không khi triển khai cũng như thu phí xét nghiệm, do đây không phải là chức năng của các hãng.
Hơn nữa, việc xét nghiệm nhanh đối với hành khách sau khi hạ cánh tại các cảng hàng không, khi tần suất chuyến bay quốc tế thường lệ tăng cao có thể dẫn đến ùn ứ tại sân bay, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã phải điều chuyển các chuyến bay combo hạ cánh tại một số sân bay khác ngoài Tân Sơn Nhất và Nội Bài, để tránh ùn tắc cho hai sân bay cửa ngõ.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng thống nhất quy định về xét nghiệm bằng phương pháp PCR trước chuyến bay theo thông lệ quốc tế, hành khách không phải xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay.
Ngành Giao thông cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an ban hành, phổ biến ngay hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài, trong đó xem xét trường hợp người mang quốc tịch nước ngoài là thân nhân của người Việt Nam nhập cảnh dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng website bằng tiếng Anh và tiếng Việt để người nước ngoài, các hãng hàng không, tổ chức nước ngoài có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin về quy định y tế, thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh của Việt Nam.
Một bất cập cũng được các hãng hàng không đề cập là thủ tục cách ly với hành khách chưa tiêm đủ liều vaccine. Theo quy định, khách nhập cảnh chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ liều sẽ phải có giấy xác nhận đủ điều kiện đảm bảo cách ly y tế tại nhà khi làm thủ bay bay. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, hành khách phải có xác nhận đã đặt chỗ khách sạn (tối thiểu 7 ngày) theo danh sách cơ sở lưu trú do địa phương công bố.
Lãnh đạo Cục Hàng không nêu, hành khách về Việt Nam cuối năm chủ yếu là gia đình người Việt hồi hương, nhiều gia đình có con nhỏ chưa được tiêm đi cùng bố mẹ. Để có được giấy xác nhận đủ điều kiện cách ly tại nhà của UBND cấp xã rất khó, vì họ đang ở nước ngoài. Nếu hành khách muốn cách ly ở khách sạn cũng phải có giấy xác nhận điểm này đủ tiêu chuẩn cách ly.
Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn địa phương công bố danh sách khách sạn đủ điều kiện cách ly, để hành khách đặt phòng mà không cần có xác nhận của chính quyền.
Hiện hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có xét nghiệm âm tính PCR. Người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày; chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày.