8 đường bay quốc tế được khôi phục gồm Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Campuchia, Mỹ, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan. Còn đường bay đến Trung Quốc (Bắc Kinh, Quảng Châu) chưa mở lại do chưa hoàn tất đàm phán với nhà chức trách hàng không nước này.
Chuyến bay VN853 của Vietnam Airlines từ TP HCM đi Phnom Penh ngày 1/1 là chuyến bay đầu mở đầu cho kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế.
Sau chuyến bay giữa Việt Nam và Campuchia, các chuyến bay quốc tế thường lệ tiếp theo của Vietnam Airlines là giữa Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 5/1. Chuyến bay VN5310 từ Hà Nội đi Tokyo có mức giá chiều đi từ 512 USD, chiều về từ 690 USD (đã bao gồm thuế phí).
Hãng cũng mở bán vé để khai thác các chặng Hà Nội - Seoul từ ngày 6/1 với tần suất mỗi tuần là 2 chuyến; Hà Nội, TP HCM - Singapore từ ngày 12/1 với tần suất một chuyến; TP HCM - Bangkok từ ngày 8/1 với tần suất 2 chuyến: Hà Nội – Vientian từ 9/1 với tần suất 2 chuyến; Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 11/1 với tần suất một chuyến; giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 9/1.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng sẵn sàng khai thác các đường bay đi châu Âu, Australia trong tháng một này ngay khi cơ quan chức năng cho phép, tiến tới khôi phục hoàn toàn mạng bay quốc tế trong những ngày đầu năm 2022.
Hành khách có thể mua vé các chuyến bay này trên website, phòng vé và đại lý chính thức của hãng. Hãng sẽ tăng tần suất theo sự cho phép của nhà chức trách và nhu cầu đi lại của du khách, công dân Việt Nam về nước dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Hãng hàng không Vietjet Air cũng khai thác một số chặng, như Hà Nội - Tokyo ngày 6/1 giá vé chiều đi 6,6 triệu đồng, chiều về 9,8 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí, chưa có hành lý ký gửi). Chặng Đài Bắc - Hà Nội ngày 8/1 giá vé 6,8 triệu đồng; chặng Đài Bắc - TP HCM ngày 12/1 có giá vé 12,2 triệu đồng.
Theo đại diện Vietjet Air, mỗi tuần hãng sẽ có một chuyến bay khứ hồi trên đường bay Hà Nội với Tokyo vào thứ Năm; Hà Nội - Đài Bắc vào thứ Bảy; TP HCM - Đài Bắc vào thứ Tư; TP HCM - Singapore vào Chủ nhật.
Bamboo Airways cũng khai thác chặng Hà Nội - Đài Bắc, khởi hành ngày 5/1 với giá vé 4,5 triệu đồng, chiều về giá 12,5 triệu đồng. Hãng khai thác tần suất một chuyến mỗi tuần, khởi hành tiếp theo vào các ngày 12/1, 19/1 và 26/1.
Theo quy định đối với người nhập cảnh Việt Nam, hành khách từ 8 thị trường trên lên máy bay cần đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, như có Giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với nCoV có hiệu lực trong 72 giờ; giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.
Sau khi xuống máy bay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hành khách được test nhanh tại sân bay trong lúc chờ lấy hành lý. Chi phí test được hãng hàng không đưa vào giá vé máy bay.
Người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày; tiêm chưa đủ liều thì cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày. Do đó, hành khách chưa tiêm đủ liều hoặc chưa được chứng nhận khỏi bệnh sẽ phải có giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà, hoặc xác nhận đã đặt chỗ khách sạn (tối thiểu 7 ngày); nơi đặt chỗ phải nằm trong danh sách khách sạn đủ điều kiện cách ly theo công bố của địa phương. Khi hành khách làm thủ tục lên máy bay, hãng hàng không sẽ kiểm tra các giấy tờ này.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) Bùi Doãn Nề, việc mở lại 8 đường bay quốc tế vào đầu năm 2022 là tín hiệu tích cực giúp ngành hàng không khôi phục từng bước. "Nếu mở cửa quá chậm thì năng lực cạnh tranh của hãng trong nước với hãng hàng không nước ngoài sẽ yếu, khả năng phục hồi thị trường hàng không chậm", ông Nề nói.
Theo ông, hiện nay biến thể Omicron xuất hiện tại hơn 100 quốc gia nên trách nhiệm phòng dịch của địa phương nặng hơn, song "với quy định kiểm dịch hiện nay của Bộ Y tế là đầy đủ, đảm bảo phòng dịch hiệu quả và thu hút được hành khách đi lại".
Dẫn dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho hay thị trường hàng không các nước và quốc tế sẽ lần lượt phục hồi vào năm 2023, 2024. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào quá trình tiêm vaccine và kế hoạch mở cửa của mỗi quốc gia. IATA cũng dự báo đến năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ.
Vietnam Airlines dự báo, vận tải hàng không năm nay sẽ đạt mức 70 - 75% so với giai đoạn trước khi có dịch Covid-19. Trong đó, vận tải quốc tế sẽ đạt khoảng 20 - 25% so với trước dịch và tăng dần vào cuối năm.
Trước đó ngày 10/12/2021, Chính phủ đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1.
Theo kế hoạch dự kiến, trước mắt, Việt Nam sẽ khôi phục đường bay đến: Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.