Du lịch hoặc về quê là một trong những hoạt động phổ biến với nhiều gia đình trong Tết. Để có thể chuẩn bị tốt nhất cho những chuyến đi dài bằng ôtô, sau đây là những điều các chủ xe cần lưu ý nhằm giúp ôtô vận hành ở trạng thái tốt nhất vào dịp lễ Tết.
Kiểm tra bánh xe
Lốp là một trong những bộ phận quan trọng nhất của ôtô. Trước mỗi chuyến đi dài, hãy kiểm tra thật kỹ phần bánh xe. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất lốp xe, gai lốp không nên thấp hơn 1,5 mm, gai lốp phải mòn đều để xe có thể vận hành an toàn và trơn tru nhất. Ngoài ra, hãy đảm bảo các bánh xe được bơm đủ hơi (kể cả bánh dự phòng) theo thông số áp suất in trên phần bệ cửa. Việc dư hoặc thiếu áp suất sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khả năng điều khiển xe.
Kiểm tra lượng dung dịch của xe
Các dung dịch trên xe nên kiểm tra trước mỗi chuyến đi dài bao gồm mức nhớt động cơ, nước làm mát, dầu phanh và nước rửa kính. Chủ xe có thể mở nắp khoang động cơ để kiểm tra lượng dung dịch này, ví dụ que thăm nhớt, hoặc vạch biểu thị mức dung dịch Min - Max trên bình chứa nước làm mát... Hãy đảm bảo mọi loại dung dịch trên xe nằm trong ngưỡng cho phép của nhà sản xuất, nếu thiếu cần bổ sung cho đủ theo khuyến cáo trong sách hướng dẫn sử dụng xe.
Kiểm tra hệ thống đèn
Đèn xe là một bộ phận quan trọng để giúp các chủ xe quan sát được đường đi trong lúc tối, hoặc thông báo cho những phương tiện tham gia giao thông biết lúc xe giảm tốc độ hoặc thay đổi hướng di chuyển. Để kiểm tra hệ thống đèn, hãy nổ máy xe, bật đèn, nhấn phanh, bật đèn báo rẽ/đèn cảnh báo nguy hiểm và nhờ người thân/bạn bè quan sát từ bên ngoài xe.
Thông thường, tài xế có thể quan sát được đèn phía trước nhưng lại không để ý tới đèn phía sau. Vì vậy, có nhiều xe hỏng đèn hậu, nhưng tài xế không hề biết. Nhờ người khác kiểm tra hệ thống đèn hậu là việc rất quan trọng.
Kiểm tra hoặc thay má phanh
Theo khuyến cáo từ các nhà sản xuất ô tô, chủ xe nên kiểm tra và thay má phanh định kỳ sau mỗi 50.000 – 80.000 km hoặc sau 2 năm sử dụng. Má phanh quá mòn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành của phanh, và có thể dẫn đến tình trạng mất phanh khi chủ xe liên tục đạp phanh trên đường đèo núi. Việc kiểm tra và thay má phanh nên được thực hiện tại các cơ sở bảo dưỡng xe uy tín.
Mang đầy đủ giấy tờ hợp lệ và còn hiệu lực
Chủ xe khi tham gia giao thông cần mang đầy đủ 4 loại giấy tờ: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới. Các loại giấy tờ này nên được để nơi gọn gàng và dễ kiếm, ví dụ như hộc đựng đồ bên ghế phụ.
Chuẩn bị bộ dụng cụ cứu hộ ôtô
Để chuẩn bị cho các tình huống bất khả kháng trong những chuyến đi, các chủ xe cần chuẩn bị một bộ dụng cụ cứu hộ, bao gồm búa thoát hiểm, bơm lốp mini, dây câu bình, dây cáp kéo xe, biển cảnh báo (tam giác) nguy hiểm, đèn pin, áo phản quang, găng tay... Ngoài ra, các chủ xe cũng nên trang bị thêm một túi sơ cứu y tế trên ôtô để đề phòng cho những tai nạn trên đường di chuyển.
Học cách tự thay lốp dự phòng
Tự thay lốp dự phòng là một kỹ năng cần thiết các chủ xe cần biết trước mỗi chuyến đi chơi.
Lên kế hoạch về quãng đường di chuyển
Trước khi thực hiện chuyến đi, hãy tham khảo về hành trình di chuyển như quãng đường hoặc thời gian đi để có một kế hoạch dừng nghỉ hợp lý. Các chuyên gia khuyến cáo tài xế nên nghỉ ngơi khoảng 15 phút cho mỗi 2 giờ lái xe liên tục nhằm đảm bảo thể trạng khi tham gia giao thông ở mức tốt nhất. Ngoài ra nếu hành trình di chuyển trên 5 giờ, các tài xế nên đảm bảo ngủ đủ giấc trước khi khởi hành.
Tân Phan