Quan điểm "Cần vận hành kinh tế an toàn thay vì đóng băng", cho rằng nền kinh tế vẫn có thể được vận hành an toàn dù trong đại dịch, đang nhận được nhiều sự đồng tình của độc giả VnExpress:
Mặc dù tôi không phải là chuyên gia kinh tế, nhưng nền kinh tế phải vận hành như cũ, chỉ cần hạn chế điểm công cộng, các quán ăn vẫn cho mở và chỉ được phép mang về hoặc quy định người ngồi ăn tối đa bao nhiêu người (cả quán cafe, tiệm buôn bán nhỏ...). Người dân buôn bán được thì họ có tiền để chi tiêu và thúc đẩy các ngành nghề khác sản xuất và bán được hàng, từ đó người lao động có việc làm và có thu nhập.
Chẳng có biện pháp nào đảm bảo 100% cả. Hàng năm, HIVvà lao vẫn khiến cả chục ngàn người chết trên thế giới nhưng chúng ta vẫn phải hoạt động và sống bình thường. Với bệnh truyền nhiễm này, sau khi dịch giảm xuống, người ta phải trở lại hoạt động bình thường, không có cách nào khác.
Dịch vẫn phải chống, ăn vẫn phải ăn. Chỉ 20% dân số đủ ăn khi không phải đi làm trong một thời gian, còn lại là phải đi làm mới có ăn và tồn tại. Nếu hết dịch mà nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng thì lúc đó hậu quả còn kinh khủng hơn.
Dịch bệnh thì mỗi vùng mỗi tỉnh thành một khác, tôi nghĩ tỉnh nào nghiêm trọng thì hạn chế, tỉnh nào chưa thì chỉ nên đề phòng, vẫn cho kinh doanh bình thường, nhưng chỉ cấm quán nhậu, ăn, karaoke, bar... vì những ngành này dễ lây lan. Còn sản xuất, kinh doanh nên cảnh giác, không nên cấm.
Thực tế, hiện nay, các doanh nghiệp ít có tiếng nói trên cộng đồng mạng do chiếm thiểu số. Tuy nhiên, họ lại có vai trò lớn trong giải quyết công ăn việc làm và thu nhập. Nếu nền kinh tế gần như dừng lại sẽ như máu đông, có tránh khỏi việc hàng loạt doanh nghiệp giải thể sớm, dẫn đến sa thải tràn lan. Vẫn có phương án để các doanh nghiệp hoạt động an toàn, chứ làm việc online không phải phép màu.
Tuy nhiên, số khác lại bảo lưu quan điểm cho rằng không thể đặt lợi ích kinh tế lên trên sự an toàn sức khỏe của người dân:
Làm sao đảm bảo duy trì, ổn định kinh tế và đời sống người dân với việc đảm bảo an toàn tính mạng cho dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp? Về mặt lý thuyết, ai cũng nói được, nhưng thực tế vẫn là thực tế, cần phải ưu tiên giải quyết bài toán đảm bảo an toàn cho dân, ổn định cơ bản đời sống cho dân trước mắt đã.
Vận hành sản xuất, kinh doanh... tìm đầu ra trong khi các nước đang tê liệt và đóng cửa thì đầu ra ở đâu? Vừa kiểm soát dịch, vừa ổn định kinh tế, lại ổn định đời sống người dân và doanh nghiệp là điều không thể vào thời điểm này. Khi nào hết dịch thì chưa rõ, nhưng sẽ có vaccine, khi đó mọi chuyện sẽ dễ hơn. Giờ nói lý thuyết thì dễ, nhưng áp dụng thực tế vô cùng khó.
Làm sao để con người hoạt động kinh doanh mà không lây nhiễm cho nhau, dựa vào đâu để khẳng định phương pháp này sẽ khiến kinh tế ổn định? Nhìn châu Âu, Mỹ, có ai không muốn mở cửa kinh doanh, nhưng làm được không? Lúc đầu, chẳng phải họ sợ tổn hại kinh tế nên cố gắng không phong tỏa, cách ly gì , để giờ mất kiểm soát và kinh tế vẫn tê liệt, tiền mất tật mang. Cho đến khi có biện pháp an toàn 100% thì tốt nhất vẫn nên quên tiếp tục nới rộng cách ly. Tôi nghĩ phải làm mạnh mẽ hơn để dập tắt bệnh dịch nhanh nhất, như thế mới tốt cho người dân.
Nghỉ hay cách ly 14 ngày để dập dịch là giải pháp tốt nhất. Nhưng sau 14 ngày thì cần phải có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam vì châu Âu, Mỹ và các nước khác nhiễm bệnh rất nhiều. Sau 14 ngày, ta chỉ nên mở cửa cho nhập khẩu hàng hóa, cho một lượng chuyên gia của các công ty nước ngoài tại Việt Nam nhập cảnh, cách ly tại công ty họ, giám sát chặt chẽ, không nhập cảnh du lịch cho tới khi thế giới hết dịch. Có vậy mới bảo toàn lực lượng.
Dập dịch nhanh thì kinh tế phục hồi nhanh, càng lâu càng thiệt hại. Đây là nhận định các chuyên gia Mỹ và EU hiện tại đấy. Chúng ta chưa thể đói được, chẳng qua tăng trưởng âm là cùng. Dịch còn dai dẳng, đừng để bùng phát như EU, Mỹ rồi phải nếm hậu quả.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.
Lê Phạm tổng hợp