Cây chuối thích hợp với khí hậu ấm áp của vùng nhiệt đới, trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới và phổ biến nhất là châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Chuối có nhiều giống như chuối tây, chuối tiêu, chuối ngự, chuối mật, chuối hột... Trong đó, chuối tiêu là loại được ưa chuộng.
Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thùy Linh, Đại học Y Hà Nội, chuối không đơn thuần là loại quả dinh dưỡng mùa hè còn là vị thuốc quý trong đông y. Từ thân, lá, hoa, quả đều mang đến những lợi ích không ngờ.
"Mỗi ngày nên ăn ít nhất một quả chuối để cung cấp nhiều loại muối khoáng và các vitamin rất cần thiết với cơ thể", bác sĩ nói.
Quả chuối
Chuối giàu các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B6, chất xơ và kali. Kali có vai trò kích thích cơ bắp, dây thần kinh và các tế bào não. Lượng kali trong một quả chuối khoảng 450mg, trong khi một người trưởng thành cần 4,7g kali mỗi ngày.
Ăn chuối mỗi ngày giúp tăng sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật. Chuối còn là lựa chọn dành cho những người thường xuyên tập luyện thể thao, hoạt động mạnh cần phát triển cơ bắp. Đường glucoza trong chuối chín ăn vào sẽ được hấp thu nhanh vào máu, bổ sung kịp thời lượng đường của cơ thể bị tiêu hao, giúp phục hồi nhanh chóng.
Ở Việt Nam nhiều người thích ăn chuối tiêu. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100 g chuối tiêu chín có 74 g nước; 1,5 g protid; 0,4 g axit hữu cơ; 22,4 g glucid; 0,8 g xenluloza; cung cấp 100 kcal. Loại quả này vượt xa các loại quả khác về mức năng lượng, ví dụ 100 g cam chỉ cung cấp 43 kcal, đu đủ chín 36 kcal, nhãn 49 kcal, vú sữa 43 kcal...
Trong Đông y, chuối tiêu có vị ngọt, tính hàn, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Do đó người ta ăn chuối để chữa các chứng bệnh táo bón, sốt, mụn nhọt, bị xuất huyết do trĩ, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm gan vàng da, sưng tấy...
Hoa chuối
Hoa chuối giàu vitamin A, C, E và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể và được sử dụng trong rất nhiều phương thuốc từ thời xa xưa để điều trị các rối loạn khác nhau.
Phụ nữ sử dụng hoa chuối thường xuyên để điều hòa kinh nguyệt vì chúng tăng hàm lượng progesteron ở phái đẹp. Đây là loại hormone giúp cân bằng chức năng kinh nguyệt và sinh sản. Hoa chuối làm tăng hemoglobin trong cơ thể vì chúng giàu sắt, thích hợp cho người thiếu máu. Chiết xuất methanol của hoa chuối có đặc tính chống oxy hóa, ổn định các gốc tự do trong cơ thể.
Người bị táo bón thích hợp sử dụng hoa chuối bởi đặc tính giàu chất xơ. Chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, điều chỉnh nhu động ruột và thải độc. Ăn thực phẩm giàu chất xơ cũng có lợi cho việc giảm cân.
Hoa chuối thái mỏng đưa vào bữa ăn như món ăn kèm hoặc chế biến thành salad. Uống nước ép hoa chuối thường xuyên rất có lợi cho sức khỏe.
Vỏ chuối
Vỏ chuối giàu vitamin B6, B12 cũng như chất xơ protein. Dùng vỏ chuối chà lên răng để trắng, sáng hơn. Vỏ chuối giúp loại bỏ mụn cám bằng cách chà nhẹ lên vùng da bị ảnh hưởng. Tình trạng mụn sẽ được cải thiện trong thời gian ngắn.
Vỏ chuối còn ngăn ngừa nếp nhăn nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa, giữ cho da ngậm nước, săn chắc và cải thiện độ đàn hồi. Massage bằng vỏ chuối và để trong 15 phút, làm dịu vết đau, sưng tấy hoặc vết côn trùng cắn.
Ngoài ra, sử dụng vỏ chuối làm phân bón giúp bổ sung canxi, magiê, lưu huỳnh, phốt phát, kali và natri... Chỉ cần cắt vỏ thành miếng nhỏ và chôn dưới gốc cây, tưới nước thường xuyên.
Thân chuối
Ngoài ép lấy nước rồi pha với các thành phần khác như nước ép củ cải và chanh, thân cây chuối có thể ăn với hoa chuối giúp điều trị các rối loạn kinh nguyệt và đau dạ dày. Chỉ cần thái nhỏ, cho chút muối, hạt tiêu và sữa chua, sau đó xay nhuyễn, cho thêm nước đun sôi, tiếp tục đánh cho nhuyễn.
Dân gian từng sử dụng củ cây chuối hột, giã nát, trộn thêm phèn chua, muối ăn, sau đó cho vào vải sạch vắt lấy nước để ngậm trong 3-5 lần mỗi ngày. Cứ làm liên tục trong vòng 5 ngày sẽ giúp chữa đau răng hiệu quả.
Ngoài ra, thân cây chuối chứa nhiều chất xơ có thể thái mỏng làm gỏi, ăn sống giúp thanh mát, giải độc, giảm cân, kiểm soát cơn thèm ăn hiệu quả. Thân cây chuối có thể là một loại thuốc lợi tiểu giúp ngăn ngừa sỏi thận.
Ăn chuối đúng cách
Chuối là một loại trái cây có đường nên hạn chế ăn nhiều. Ăn quá nhiều trong thời gian dài có thể gây nguy cơ ngộ độc cấp các vitamin và khoáng chất, làm tăng kali máu, suy yếu cơ, tê liệt tạm thời và nhịp tim bất thường.
Beta-blockers, một loại thuốc thường được kê đơn nhất đối với bệnh tim, có thể gây mức độ kali trong máu tăng. Thực phẩm kali cao như chuối nên được tiêu thụ ở mức vừa phải khi dùng beta-blockers.
Một trái chuối cung cấp khoảng 10% nhu cầu kali mỗi ngày cho cơ thể. Tiêu thụ quá nhiều kali có thể gây hại cho những người có thận không đầy đủ chức năng. Nếu thận không thể loại bỏ kali dư thừa từ máu có thể gây tử vong.
Thùy An