Thế giới bước sang năm 2024 với nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, sau khi chứng kiến nhiều cuộc xung đột, khủng hoảng trên toàn cầu năm qua. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm mới, chiến sự ở Dải Gaza đã trở nên khốc liệt hơn mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hoặc chấm dứt.
Israel đang mở rộng quy mô tấn công xuống miền nam Gaza, cũng như tăng cường các hoạt động không kích, tập kích các nhóm đồng minh với Hamas ở Lebanon, Syria, khiến Trung Đông ngày càng bị đẩy dần đến bờ vực của một cuộc xung đột quy mô lớn.
Tel Aviv tuyên bố chỉ dừng lại sau khi "loại bỏ Hamas" và giải cứu hơn 100 con tin còn lại bằng sức ép quân sự. Quan chức Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói rằng chiến dịch sẽ tiếp tục trong tháng đầu năm 2024 trước khi có thể đàm phán về lệnh ngừng bắn thứ hai nhằm trao đổi con tin và tù nhân, cũng như cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng sự kiên nhẫn của ông đang cạn dần trước thương vong ngày càng lớn của người Palestine, chính quyền Mỹ chưa cắt giảm viện trợ hoặc ngừng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Israel.
Tương lai của Gaza hậu xung đột vẫn là câu hỏi lớn. Thủ tướng Netanyahu đã loại trừ kịch bản cho phép Chính quyền Palestine ở Bờ Tây kiểm soát Gaza, hay triển khai lực lượng Israel chiếm đóng dải đất, nhưng không nói rõ bên nào sẽ quản lý và tái thiết vùng lãnh thổ đổ nát này khi chiến sự kết thúc.
Giới quan sát lo ngại xung đột có thể lan rộng sang khu Đông Jerusalem và Bờ Tây, nơi Hamas vẫn hoạt động tích cực. Nguy cơ leo thang xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon ngày càng cao, khi hai bên công khai tuyên bố sẵn sàng mở "mặt trận thứ hai" nhắm vào nhau.
Benny Gantz, thành viên nội các thời chiến của Thủ tướng Netanyahu, tuyên bố IDF sẽ điều quân vào lãnh thổ Lebanon để tấn công và đẩy lùi Hezbollah khỏi biên giới nếu các vụ pháo kích, phóng tên lửa vào khu vực miền bắc Israel không chấm dứt. Nhưng lời đe dọa này không ngăn được Hezbollah tiếp tục tiến hành tấn công.
Peter Jennings, thành viên cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết biên giới Israel - Lebanon đang trở thành "chảo lửa", với các cuộc bắn phá bằng rocket hàng ngày của Hezbollah và đòn tấn công trả đũa từ Israel.
"Nó chưa leo thang thành cuộc chiến toàn diện, song tôi nghĩ đây vẫn là vùng chiến sự cực kỳ nguy hiểm", Jennings nói.
Giới quan sát cho rằng cục diện Dải Gaza năm 2024 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc cựu tổng thống Donald Trump có chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 hay không. Bethan McKernan, nhà bình luận của Guardian, cho rằng ông Trump là người ủng hộ mạnh mẽ với phe cánh hữu có quan điểm cứng rắn ở Tel Aviv và có thể chấp thuận các chính sách như sáp nhập Bờ Tây vào lãnh thổ Israel.
Bởi vậy, bầu cử tổng thống Mỹ sẽ trở thành chủ đề được dư luận thế giới quan tâm hàng đầu trong năm nay, với cuộc đua vào Nhà Trắng được dự đoán sẽ diễn ra quyết liệt giữa ông Trump và ông Biden.
Năm 2016, ông Donald Trump từng giành được chiến thắng gây sốc trước ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Sau nhiệm kỳ 4 năm, ông Trump thất bại trước đối thủ Biden vào năm 2020, châm ngòi cho nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử và cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol đầu tháng 1/2021.
Cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 được ông Trump mô tả như "trận chiến cuối cùng". Ông dự kiến đối đầu với các đối thủ chính là Thống đốc Florida Ron DeSantis và cựu đại sứ Nikki Haley trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa bắt đầu từ giữa tháng này. Với tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò vượt xa hai đối thủ, ông Trump được cho là sẽ trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với cựu tổng thống có lẽ là 91 cáo buộc hình sự trong 4 vụ kiện ở các bang, mà ông mô tả là "cuộc săn phù thủy" của đảng Dân chủ.
"Ông ấy đã thay đổi Washington. Đó là lý do họ ghét ông ấy", một người ủng hộ tham gia sự kiện vận động tranh cử của ông Trump ở Waterloo, bang Iowa tháng trước nói. Người này mô tả cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới là "vô nghĩa" bởi "không ai có thể đánh bại ông Trump".
Kết quả thăm dò do Morning Consult và Bloomberg News công bố ngày 14/12/2023 cho thấy Tổng thống Biden đang kém ông Trump trung bình 5,28 điểm phần trăm tại 7 bang chiến trường, gồm Bắc Carolina, Georgia, Wisconsin, Nevada, Michigan, Arizona và Pennsylvania.
Dylan Matthews, nhà phân tích của Vox, cho rằng Tổng thống Biden đang gặp nhiều bất lợi trước thềm cuộc bầu cử, khi nền kinh tế Mỹ không như mong đợi và nhiều cử tri trẻ không hài lòng với chính sách điều hành của ông.
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 cũng diễn ra đồng thời với bầu cử quốc hội giữa kỳ, có thể chứng kiến thay đổi lớn ở lưỡng viện. Matthews dự đoán đảng Cộng hòa sẽ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, trong khi Hạ viện sẽ thuộc về phe Dân chủ.
Kết quả bầu cử tại Mỹ cũng có thể tác động lớn tới xung đột Ukraine, khi Washington là nhà viện trợ hàng đầu của quốc gia Đông Âu trong cuộc chiến với Nga.
Ukraine bước sang năm mới với tâm trạng ảm đạm hơn. Chiến dịch phản công quy mô lớn rất được kỳ vọng hồi mùa hè năm ngoái đã rơi vào bế tắc. Chiến trường đóng băng trong mùa đông, thương vong gia tăng, nguồn lực dần cạn và những cam kết của quốc tế với Ukraine suy giảm mạnh. Trong khi đó, nỗ lực viện trợ cho Ukraine của chính quyền ông Biden vấp rào cản lớn từ đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Năm nay có thể là thời điểm quyết định đối với cuộc chiến và tương lai Ukraine, song mọi thứ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây đối với Kiev, theo Shaun Walker, nhà phân tích của Guardian.
Trong nước, căng thẳng và bất đồng giữa ông Zelensky với giới lãnh đạo quân sự đang gia tăng, liên quan đến thất bại trong chiến dịch phản công, điều có thể tác động tiêu cực tới cuộc chiến, theo giới quan sát.
Ông Zelensky sẽ hết nhiệm kỳ tổng thống 5 năm vào tháng 3, song ý tưởng tổ chức bầu cử vào thời điểm này vấp phản đối quyết liệt từ xã hội Ukraine và các đối thủ chính trị của ông. Họ cho rằng tổ chức bầu cử trong thời chiến là bất công, khi chiến thắng dường như chắc chắn sẽ thuộc về ông Zelensky.
Một trong những câu hỏi lớn nhất là liệu những tổn thất trên chiến trường và nguồn lực cạn kiệt có khiến Ukraine phải tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với Nga hay không. Hiện tại, triển vọng đàm phán hòa bình vẫn còn xa vời, khi cả hai bên dường như đều chưa sẵn sàng ngồi vào bàn đối thoại.
2024 cũng có thể là năm đáng nhớ trong lịch sử Thụy Điển và NATO nếu hoàn tất thủ tục gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Gần hai năm trước, Thủ tướng Phần Lan và Thụy Điển khi đó là Sanna Marin và Magdalena Andersson tổ chức họp báo chung, công bố kế hoạch gia nhập liên minh quân sự NATO. Bà Marin nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã "thay đổi mọi thứ", kể cả chính sách trung lập của hai quốc gia Bắc Âu.
Nhiều thứ đã thay đổi kể từ cuộc họp báo chung vào tháng 4/2022. Bà Marin đã rời chính trường để làm việc tại Viện Tony Blair, trong khi bà Andersson cũng đã mãn nhiệm, nhường ghế cho Thủ tướng Ulf Kristersson.
Phần Lan đã gia nhập NATO vào tháng 4/2023, đánh dấu quá trình kết nạp liên minh nhanh nhất trong lịch sử của khối. Nhưng đơn xin gia nhập của Thụy Điển vấp rào cản khi nước này phải chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary bật đèn xanh.
Miranda Bryant, nhà phân tích của Guardian, cho rằng Thụy Điển gia nhập NATO có nghĩa tất cả các nước Bắc Âu đều góp mặt trong liên minh, tạo ra một nền tảng quyền lực mới cho khu vực này và Biển Baltic sẽ trở thành "biển của NATO". Hiện tại, Thụy Điển đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận 17 căn cứ quân sự của nước này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mong chờ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hoàn tất duyệt Thụy Điển vào liên minh "sớm nhất có thể", có thể trong năm nay. "Thụy Điển gia nhập sẽ giúp NATO mạnh hơn", ông Stoltenberg nói.
Thanh Tâm (Theo Guardian, Vox, Reuters)