Olivia de Havilland - được mệnh danh "minh tinh cuối cùng của thời hoàng kim Hollywood" - qua đời hôm 26/4, thọ 104 tuổi. Diễn viên bắt đầu sự nghiệp từ tuổi đôi mươi và nổi tiếng với loạt phim Cuốn theo chiều gió, To Each His Own, The Heiress...
A Midsummer Night’s Dream (Giấc mộng đêm hè, 1935)
Havilland lần đầu xuất hiện trên màn ảnh với tác phẩm giả tưởng lãng mạn của Shakespeare - A Midsummer Night’s Dream. Hermia đem lòng yêu chàng trai Lysander (Dick Powell) và muốn cưới anh ta. Tuy nhiên, cha bắt cô kết hôn với người mà ông lựa chọn là Demetrius (Ross Alexander). Hermia sau đó bỏ trốn cùng Lysander.
Phim có sự xuất hiện của các ngôi sao Dick Powell, James Cagney, Mickey Rooney...
Trích đoạn của Havilland trong "A Midsummer Night’s Dream". Video: Youtube.
Captain Blood (1935)
Lấy bối cảnh Anh thế kỷ 17, phim xoay quanh câu chuyện bác sĩ Peter Blood (Errol Flynn) bị buộc tội phản quốc và bán làm nô lệ. Trong phim, Havilland hóa thân nữ quý tộc Arabella bỏ tiền ra mua Peter Blood, rồi nảy sinh tình cảm với anh.
Theo Variety, diễn viên khắc họa rõ nét hình tượng một phụ nữ trẻ đầy kiêu ngạo, biết mình muốn gì và sẵn sàng chiến đấu vì nó. Nhà sử học điện ảnh Tony Thomas nhận xét Havilland có ngoại hình cổ điển, giọng nói đúng chuẩn đưa khán giả trở về thời quý tộc xa xưa.
Trailer phim "Captain Blood". Video: Youtube.
The Adventures of Robin Hood (1938)
Flynn và Havilland tái hợp trong tác phẩm do Michael Curtiz và William Keighley đạo diễn. Flynn đóng vai Robin Hood còn Havilland vào vai Marian Fitzwalter - người thương thuyết của hoàng gia. Marian ban đầu phản đối Robin Hood nhưng sau đó mạo hiểm tính mạng để cứu sống và ủng hộ kế hoạch của anh. Trong buổi giao lưu với báo giới năm 1964, Havilland cho biết Marian có nhiều điểm giống mình ngoài đời. Bà nói: "Marian là mẫu người xinh đẹp như trong cổ tích, thông minh, lý trí và hết mình vì tình yêu. Con người tôi cũng có vài phần như vậy".
Trích đoạn của Havilland - "The Adventures of Robin Hood". Video: Youtube.
Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió, 1939)
Khi tác phẩm của Margaret Mitchell chuẩn bị lên phim, có 1.400 diễn viên thử vai chính Scarlett O’Hara. Trong khi đó, Havilland muốn vào vai Melanie Hamilton, em họ của Scarlett, sau khi đọc tiểu thuyết. Bà cho rằng mình hiểu nhân vật và thể hiện được tính cách Melanie tốt nhất. Tác phẩm mang về cho bà đề cử Osar "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" đầu tay trong sự nghiệp.
Một số cảnh của Olivia De Havilland trong "Cuốn theo chiều gió". Video:Youtube.
Hold Back the Dawn (1941)
Bà vào vai Emmy Brown - một giáo viên người Mỹ, phải lòng Georges Iscovescu (Charles Boyer đóng) - một gigolo (chuyên sống bám vào đàn bà) ở Romania. Georges tìm cách tiếp cận, kết hôn với Emmy để được nhập cư vào Mỹ. Cây viết Bosley Crowther của The New York Times nhận xét diễn xuất của Havilland xuất sắc và chân thực. "Bà khắc họa tốt một giáo viên và thể hiện thành công hình ảnh người phụ nữ với câu chuyện tình lãng mạn. Bà góp công lớn cho thành công của bộ phim".
Vai diễn mang về cho bà một đề cử "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Oscar. Tuy nhiên, lần này, bà bị đánh bại bởi chính em gái mình - Joan Fontaine - với tác phẩm Suspicion.
Những khoảnh khắc của Olivia de Havilland trong "Hold Back the Dawn". Video: Youtube.
To Each His Own (1946)
Sau khi chấm dứt hợp đồng với Warner Bros. và gia nhập Paramount Pictures, Havilland góp mặt trong To Each His Own do Mitchell Leisen đạo diễn. Bà đóng Jody - cô gái ở thị trấn nhỏ, có quan hệ tình cảm với phi công Bart Cosgrove (John Lund) trong Thế chiến Một. Anh qua đời trên chiến trường, cô ở vậy nuôi con. Sau này, cậu bé lớn cũng trở thành một phi công và tham gia Thế chiến Hai.
Vai diễn giúp bà giành giải "Nữ diễn viên xuất sắc" tại lễ trao giải Oscar 1947. Theo nhà sử học điện ảnh Tony Thomas, giải thưởng minh chứng cho khả năng diễn xuất tuyệt vời của Havilland cũng như đặt dấu chấm hết cho mối duyên của bà với Warner Bros.
The Dark Mirror (1946)
The Dark Mirror là phim kinh dị tâm lý do đạo diễn Robert Siodmak - tác giả của The Killers - thực hiện. Bà vào vai cặp sinh đôi Terry và Ruth. Cả hai nằm trong diện nghi ngờ khi hàng xóm bị giết. Cơ quan điều tra phải tìm ra trong hai chị em, ai là người bình thường và ai bị tâm thần.
Trích đoạn của Havilland trong "The Dark Mirror". Video: Youtube.
The Snake Pit (1948)
Bộ phim do Anatol Litvak đạo diễn, xoay quanh một nghiên cứu không có căn cứ về bệnh tâm thần và các phương pháp điều trị. Bà hóa thân Virginia - bà nội trợ bị tâm thần, thường nghe thấy những giọng nói kỳ lạ và bị đưa đến một bệnh viện. Vai diễn tiếp tục mang về cho bà đề cử Oscar "Nữ diễn viên xuất sắc". Trên New York Times, bà cho biết đó là một trong những nhân vật yêu thích nhất.
Trích đoạn của Havilland trong "The Snake Pit". Video: Youtube.
The Heiress (1949)
Trong tác phẩm The Heiress của đạo diễn William Wyler, Havilland vào vai Catherine Sloper - một phụ nữ nhút nhát, bị cha là bác sĩ Austin Sloper (Ralph Richardson) - kìm kẹp và chi phối. Cô gặp và yêu anh chàng đẹp trai Morris Townsend (Montgomery Clift). Cả hai dự định kết hôn nhưng bị cha Catherine phản đối vì cho rằng con gái bị người tình lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Họ dự định bỏ trốn nhưng Morris lại biệt tăm. Cuối cùng, Catherin chọn ở bên chăm sóc cha.
Truyền thông Mỹ bấy giờ nhận xét Havilland khắc họa rõ nét hình ảnh cô gái nhút nhát, yếu đuối qua giọng nói rụt rè, đôi bàn tay run rẩy vì lo lắng, đôi mắt mỏi mệt và những hành động cẩn thận. Vai diễn giúp bà lần hai thắng giải "Nữ chính xuất sắc" tại Oscar. Ngoài ra, bà được vinh danh tại giải Quả Cầu Vàng, Giải thưởng phê bình phim New York... Trong một cuộc phỏng vấn năm 1964, bà nói: "Những bộ phim mà tôi yêu thích là The Great Loves, The Snake Pit, The Heiress và dĩ nhiên có Cuốn theo chiều gió".
Trailer "The Heiress". Video: Youtube.
My Cousin Rachel (1952)
Năm 1952, bà đóng chính trong bộ phim My Cousin Rachel, dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Daphne du Maurier. Bà vào vai vợ của người đàn ông lớn tuổi - Philip Ashley (Richard Burton). Trong lần ra mắt, con trai của chồng cô nói mẹ kế có khả năng giết người.
Trailer phim "My Cousin Rachel". Video: Youtube.
Hush ... Hush, Sweet Charlotte (1964)
Tác phẩm kinh dị, tâm lý của đạo diễn Robert Aldrich xoay quanh Davis (Bette Davis) - người phụ nữ bị nghi đã giết nhân tình 40 năm trước. Havilland đóng vai em họ đến để giúp Davis cứu tòa biệt thự khi chính quyền địa phương định dỡ bỏ nó. Tuy nhiên, cô cùng người yêu lên kế hoạch chuốc thuốc chị họ để đưa vào trại tâm thần, nhằm chiếm đoạt tài sản. Cuối cùng, mọi chuyện bại lộ, cả hai bị Davis giết hại.
Trích đoạn của Havilland trong "Hush ... Hush, Sweet Charlotte". Video: Youtube.
Hiểu Nhân