Nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ, 67 tuổi, qua đời lúc 13h50 chiều 23/12 tại nhà riêng ở TP HCM sau thời gian bệnh ung thư, để lại thương tiếc với khán giả đồng nghiệp. Nhiều người nhắc nhớ những vai diễn kinh điển của bà.
Lan - vở Lan và Điệp
14 tuổi, Thanh Kim Huệ được cố soạn giả Loan Thảo chọn vào vai Lan, hát cùng Chí Tâm (vai Điệp) trong bản thu Chuyện tình Lan và Điệp (soạn giả Thế Châu). Tuổi đời non nớt, vừa tham gia nghệ thuật được hơn một năm, bà lo lắng khi lần đầu thể hiện vai lớn. Soạn giả khuyên bà đóng tự nhiên, không màu mè.
Không có kinh nghiệm thực tế, Thanh Kim Huệ tìm cảm xúc từ những lời ca. Lúc hát, bà quên mọi thứ, sống trọn cùng mối tình oan nghiệt của nhân vật. Đến đoạn Lan biết hết mọi chuyện, đứng sau hè và khóc, khi tiếng đờn vang lên, Thanh Kim Huệ ca "Có vợ rồi nên tử tế với người ta", nước mắt bà cũng tuôn trào. Toàn bộ bản thu hoàn thành trong hai ngày, sau đó trở thành đĩa nhạc thành công nhất trong các phiên bản Lan và Điệp.
Thị Hến - vở Ngao sò ốc hến
Thập niên 1980, Thanh Kim Huệ tiếp tục ghi dấu với vai Hến trong vở tuồng dân gian Ngao, Sò, Ốc, Hến của đoàn cải lương Sài Gòn 1. Lần đầu diễn vai đào lẳng điểm xuyết nét duyên hài, bà nghiên cứu kịch bản để tìm hướng thể hiện nhân vật khác với tích cổ. Từng điệu bộ như đánh tay, ngúng nguẩy... đều được bà tính toán kỹ lưỡng khiến nhân vật trở nên giàu sức sống.
Ở màn quan huyện xử án, Thanh Kim Huệ khoe làn hơi ca cổ đầy nội lực, ngân dài - cho đến nay chưa có nghệ sĩ nào tái hiện được trọn vẹn nhân vật kinh điển này. Thị Hến để lại ấn tượng không kém hai nhân vật quan huyện (Thanh Điền) và Trùm Sò (Giang Châu). "Mỗi lần đi diễn ở vùng sâu vùng xa, khán giả dường như quên mất tên tôi, chỉ gọi bằng cái tên Thị Hến", bà từng cho biết.
Thủy Cúc - vở Đường gươm Nguyên Bá
Năm 1973, Thanh Kim Huệ được soạn giả Loan Thảo mời đóng vai đào chánh - công chúa Thủy Cúc trong vở Đường gươm Nguyên Bá. Bà ghi dấu ấn với hình tượng công chúa trong sáng, chân tình, dám chấp nhận thử thách, hy sinh vì tình yêu. Giọng hát trong trẻo đan xen nét gợn buồn của nghệ sĩ khi thể hiện bài hát mang âm hưởng Nhật Bản khiến khán giả thích thú. Tác phẩm cũng mở ra mối lương duyên sân khấu của Thanh Kim Huệ với Thanh Tuấn - vai thái tử Ngũ Châu. Cả hai sau đó hợp tác trong nhiều vở diễn.
Sao Ly - vở Tình ca biên giới
Bà đóng Sao Ly - thiếu nữ dân tộc Tày, có giọng hát hay, được mệnh danh "sơn ca của núi rừng". Sao Ly được gả làm vợ tù trưởng nhưng không chấp thuận. Cô xin được gia nhập đội quân giết giặc rồi cuối cùng hy sinh. Nhiều khán giả thích thú khi nghệ sĩ khoe chất giọng cao, trong vút ở những phân cảnh nhân vật múa, hát.
Hà Trang - vở Em ơi đừng khóc nữa
Thanh Kim Huệ hóa thân Hà Trang - người phụ nữ thủy chung trong tình yêu - trong tác phẩm do chính bà viết kịch bản. Hà Trang yêu Khắc Cường (Minh Vương) nhưng bị anh bỏ rơi, tìm mọi cách gán ghép với em trai Hoài Sơn (Dương Thanh). Cô chấp nhận sống trong thầm lặng, một mình nuôi con mà vẫn giữ trọn tình cảm với tình cũ. Bà lột tả tâm trạng nhân vật với âm sắc sáng, làn hơi dài. Kim Tử Long cho biết đây là vai diễn anh thích nhất của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ.
Chúc Anh Đài - vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài
Thanh Kim Huệ còn được nhớ đến nhiều với vai Chúc Anh Đài, đóng cặp nghệ sĩ Minh Vương trong vở cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài chuyển thể từ tích truyện cùng tên của Trung Quốc.
Bà biến hóa nhân vật khi ở thân phận nam giới, lúc nữ giới bằng chất giọng sáng, vang hiếm có. Minh Vương - bạn diễn của bà - nhận xét: "Thanh Kim Huệ không tham gia nhiều vở diễn, nhưng các nhân vật của cô ấy đều để lại ấn tượng đậm nét, trở thành chuẩn mực cho các diễn viên trẻ".
Hiểu Nhân