Nghệ sĩ Thanh Điền - chồng Thanh Kim Huệ - nghẹn ngào: "Khi tôi đang đi quay phim thì người nhà báo tin. Cô ấy chờ tôi về đến nhà, gặp mặt lần cuối mới nhắm mắt. Tôi đau lắm khi mất đi người vợ gắn bó, người đồng nghiệp tài hoa của làng cải lương".
Lễ tang nghệ sĩ diễn ra tại nhà riêng ở quận 10. Lễ viếng từ ngày 24 đến 25/12. Lễ động quan lúc 7h ngày 26/12. Linh cữu được an táng tại nghĩa trang Hoa Viên, Bình Dương.
Thanh Điền cho biết ông chuẩn bị tâm lý cho sự mất mát vì vợ bị ung thư, sức khỏe bà suy yếu nhiều năm qua. Hồi đầu năm, ông đưa vợ đi khám thì phát hiện bà bị ung thư đại tràng di căn sang gan, phổi. Tháng 4, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ nhập viện mổ. Sau đó, bà về nhà điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
* Thanh Kim Huệ - 'nàng Lan' huyền thoại của cải lương
Không chỉ nổi tiếng trong nghề, vợ chồng Thanh Điền - Thanh Kim Huệ được khán giả biết đến với mối tình son sắt qua 50 năm. Lần đầu gặp nghệ sĩ cải lương Thanh Điền, Thanh Kim Huệ chê ông xấu trai, không nghĩ ông trở thành "tình đầu cũng là tình cuối" của bà. Ông bà kết hôn vào dịp Tết năm 1975 và có với nhau hai người con là Nguyễn Đăng Quang (con trai, sinh năm 1977) và Nguyễn Đức Hồng Loan (con gái, sinh năm 1986, đã mất vì bệnh).
* 50 năm son sắt của Thanh Điền, Thanh Kim Huệ
Đồng nghiệp bàng hoàng khi hay tin. Nghệ sĩ Minh Vương - bạn diễn ăn ý với bà - ngậm ngùi, nói ông biết tình trạng của Thanh Kim Huệ mấy tháng qua. Ông tư vấn cho đồng nghiệp một số nơi chữa bệnh, cầu nguyện cho bà sớm phục hồi. Với ông, Thanh Kim Huệ là một trong số ít những cô đào có chất giọng kim, sáng, vang hiếm có. Minh Vương cho biết: "Thanh Kim Huệ không tham gia nhiều vở diễn, nhưng các nhân vật của cô ấy đều để lại ấn tượng đậm nét, trở thành chuẩn mực cho các diễn viên trẻ".
Nghệ sĩ Bạch Tuyết hay tin bạn mắc bạo bệnh đã lâu, song sự ra đi của Thanh Kim Huệ vẫn khiến bà nhói lòng. Nhiều tháng trước, Bạch Tuyết đến thăm lúc nghệ sĩ trở nặng. Thấy đồng nghiệp đau đớn trên giường bệnh, bà không cầm được nước mắt. Bạch Tuyết cho biết: "Vậy mà em ấy không than một lời. Có lần, em nói với tôi: Nếu được, em chỉ muốn mình ra đi sớm để chấm dứt nỗi đau cho bản thân và gia đình".
Kim Tử Long đau lòng vì không biết nghệ sĩ bị bệnh ung thư. Tử Long nói: "Mất mát này quá lớn với sân khấu cải lương. Tôi tiếc vì chị ấy không chờ kịp đến ngày được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Chị đang ấp ủ dự án dựng lại những vở kinh điển của chính mình, nhưng giờ mọi việc dang dở". Kim Tử Long thích nhất Thanh Kim Huệ đóng vai Hà Trang của Em ơi đừng khóc nữa - một hình tượng phụ nữ thủy chung trong tình yêu.
Ở tuổi xế chiều, Thanh Điền - Thanh Kim Huệ dốc sức cho sân khấu cải lương. Hồi tháng 5, vừa ra viện sau một đợt ốm, bà nhận lời xuất hiện trong chương trình Dấu ấn huyền thoại, cùng chồng diễn lại các trích đoạn kinh điển. Bà nói: "Hơn 50 năm vào nghề, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giải nghệ, vẫn chú trọng giữ gìn sức khỏe để gặp khán giả trong tâm thế tốt nhất. Chúng tôi nguyện cầu giữ được năng lượng ấy để hát đến ngày cuối đời".
Giữa tháng 7, cặp nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ góp mặt trong danh sách 22 gương mặt Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Lúc đó, bà cho biết: "Tôi vui mừng và hãnh diện. 45 năm theo nghiệp ca diễn, ngoài tình cảm lớn lao của khán giả, danh hiệu nhà nước phong tặng là một trong những phần thưởng ghi nhận nỗ lực trong nghề của chúng tôi".
Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh năm 1954 tại TP HCM, có hơn 50 gắn bó với sân khấu cải lương, ca cổ. Sinh ra trong gia đình không ai theo nghề hát, bà từng nghĩ sẽ trở thành bác sĩ hơn là ca sĩ, nhưng số phận đưa đẩy bà theo nghề từ nhỏ. Bà từng tham gia nhiều đoàn hát như Dạ Minh Châu, Thiên Hương, Hoa Phượng, Kim Chung, Đoàn Sài Gòn 1, 2, 3...
Năm 13 tuổi, cô bé Bùi Thị Huệ về đoàn Kim Chung - gánh hát đình đám thời bấy giờ, diễn các dạng vai từ nô tỳ đến đào ba, đào nhì... Bà lấy nghệ danh với chữ "Kim" ngụ ý về âm sắc cao, vang và sáng của chất giọng.
14 tuổi, Thanh Kim Huệ được cố soạn giả Loan Thảo chọn vào vai Lan, hát cùng Chí Tâm (vai Điệp) trong bản thu Chuyện tình Lan và Điệp (soạn giả Thế Châu). Là cô đào chưa mấy tên tuổi, bà hồi hộp khi lần đầu thể hiện một vai lớn. Thế nhưng, lúc hát, nghệ sĩ quên mọi thứ, sống trọn cùng mối tình oan nghiệt của nhân vật. Đoạn Lan tiễn Điệp lên thành phố học, bà chọn cách hát vừa nũng nịu, giận hờn vừa thiết tha của thiếu nữ trao trọn tin yêu cho mối tình đầu. Khi Lan bị phụ bạc, lên chùa cắt tóc đi tu, bà hát thay nỗi lòng người từ bỏ những sân hận trần gian. Sự nghiệp của bà đạt đến đỉnh cao vào những năm thập niên 1970.
Ngoài tuồng cổ, bà được khán giả hâm mộ với những bản tân cổ giao duyên. Sau khi được hãng đĩa Việt Nam mời bà ký độc quyền năm 1972, với ba bài tân cổ đầu tiên Biển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu cùng với nghệ sĩ Minh Vương, bà gây ấn tượng mạnh trong lòng công chúng, mở đầu cho hàng loạt những bài tân cổ giao duyên làm giới mộ điệu say mê.
Giọng ca thanh thoát, giàu cảm xúc của bà ghi dấu ấn qua các tác phẩm như Chợ Mới (tác giả: Trọng Nguyễn), Rước tình về với quê hương (tân nhạc: Hoàng Thi Thơ, cổ nhạc: Loan Thảo), Đám cưới trên đường quê (Nhạc: Hoàng Thi Thơ, lời vọng cổ: Yên Lang)... Bà có thể kết hợp hài hòa, ăn ý với nhiều nam nghệ sĩ như: Minh Cảnh, Minh Vương, Chí Tâm, Tấn Tài, Trọng Hữu... Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật cổ truyền, giọng hát Thanh Kim Huệ được xem là độc nhất, mang bản sắc riêng biệt, làm giàu hương sắc cho làng cải lương miền Nam một thời vàng son.