Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen sẽ công bố người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay vào 11h (16h giờ Hà Nội) ngày 7/10 tại Viện Nobel Na Uy, thủ đô Oslo.
Người chiến thắng được lựa chọn bởi 5 thành viên trong Ủy ban Nobel Na Uy, thường là các chính trị gia đã nghỉ hưu được quốc hội Na Uy bổ nhiệm. Theo di nguyện của Nobel, giải được trao cho cá nhân, tổ chức "có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Danh sách đề cử được giữ bí mật trong 50 năm, nhưng người hoặc tổ chức đề cử được phép tiết lộ ứng viên của họ. Các nghị sĩ Na Uy gần đây có xu hướng công khai tên ứng viên được họ đề cử, và 7 trong số 9 người đoạt giải Nobel Hòa bình những năm trước nằm trong số này.
Ứng viên cho Nobel Hòa bình cũng có thể được đề xuất bởi thành viên chính phủ, quốc hội các nước, nguyên thủ quốc gia, giáo sư lịch sử, khoa học xã hội, luật và triết học tại các trường đại học hoặc người từng đoạt giải. Thời gian đề cử kết thúc vào ngày 31/1.
Danh sách năm nay có 343 ứng viên, trong đó có Cơ quan Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
UNHCR là cơ quan đi đầu trong ứng phó các cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Ukraine và Afghanistan, hỗ trợ tài chính và hàng hóa thiết yếu cho những người gặp khó khăn vì xung đột, chiến sự, đói nghèo.
Xung đột ở Ukraine khiến 7,2 triệu người tị nạn từ Ukraine di tản sang châu Âu, hơn 6,9 triệu người Ukraine phải sơ tán trong nước, theo LHQ. Đây là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Những năm gần đây, UNHCR còn đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ nhân đạo tại Syria và ứng phó cuộc khủng hoảng nhập cư trên Địa Trung Hải.
UNHCR từng được trao Nobel Hòa bình vào năm 1954 và 1981.
WHO cũng có đóng góp đáng kể trong nỗ lực đối phó Covid-19. WHO được ca ngợi vì đã hỗ trợ tài chính, vaccine và vật tư y tế giúp kiểm soát đại dịch trên thế giới. Chương trình COVAX, cơ chế nhân đạo nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine nhanh, công bằng được WHO hậu thuẫn, cho đến nay đã phân bổ hơn 1,7 tỷ liều vaccine Covid-19 cho 146 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng hứng chỉ trích vì một số sai sót như chậm trễ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế sau khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, có những thông báo mâu thuẫn về khả năng lây lan của virus và không khuyến cáo đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn đầu đại dịch.
WHO cũng được coi là một trong những ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình trong năm 2020 và 2021.
Danh sách đề cử năm nay còn có Greta Thunberg và phong trào Thứ sáu vì Tương lai của Thụy Điển. Năm 2021, nhà hoạt động vì khí hậu này đã chỉ trích Hội nghị về Khí hậu (COP26) của LHQ là chưa hành động đủ để giảm ô nhiễm CO2.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng được nhiều người kỳ vọng sẽ đoạt Nobel Hòa bình năm nay. Ông được tạp chí TIME bình chọn là một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất năm 2022.
Ông Zelensky từng gây ấn tượng khi xuất hiện trong video gửi đến người dân kèm tuyên bố "Chúng tôi vẫn ở đây, ở Kiev. Chúng tôi đang bảo vệ Ukraine", nhằm bác bỏ tin đồn ông đã rời khỏi đất nước khi Nga mở chiến dịch quân sự. Ông cũng trở thành "Tổng thống thời chiến" lãnh đạo Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Hơn 30 nghị sĩ châu Âu hồi tháng 3 viết thư gửi Ủy ban Nobel Na Uy để yêu cầu gia hạn thời gian đề cử ứng viên từ 31/1 tới 31/3, để họ có thể đề cử ông Zelensky và người dân Ukraine cho giải thưởng này.
Hiện chưa rõ câu trả lời của Ủy ban Nobel Na Uy với đề xuất trên, nhưng Giám đốc Viện Nobel Na Uy Olav Njølstad từng thông báo rằng thời hạn đề cử ứng viên "không thể được gia hạn". Giới quan sát cho rằng điều này khiến cơ hội đoạt giải của ông Zelensky giảm đi đáng kể.
Một số đề cử khác cho giải Nobel Hòa bình năm nay là các chính trị gia đối lập Belarus gồm Sviatlana Tsikhanouskaya, Maria Kolesnikova và Veronika Tsepkalo, lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny, Giáo hoàng Francis, phát thanh viên, nhà tự nhiên học người Anh David Attenborough, Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe, tờ báo Kyiv Independent.
Từ danh sách ứng viên được đề cử, Ủy ban Nobel Na Uy bắt đầu họp từ tháng 2, thảo luận và đưa ra danh sách rút gọn. Nhóm cố vấn thường trực cùng các chuyên gia sau đó xem xét và đánh giá từng trường hợp.
Ủy ban thường họp một lần mỗi tháng để thảo luận, trước khi ra quyết định trong cuộc họp cuối cùng vào đầu tháng 10. Ủy ban ưu tiên sự đồng thuận khi lựa chọn người chiến thắng, nếu không, quyết định sẽ được dựa trên thế đa số.
Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12, trùng với ngày mất của nhà phát minh, nhà khoa học Alfred Nobel. Người nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao một huy chương, một chứng nhận và giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (900.000 USD).
Nobel Hòa bình là một trong 6 giải thưởng do Alfred Nobel thiết lập năm 1895. Năm giải còn lại gồm Nobel Vật lý, Nobel Hoá học, Nobel Y sinh, Nobel Văn học và Nobel Kinh tế.
Nobel Hòa bình năm 2021 được trao cho Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì "nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận". Năm 2020, giải được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống nạn đói và đóng góp cho hòa bình thế giới.
Như Tâm (Theo TIME, Reuters)